MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ - tiền và quyền song hành

22-02-2016 - 00:17 AM | Tài chính quốc tế

Những người Mỹ giàu nhất nước lâu nay đã nuôi một bộ máy tinh vi và hiệu quả đến lạ lùng để che chắn cho khối tài sản của họ

Giới cực giàu ở Mỹ có thể âm thầm định hướng chính sách thuế, cho phép họ cứu được hàng tỉ USD thu nhập của bản thân.

“Công nghiệp bảo toàn thu nhập”

Các trùm tư bản Daniel S. Loeb, Louis Moore Bacon và Steven A. Cohen có một số điểm chung: Đều quản lý vốn hàng tỉ USD và kiếm được những vận may lớn. Họ đầu tư những khoản tiền lớn vào nghệ thuật và hàng triệu USD cho các ứng cử viên chính trị. Hơn nữa, mỗi người trong số họ đều lợi dụng lỗ hổng về thuế để cứu hàng triệu USD cho bản thân.

Nước Mỹ đang ở trong tình trạng bất bình đẳng với mức độ cao nhất trong gần 1 thế kỷ qua. Công chúng Mỹ ngày càng tranh luận nhiều hơn về vấn đề liệu chính phủ nước này có phản ứng trước thực tế đó thông qua các thuế suất cao hơn nhắm vào giới nhà giàu hay không.

Trong khi đó, những người Mỹ giàu nhất nước lâu nay đã nuôi một bộ máy tinh vi và hiệu quả đến lạ lùng để che chắn cho khối tài sản của họ. Có người gọi đó là “ngành công nghiệp bảo toàn thu nhập”, bao gồm một đội ngũ cao giá những luật sư, nhà hoạch định chính sách, người vận động hành lang và nhà hoạt động chống sưu thuế. Nhiệm vụ của họ là khai thác và biện hộ cho những thủ đoạn về thuế mà người nộp thuế thấp cổ bé họng hoàn toàn không có.

Những năm gần đây, bộ máy nêu trên đã trở thành một trong những chỗ dựa vững chắc nhất đối với người Mỹ giàu có thuộc mọi đẳng cấp chính trị. Trong số đó, ông Loeb và ông Cohen là 2 người đã chi rộng tay cho phe Cộng hòa, còn tỉ phú George Soros là người đã kêu gọi đánh thuế cao hơn đối với nhà giàu trong khi lợi dụng lỗ hổng về thuế để làm tăng thêm tài sản riêng.

Thương lượng riêng với Cục Thuế nội địa (IRS), giới nhà giàu Mỹ đã lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình để “đẽo gọt” dần dần khả năng đánh thuế của chính phủ đối với họ. Kết quả là một hệ thống thuế riêng được tạo ra chỉ phục vụ cho vài ngàn công dân Mỹ.

Năm 1993, khi ông Bill Clinton được bầu làm tổng thống, 400 người nộp thuế có thu nhập cao nhất ở Mỹ đã đóng góp 27% thu nhập của họ vào các loại thuế liên bang - theo dữ liệu của IRS. Đến năm 2012, khi Tổng thống Barack Obama tái đắc cử, con số này đã giảm xuống dưới 17%, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với các gia đình có thu nhập 100.000 USD/năm.

“Giới siêu giàu đã chi ra hàng triệu USD và cứu được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD tiền thuế” - nhà khoa học chính trị Jeffrey A. Winters, Trường Đại học Northwestern, thừa nhận.

Văn phòng gia đình

Ông Jared Bernstein - thành viên cao cấp Trung tâm Ngân sách và Ưu tiên chính sách, từng là trưởng nhóm cố vấn kinh tế của Phó Tổng thống Mỹ Joseph

R. Biden Jr - nhận định: “Có thể nói giới nhà giàu dùng tiền của họ để mua các chính khách. Nói chính xác hơn, đó là họ mua chính sách, đặc biệt là chính sách thuế. Đây chính là lý do khiến những lỗ hổng lớn đó tồn tại và tại sao không thể trám chúng lại”.

Mỗi người trong số 400 đại gia có thu nhập cao nhất Mỹ đã đem về trung bình khoảng 336 triệu USD trong năm 2012 - năm gần đây nhất có dữ liệu này. Theo báo The New York Times, đa phần thu nhập của họ xuất phát từ các mối quan hệ đối tác đan xen và các quỹ đầu tư “chất lượng cao”. Các khoản thu nhập khác được tích lũy trong những công ty gia đình quản lý tài sản ủy thác và các công ty vỏ bọc nước ngoài, nằm ngoài tầm tay của cơ quan thuế.

Thế nhưng, điểm tựa của chiến lược giảm thiểu tiền thuế là các văn phòng gia đình - cơ quan quản lý của cải của những người Mỹ có tài sản hàng triệu hoặc hàng tỉ USD. Các văn phòng gia đình xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, khi nhà Rockefeller là những người đi tiên phong khởi xướng loại hình này và trở nên thịnh hành vào những năm 1980. Văn phòng gia đình đã phổ biến nhanh chóng trong thập kỷ qua khi vị trí xã hội của giới siêu giàu và quy mô tài sản của họ đều tăng với tỉ lệ kỷ lục.

Văn phòng gia đình - dành cho việc quản lý và bảo vệ tài sản của một gia đình - trông coi mọi chuyện, từ chiến lược đầu tư đến chương trình từ thiện. Thế nhưng, hoạch định sách lược thuế là chức năng chính của nó. Những kỹ thuật chuyên biệt được áp dụng để giảm thiểu thuế có thể phức tạp nhưng nhìn chung, các cố vấn của văn phòng gia đình đều đi theo vài nguyên tắc đơn giản, như sửa đổi một loại thu nhập thành loại khác bị đánh thuế thấp hơn.

Từ khi Tổng thống Obama đăng quang đến cuối năm 2012, tỉ lệ thuế thu nhập liên bang đối với cá nhân không hề thay đổi nhưng tỉ lệ nộp thuế của những người Mỹ thu nhập cao nhất đã giảm trung bình từ 20,9% xuống 17,6%. “Chúng ta có 2 hệ thống thuế khác nhau: một dành cho những người lãnh lương bình thường và một dành cho những người có thể đưa ra báo cáo thuế giả. Với nhóm có thu nhập cao nhất, tỉ lệ thuế giảm xuống, trái ngược với các nguyên tắc của hệ thống thuế thu nhập tiến bộ” - giáo sư luật Victor Fleischer, Trường Đại học San Diego, khẳng định.

Công kích việc nâng thuế

Một số nhà tư bản ủng hộ các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 đang khơi mào những cuộc tranh luận lớn về thuế. Trong đó, gia đình nhà đầu tư Robert Mercer tài trợ cho phe Cộng hòa, nhà đầu tư James Simons tài trợ phe Dân chủ, còn thương gia Jeffrey Yass tài trợ phe Cộng hòa nhưng có khuynh hướng tự do…

Công ty của ông Yass đang khiếu kiện sau khi IRS cho rằng doanh nghiệp này đã bỏ túi hàng chục triệu USD vì trả lương nhân viên không xứng đáng. Trong khi đó, Quỹ Renaissance Technologies, do ông Simons thành lập và được ông Mercer điều hành, đang bị IRS phê bình về lỗ hổng đã cứu quỹ này ước tính 6,8 tỉ USD tiền thuế trong 1 thập kỷ - theo cuộc điều tra của thượng viện Mỹ.

Một số gia đình cũng đóng góp hàng trăm ngàn USD cho các nhóm bảo thủ đã công kích gần như mọi nỗ lực nhằm nâng thuế đối với giới nhà giàu.

Theo Ngô Sinh

Người Lao Động

Trở lên trên