MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình nào tối ưu cho các tập đoàn gia đình trị?

02-11-2014 - 21:39 PM | Tài chính quốc tế

Lịch sử đã chứng kiến không ít trường hợp các tập đoàn gia đình trị lụi tàn trong chốc lát vì các mâu thuẫn trong dòng tộc hoặc quá trình chuyển giao thế hệ không suôn sẻ.


Một nghiên cứu mới được Cristina Cruz Serrano và Laura Nuñez Letamendia (đến từ trường kinh doanh IE) công bố cho thấy mô hình gia đình trị sẽ ảnh hưởng tích cực đến tình hình tài chính. Họ tính toán rằng nếu năm 2001 bạn đầu tư 1.000 USD vào danh mục gồm cổ phiếu của các công ty gia đình trị ở châu Âu, đến cuối thập kỷ bạn sẽ có 3.533 USD. Danh mục gồm các công ty không phải gia đình trị chỉ đem về 2.241 USD.  

Tương lai của các doanh nghiệp gia đình trị sẽ phụ thuộc vào khả năng giải quyết những “hòn đá tảng” mà rất nhiều doanh nghiệp đã dựa vào. Một trong số đó là nguy cơ xảy ra mâu thuẫn giữa những người trong gia đình. Ví dụ, mùa hè vừa qua, mối hận thù trong dòng tộc gần như đã phá hủy chuỗi siêu thị  Market Basket của Mỹ. Nhân viên của công ty này đã đình công khi ông chủ nhận được nhiều sự ủng hộ Arthur T. Demoulas bị sa thải vì mâu thuẫn với người cháu. Tranh cãi chỉ chấm dứt khi các thống đốc của hai bang Massachusetts và New Hampshire đứng ra hòa giải.

Chuyển giao thế hệ cũng là một rủi ro lớn. Ở Ấn Độ,  bi kịch xảy ra năm 2002 khi Dhirubhai Ambani, người sáng lập Reliance Industries, qua đời mà chưa chỉ ra người kế vị. Trận chiến giữa các con trai của ông là Mukesh và Anil đã nổ ra và khiến tập đoàn này phải tách làm đôi. 

Trong một số trường hợp, những doanh nghiệp hùng mạnh và thành công vẫn có thể rơi vào tình trạng nhanh chóng lụi tàn sau khi chuyển giao thế hệ. Niềm tin của công chúng vào các doanh nghiệp gia đình trị thường sụt giảm ngay lập tức. Nghiên cứu được PwC thực hiện trên 2.400 doanh nghiệp gia đình trị ở 40 quốc gia cho thấy chỉ có 16% chuyển giao thành công. 

Những doanh nghiệp làm tốt nhất là những doanh nghiệp hiểu rõ đâu là lợi ích và có thể đa dạng hóa cũng như thích nghi nhanh chóng. Một số đặc biệt chú trọng vào việc đào tạo thế hệ tiếp theo. Illycaffé, công ty sản xuất cà phê đã có truyền thống 3 đời, có hẳn một bộ quy tắc áp dụng cho người trong dòng tộc mới tham gia kinh doanh. 

Tuy nhiên, có đôi lúc thế hệ sau sẽ không muốn nối nghiệp người đi trước hoặc không được thừa hưởng gen kinh doanh tốt. Khi đó các doanh nghiệp sẽ cần đến một chuyên gia để điều hành thay vì một người trong dòng tộc nhưng thiếu khả năng. 40% doanh nghiệp gia đình trị tham gia khảo sát của PwC cho biết chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh là một trong những thử thách chính mà họ phải vượt qua trong 5 năm tới. 

Kể cả khi người bên ngoài tham gia vào hội đồng quản trị của công ty, họ không mấy thành công trong việc mang lại ảnh hưởng. Những người bên ngoài thường từ chối tham gia vào các tranh cãi nội bộ và cho rằng công việc của họ chỉ là giám sát hoạt động kinh doanh.

Các nước phát triển có một đội quân hùng hậu các doanh nghiệp gia đình trị có đủ khả năng để vận hành một cách chuyên nghiệp. Ở các thị trường mới nổi, mọi thứ không rõ ràng như vậy. Tuy nhiên những ví dụ mới đây như Tata (Ấn Độ) hay Samsung (Hàn Quốc) cho thấy các doanh nghiệp này đã có nhiều tiến bộ. 

Khi các doanh nghiệp lớn ở thị trường mới nổi chuyển giao quyền lực từ người sáng lập sang những người thừa kế, giống như ở các nước phát triển, thử thách lớn nhất là hài hòa giữa các nhu cầu và ước muốn của gia đình với yêu cầu về một doanh nghiệp thành công. 


Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên