MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ: In tiền cứu kinh tế lúc này có phải là mưu phản?

23-08-2011 - 08:42 AM | Tài chính quốc tế

Ông Rick Perry, Thống đốc bang Texas đã lên tiếng tỏ ý bất đồng với Chủ tịch FED về chuyện in tiền: "In tiền cho cuộc chơi chính trị thời điểm này của nước Mỹ, thì theo cá nhân tôi gọi đây là mưu phản".

Ứng cử viên Tổng thống Rick Perry có lời khiếm nhã với thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị cho in thêm tiền để cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, dưới những áp lực hiện tại, chuyện FED sắp làm là khó tránh khỏi.

Ông Rick Perry, Thống đốc bang Texas đang là ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Hôm 21/8, ông đã lên tiếng tỏ ý bất đồng với Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về chuyện in tiền.

Perry nói một cách thiếu tế nhị rằng: "Nếu ông Bernanke tiếp tục cho in tiền từ giờ tới cuộc bầu cử năm 2012, thì tôi chẳng rõ người ta đối xử với ông ta thế nào ở các bang khác, riêng tại Texas này thì chúng tôi sẽ tiếp đãi không khách sáo. In tiền cho cuộc chơi chính trị vào thời điểm này của nước Mỹ, thì theo cá nhân tôi gọi đây là mưu phản".

Câu nói trên đã nhận phải sự chỉ trích từ nhiều phía. Các thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng cách nói này không phù hợp và "phi tổng thống". Bernanke là một chuyên gia kinh tế có lối suy nghĩ thấu đáo và hiểu biết trong chuyện tiền tệ. Ông từng phục vụ cho chính quyền Bush và được tái bổ nhiệm vào chiếc ghế Chủ tịch FED trong nhiệm kỳ Tổng thống Obama.

Lời công kích của Perry và các thành viên khác trong cuộc đua tới quyền lực trong Đảng Cộng hòa không làm phức tạp thêm công việc mà FED phải làm phía trước. Ngân hàng Trung ương sẵn sàng đưa ra lựa chọn để đáp lại nền kinh tế, chứ không phải chính trị. Họ cũng đã thông báo sẽ giữ mức lãi suất cận 0 trong vòng 2 năm nữa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng ông Bernanke đã hơi dễ dãi trong việc in tiền. Chỉ trong vòng 12 năm từ 1999 đến 2011, Fed đã cho in hàng nghìn tỷ USD nhằm cứu vãn tình hình kinh tế Mỹ. Năm 1999, FED in 73 tỷ USD để tránh hậu quả của vụ Y2K.

Sau vụ 11/9/2001, Fed lại tiếp tục in thêm 40 tỷ USD nữa, rồi khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 diễn ra, Bernanke lại quyết định in tới 1.600 tỷ USD để cứu nước Mỹ. Năm 2009, Mỹ tiếp tục rơi vào cảnh tồi tệ khiến gói kích thích kinh tế trị giá 1.700 tỷ USD ra đời. Tháng 11/2010, gói thứ hai với 600 tỷ USD lại được thông qua và có vẻ như chuyện này chưa dừng lại.

Theo Wall Street Journal, chuyện Mỹ in tiền luôn làm các quốc gia khác cảm thấy... hồi hộp bởi lẽ càng in nhiều thì đồng USD càng mất giá. Đồng tiền của các nước vì thế sẽ tăng giá, làm giảm ưu thế xuất khẩu. Ngoài ra, các chủ nợ của Mỹ cũng xót ruột khi đồng đôla mất giá.

Trong lịch sử, hầu hết các nhân vật chính trị từ cả hai đảng đều yêu cầu ngân hàng trung ương phải giữ mức lãi suất thất và mở rộng nguồn cung tiền càng nhiều càng tốt nhằm tiếp thêm sinh lực cho phát triển kinh tế. Nhưng hiện tại, phần lớn áp lực với Fed đến từ phía Cộng hòa, những người đang ra sức tranh cãi rằng việc thắt chặt tiền tệ là cần thiết, kể cả khi tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 9%.

Tờ Bloomberg nhận định, dưới những áp lực hiện tại từ tỷ lệ lạm phát tăng cao trong tháng 7/2011, đạt 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái kèm với tỷ lệ thất nghiệp, không loại trừ khả năng Fed vẫn phải tiếp tục hướng đi của mình, đồng nghĩa với việc những cỗ máy in tiền của Chính phủ Mỹ lại tiếp tục vận hành để cứu chính họ.

Theo Anh Quân

VnExpress

kyanh

Trở lên trên