MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ, Trung Quốc và “ván bài” Myanmar

20-11-2012 - 11:09 AM | Tài chính quốc tế

Theo giới phân tích, chuyến thăm của ông Obama không chỉ đơn giản là để thừa nhận những thay đổi mà Myanmar đã thực hiện trong thời gian qua. Động thái này giúp Mỹ cân bằng với Trung Quốc.

Hôm qua (19/11), ông Barack Obama đã trở thành vị Tổng thống Mỹ đang đương chức đầu tiên có chuyến thăm lịch sử tới Myanamar – đất nước Đông Nam Á đã gây nhiều bất ngờ trong thời gian gần đây với những thay đổi chóng mặt sau 5 thập kỷ khép kín và chìm trong bạo loạn. 

Theo giới phân tích, chuyến thăm của ông Obama có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm này. Việc Myanmar mở toang cánh cửa với thế giới bên ngoài trong thời gian gần đây đang đe dọa đến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nước này. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tạo ra được những ảnh hưởng mạnh mẽ ở Myanmar trong nhiều thập kỷ qua. 

Thậm chí, theo William Case, giáo sư chính trị tại đại học thành phố Hồng Kông, thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc chính là một trong những động lực chính thôi thúc Myanmar thực hiện các cải cách kinh tế gần đây. 

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar và tiếp theo là Thái Lan. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Myanmar, kim ngạch thương mại song phương của 2 nước đạt 3,6 tỷ USD trong năm tài khóa 2011 – 2012. 

Tuy nhiên, gần đây, Myanmar đã muốn thoát khỏi tình trạng này. Năm ngoái, một dự án xây đập trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư đã bị hoãn lại do những than phiền về thái độ của người Trung Quốc đối với người dân Myanmar cũng như các vấn đề về môi trường. 

Theo giới phân tích, chuyến thăm của ông Obama không chỉ đơn giản là để thừa nhận những thay đổi mà Myanmar đã thực hiện trong thời gian qua. Động thái này giúp Mỹ cân bằng với Trung Quốc. Với chuyến thăm này, năng lượng, cơ sở hạ tầng và sản xuất hàng tiêu dùng sẽ là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất với dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng lên.  

Không chỉ có Mỹ hưởng lợi

Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ bị đe dọa từ Mỹ mà còn từ nhiều quốc gia khác. Rất nhiều nước cũng đang háo hức muốn tận dụng lợi thế là nước đi đầu thâm nhập vào nền kinh tế trong giai đoạn đầu của quá trình mở cửa. 

Nước đầu tiên hưởng lợi sẽ Nhật Bản – quốc gia đang củng cố sự hiện diện ở Myanmar. Theo giới phân tích, có thể Nhật Bản sẽ làm tốt bởi các thương hiệu đến từ Nhật Bản khá được ưa chuộng tại đây. 

Theo một báo cáo mới được Reuters công bố, trong những năm gần đây, Tổng thống Thein Sein đã rất tích cực làm việc để có được thỏa thuận phát triển 1 đặc khu kinh tế với nguồn vốn tài trợ từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng tin rằng trong ngắn hạn, các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi hoạt động tại Myanmar. Trung Quốc đã ký kết rất nhiều thỏa thuận hợp tác với Myanmar và chắc chắn nước này sẽ tiếp tục nắm giữ những ngành kinh tế chủ chốt trong ngắn và trung hạn.

Theo số liệu từ Ủy ban đầu tư Myanmar, trong năm tài khóa 2010 – 2011, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 13,6 tỷ USD vào Myanmar. Hầu hết số tiền được rót vào ngành năng lượng. 

Trong khi đó, tiêu dùng cũng là mảng có nhiều tiềm năng để khai thác. Các mảng như dịch vụ tài chính, thẻ tín dụng và sản xuất hàng hóa tiêu dùng có thể đem lại hiệu quả. Myanmar có thị trường tiêu dùng khổng lồ nhưng chưa được khai thác và vẫn ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. 

Thu Hương

huongnt

CNBC

Trở lên trên