MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một nước Nhật mới mạnh hơn sẽ đi lên sau động đất, sóng thần?

18-03-2011 - 11:07 AM | Tài chính quốc tế

Trận động đất vừa qua có thể mang đến “cú huých” quan trọng buộc nước Nhật bế tắc và trì trệ phải thay đổi.

Ngày 01/09/1923, trận động đất 7,9 độ richte gây chấn động Kanto, Yokohama, Tokyo. Khoảng hơn 140 nghìn người đã chết và hơn 3 triệu người mất nhà cửa tại khu vực động đất.

Vào lúc 11 giờ 58 phút 32 giây giờ địa phương ngày 1 tháng 9 năm 1923, một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter đã xảy ra ở vị trí 35,1 vĩ độ Bắc - 139,5 kinh độ Đông, dưới đáy biển, cách bờ vịnh Sagami (tỉnh Kanagawa) khoảng 80 km về phía Tây Bắc.

Thời điểm xảy ra động đất đúng vào lúc người Nhật nấu cơm trưa. Thời đó, nhiều căn nhà của người Nhật còn làm bằng gỗ. Đổ vỡ nhà cửa và rơi đồ đạc vào lúc này khiến cho hỏa hoạn xảy ra ở nhiều nơi.

Người ta đã ghi nhận lại 136 điểm hỏa hoạn. Cũng thời gian đó, một trận bão đang tiến gần tới bán đảo Noto, gây ra gió mạnh khắp vùng Kanto, làm cho hỏa hoạn lan nhanh và kéo dài suốt 2 ngày sau.

Mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn khi người ta đồn rằng người Hàn Quốc đầu độc các giếng nước và sau đó hàng ngàn người Hàn đã bị giết. Cuối cùng, lực lượng quân đội đã phải vào cuộc.

71 năm sau, ngày 17/01/1995, Kobe chấn động bởi trận động đất 6,9 độ richte. 6.400 người chết. Thiệt hại ước tính khoảng hơn 100 tỷ USD tương đương 2,5% tổng thu nhập của Nhật, tương đương với trận động đất 9 độ richte tại khu vực Tohoku phía bắc Nhật bản.

Tuy nhiên trong vòng 18 tháng, hoạt động kinh tế tại Kobe đã lên tương đương 98% mức trước động đất. Cảng được xây dựng lại, nhà được hiện đại hóa và thành phố cảng Kobe rất được thế giới ngưỡng mộ.

Cũng cần xem đến phản ứng khác nhau của các nhà chức trách Nhật bởi bằng chứng cho thấy xã hội càng phát triển hơn, phản ứng với khủng hoảng sẽ mang tính xây dựng hơn. Sự thật đơn giản ở chỗ khủng hoảng có thể nhanh chóng thay đổi một quốc gia (tốt lên hay xấu đi).

Trước động đất, nước Nhật vẫn chìm trong bế tắc

Trận động đất và sóng thần ngày 11/03 vừa qua đã tàn phá một xã hội, dù giàu có, nhưng đang mắc kẹt. Suốt 2 thập kỷ qua, kinh tế Nhật chỉ tăng trưởng 1%/năm. Chính trường Nhật trong khi đó cũng đầy sóng gió. Đảng cầm quyền suốt 5 thập kỷ thất bại nhưng đảng mới lên cũng chưa thật sự mang đến thay đổi mới cho đất nước.

Trong 4 thập kỷ sau chiến tranh, chính trường Nhật khá ổn định và được hỗ trợ bởi kinh tế tăng trưởng tốt. Các tỉnh nông thôn với mật độ dân số vừa phải có ảnh hưởng quá mức lên chính trường Nhật.

Chính phủ cấp hàng tỷ USD xây cầu mà chẳng để làm gì, xây nhiều cảng biển tốn kém cho các làng chài và tàu cao tốc đến nơi xa xôi, người ta cảm giác dường như chính phủ Nhật đổ bê tông cả lòng sông Nhật.

Năm 1990, bong bóng vỡ. Số lượng người lao động trong dân số Nhật bắt đầu giảm. Năm 1998, lực lượng lao động bắt đầu thu hẹp và một thập kỷ sau đó, dân số Nhật bắt đầu giảm. Cuối cùng, khi người dân Nhật lo lắng về chi phí ngày một cao của những dự án tốn kém, đảng LDP thất bại.

Trước trận động đất và sóng thần tại Tohoku ngày 11/03/2011, kinh tế Nhật vốn đã tăng trưởng chậm, tình hình tài khóa và giảm phát căng thẳng. Nhiều thập kỷ chi tiêu hoang phí đã khiến nợ công của Nhật cao gấp đôi so với GDP.

Nay, đằng sau những con số thương vong, chi phí kinh tế đang tăng lên và có thể sẽ còn tiếp tục tăng nếu thảm họa hạt nhân lên mức căng thẳng như Chernobyl trước đây. Nếu quá trình tái thiết được thực hiện tốt, người ta hy vọng một nước Nhật mới sẽ hình thành.

Nhật có nhiều thế mạnh hơn người ta tưởng

Bất chấp xuất phát điểm thấp, chính phủ Nhật vẫn đang nắm một số thế mạnh. 95% nợ của Nhật do nhà đầu tư nội địa chứ không phải quỹ đầu cơ nước ngoài nắm giữ.

Các công dân này chắc chắn sẽ không bán trái phiếu nếu chính phủ Nhật tiếp tục vay nợ để chi tiền cho quá trình xây dựng lại đất nước, ví như thành phố Sendai.

Khả năng tài chính của Nhật rất vững.

Tiền để xây dựng lại nước Nhật có thể đến từ việc chuyển hướng chi tiêu từ một số dự án không hiệu quả sang mục tiêu quan trọng hơn. Chất lượng các công trình công cộng tại Nhật sẽ cải thiện, có thể vĩnh viễn, bởi người ta quá thấm thía hậu quả của khủng hoảng.

Lực lượng lao động của Nhật đang thu hẹp và như vậy hạn chế khả năng xây dựng lại đất nước. Chính trị gia và công chúng Nhật sẽ phải nhìn lại chính sách nhập cư của họ. Bao lâu nay chính phủ Nhật đã kiểm soát chặt chẽ biên giới và tạo ra rất nhiều rào cản khiến người nhập cư khó ở lại sống và làm việc ở Nhật.

Trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, duy nhất Hàn Quốc có tỷ lệ người nước ngoài trong lực lượng lao động thấp hơn.

Người nước ngoài tại Nhật hiện thuộc nhiều nhóm khác nhau: nhóm trình độ cao và nhóm trình độ thấp (chủ yếu làm việc bất hợp pháp) và cô dâu được “nhập khẩu” về các vùng nông thôn.

Bao lâu nay, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng Nhật cần chào đón thêm lao động nhập cư để đảm bảo được khả năng cạnh tranh về kinh tế. Quá trình xây dựng lại đất nước đưa yêu cầu trên lên mức bức thiết hơn bao giờ hết.

Quá trình tái thiết đất nước cũng sẽ giúp làm chậm lại, nếu không nói đến đảo ngược, quá trình tập trung quá nhiều sức mạnh kinh tế vào một số thành phố tại Nhật.

Trong 10 đến 20 năm qua, hàng trăm tập đoàn Nhật đã chuyển trụ sở chính từ Osaka và Kitakyushu đến Tokyo.

Nhật chuyển sang xã hội hậu công nghiệp, số lượng các tổ chức tài chính giảm và văn hóa nhấn mạnh vào giao tiếp trực tiếp trong kinh doanh đã khiến cuộc sống kinh tế tại thủ đô của Nhật hết sức sôi động.

Việc xây dựng lại đất nước sau động đất sẽ giúp hoạt động kinh tế phát triển rộng khắp đất nước. Vùng phía Bắc Nhật sẽ có thêm nguồn sức mạnh kinh tế mới.

Tuy nhiên yếu tố quyết định sự thành công cho các biện pháp xây dựng lại đất nước lại thuộc về chính trị gia Nhật. Nếu đảng cầm quyền thành công, người dân Nhật sẽ yên tâm họ đã tìm được lựa chọn tốt thay thế cho đảng LDP. Nhật sau đó sẽ có hệ thống 2 đảng thật sự nơi sức mạnh chính trị và ý tưởng luôn được đưa ra thử thách. Thời gian sẽ đưa ra câu trả lời tốt nhất về việc liệu Nhật có trở lại quá khứ trước đây hay có tương lai tươi sáng hơn.

Ngọc Diệp
Theo WashingtonPost


ngocdiep

Trở lên trên