MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình tăng trưởng kinh tế châu Á đã thật sự lỗi thời

23-06-2009 - 12:14 PM | Tài chính quốc tế

Khủng hoảng kinh tế đã đập tan những thành tựu tăng trưởng kinh tế thần kỳ của châu Á. Một thế hệ mới thoát khỏi đói nghèo nay có thể phải trở lại với cảnh khốn khó trước đây.

Tác giả Brian P. Klein làm việc trong Hội đồng quan hệ và các vấn đề quốc tế tại Nhật. Đồng tác giả Kenneth Neil Cukier là phóng viên nghiên cứu kinh doanh và tài chính tại Tokyo – Nhật cho Economist.

 

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu tạo “cơ hội” cho người ta chứng kiến những điều chưa từng có trong lịch sử, điểm đáng chú ý nhất đó là giá vận tải từ miền Nam Trung Quốc sang châu Âu vào đầu năm 2009 tạm thời rơi xuống mức không. Khi nhu cầu hàng hoá từ phương Tây giảm và xuất khẩu đi xuống, những bên môi giới tạm thời giảm mức phí vận chuyển và chỉ tính một mức phí đóng hàng nhỏ.

 

Đến tháng 4/2009, hàng trăm tàu biển lớn tương đương khoảng 10% tổng số tàu biển thế giới nằm bất động tại các cảng châu Á. Lượng vận chuyển hàng hoá tại cảng Pusan, Hàn Quốc – một trong những khu cảng sầm uất nhất thế giới giảm 40% trong tháng 3/2009. Cảng không còn chỗ chứa những công ten nơ không có người sử dụng.

 

Việc vận tải hàng hoá đi xuống không chỉ đơn giản là biểu tượng cho những khó khăn nội tại của kinh tế toàn cầu mà còn cho thấy tốc độ ảnh hưởng của việc kinh tế thế giới đi xuống lên kinh tế châu Á. Tính theo tốc độ trung bình năm, trong quý 4/2008, xuất khẩu Đài Loan giảm đến 42%, sản xuất công nghiệp giảm 32%.

 

Sản xuất công nghiệp của Đài Loan như vậy còn giảm mạnh hơn so với sản xuất công nghiệp Mỹ thời kỳ Đại Suy thoái 1930. Kết thúc năm 2008, thâm hụt thương mại của Nhật lên cao nhất trong 30 năm. Mùa xuân năm nay, sản xuất công nghiệp Đài Loan trở lại mức độ tăng trưởng đầu thập niên 1980. Cựu thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu, dự đoán kinh tế quốc đảo này có thể suy giảm tới 10% trong năm 2009, mức độ suy giảm mạnh nhất từ khi nước này dành được độc lập năm 1965.

 

Thương mại đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ đã mang lại nhiều hiệu quả tốt. Thế những vấn đề bản chất vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí cả Trung Quốc, nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng từ 6% đến 8% trong năm nay – mức độ tăng trưởng dù ấn tượng trong bối cảnh các nền kinh tế lớn khác đi xuống mạnh.

 

Tốc độ tăng trưởng này nếu có đạt được vẫn là rất thấp so với mức 13% của năm 2007. Khắp các nước trong khu vực, nếu cách đây 1 năm còn đang hân hoan về tốc độ tăng trưởng ấn tượng thì nay tình thế dường như đã đảo ngược.

 

Người ta không thể ngờ những điều này lại xảy ra tại châu Á. Châu Á đã tránh được rất nhiều các hoạt động tài chính điên rồ của những năm gần đây. Tổ chức tài chính châu Á không tích trữ số tài sản độc hại đã đánh sụp tổ chức tài chính Mỹ và châu Âu, chính phủ các nước có sự liên kết chặt chẽ hơn, khả năng tài chính của các doanh nghiệp tốt, người dân có xu thế tiết kiệm chứ không hoang phí.

 

Khu vực đã học được quá nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng trước đây. Khủng hoảng tài chính năm 1997 – 1998 là khủng hoảng nợ, việc thoái vốn tác động sâu sắc đến nhiều nền kinh tế. Ghi nhớ điều này, khi thương mại phát triển, phần lớn nước châu Á tự bảo vệ chính họ bằng cách xuất siêu và tích được dự trữ ngoại tệ lớn. Họ tích cực mở rộng đón thương mại nước ngoài. Nói tóm lại, các nước châu Á đã đi rất đúng hướng, dù vậy họ đang chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng mạnh hơn các nước phương Tây.

 

Nguyên nhân chính đằng sau những vấn đề kinh tế hiện nay của châu Á, đáng mỉa mai thay lại chính là mô hình phát triển đã cứu châu Á ra khỏi cuộc khủng hoảng trước đây và mang lại nhiều thành công về kinh tế: mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu. Bằng việc phát triển định hướng vào sản xuất hàng hoá xuất khẩu, các nhà lãnh đạo châu Á để nền kinh tế rơi vào thế dễ chịu ảnh hưởng từ việc nhu cầu tiêu thụ hàng hoá châu Âu giảm sút.

 

Tăng trưởng kinh tế châu Á được xây dựng trên nền tảng xã hội, chính trị yếu, đó là việc thiếu đầu tư vào giáo dục công, y tế, dịch vụ xã hội, quản trị nền kinh tế kém và hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh. Nhà lãnh đạo các nền kinh tế châu Á, trong lúc đang hân hoan hưởng lợi từ thành công về kinh tế, đã quên đi những vấn đề trên, phần lớn không quan tâm đến việc gì ngoài việc thu nhập của họ tăng cao dần theo các năm.

 

Cho tới năm ngoái, người ta vẫn tin vào một thế kỷ của châu Á, tốc độ tăng trưởng khắp khu vực vượt mức 8%. Các nước châu Á vì thế cũng giành được vị thế đáng nể mới về chính trị. Thương mại liên vùng tăng trưởng mạnh, người ta từng tin rằng kinh tế châu Á đã vượt qua phương Tây để trở thành động lực tăng trưởng mới của kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng kinh tế đã đập tan những thành tựu tăng trưởng kinh tế thần kỳ của châu Á. Thay vì nổi lên trên thế giới, cả khu vực đang đi xuống tệ hại.

 

Tiêu dùng của các nước phương Tây sẽ không hồi phục trong một sớm một chiều, năng lực sản xuất khu vực trở nên thừa thãi, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tài chính, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khắp châu Á.

 

Kinh tế châu Á đang gặp vấn đề về cấu trúc chứ không phải chu kỳ. Kế hoạch kích thích kinh tế tập trung chủ yếu vào giải quyết vấn đề ngắn hạn trong một môi trường mà chất lượng của các khoản chi tiêu cũng quan trọng như số lượng. Mô hình kinh doanh của châu Á đang suy yếu và hiện chưa rõ mô hình nào sẽ thay thế.

 

Nếu nhà lãnh đạo các nền kinh tế châu Á không thành công trong tiến hành thay đổi cần thiết về kinh tế bao gồm: giảm sự mất cân bằng về thương mại, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ gây ra nhiều vấn đề rất lớn: một thế hệ mới thoát ra khỏi đói nghèo nay lại rơi vào đói nghèo, thời kỳ kinh tế suy giảm kéo dài gây ra nhiều vấn đề xã hội và chính trị.

 

Theo Foreign Affairs

Ngọc Diệp

 

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên