MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Myanmar đang trở thành “nam châm” hút tiền?

03-03-2012 - 20:29 PM | Tài chính quốc tế

Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội trong khắp các lĩnh vực, từ tài chính cho đến khách sạn và chế biến thực phẩm.

Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít đối với doanh nghiệp nào muốn làm ăn ở Myanmar.

Ông Hans Vriens, tư vấn viên tại Singapore, nhận xét về biến chuyển mới tại Myanmar: “Không phải ngẫu nhiên mà đất nước 60 triệu dân tại khu vực kinh tế năng động nhất thế giới bất ngờ mở cửa đón hoạt động kinh doanh từ nước ngoài.” Đất nước một thời bị cô lập nay đã chuyển từ đất nước độc tài quân sự sang đất nước mở cửa hơn.

Myanmar giàu tài nguyên gỗ, khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt và khoảng cách đây khoảng nửa thế kỷ Myanmar từng là nền kinh tế giàu có nhất trong khu vực. Nhiều thập kỷ bị cô lập và trừng phạt đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim trên.. Nay Myanmar đang hòa mình vào thế giới thực. Quân đội đã nới lỏng kiểm soát và chính phủ đang hết sức khuyến khích đầu tư nước ngoài. Liệu kinh tế có lấy lại được hào quang của ngày xưa?

Quá trình cải tổ của Myanmar đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía ngoại giao các nước. Thập niên 1990, chính phủ Mỹ và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế do chính phủ Myanmar không thực hiện tốt nhiều chính sách chính trị. Các lệnh trừng phạt có thể bị dỡ đi.

Các công ty nước ngoài, đặc biệt nhóm công ty phương Tây, chạy đua đầu tư. Chính phủ nhiều nước khác cũng đang rất quan tâm đến Myanmar. Chính phủ Mỹ đang cho phép các chuyên gia thuộc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào Myanmar để giúp chính phủ hiện đại hóa hệ thống tài chính. EU đã bãi bỏ hạn chế visa với một số thành viên cao cấp thuộc chính phủ và dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách vào tháng 4/2012.

Các công ty phương Tây ấn tượng với dân số đông tại Myanmar, nguồn tài nguyên dồi dào và nhu cầu đối với sản phẩm và dịch vụ tại Myanmar ở mức cao. Tại Myanmar, người dân khao khát nhiều thứ sau thời gian dài đất nước đóng cửa. Hiện ở Myanmar, rất ít người sở hữu ô tô, gần như vắng bóng siêu thị và trung tâm mua sắm hiện vốn đang mọc lên như nấm khắp châu Á. Chuyên gia Vriens khẳng định nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội trong khắp các lĩnh vực, từ tài chính cho đến khách sạn và chế biến thực phẩm.

Chính phủ mới của Myanmar đang chào đón nhà đầu tư phương Tây. Trong những năm bị trừng phạt, nhóm nhà đầu tư lớn chủ yếu là các công ty Trung Quốc muốn khai thác dầu, gỗ và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác. Rất ít trong số các công ty trên mang đến nhiều phúc lợi cho người lao động tại địa phương hoặc quan tâm đến môi trường. Nay Myanmar đã có nhiều lựa chọn khác.

Để giúp đất nước trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ đang cố gắng đẩy mạnh các chương trình cải cách hệ thống pháp lý và kinh tế. Luật mới liên quan đến đất đai và đầu tư đang được bàn thảo, nhiều khu vực kinh tế đặc biệt được tạo ra, chính phủ sẵn sàng đón nhận lời khuyên từ các bên.

Quan chức chính phủ Myanmar đang tạo nên hình ảnh một Myanmar như điểm liên kết chiến lược giữa Trung Quốc, Ấn Độ với Đông Nam Á, nơi cửa ngõ của 3 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Dù vậy, làm ăn kinh doanh ở Myanmar không hề dễ dàng. Thứ nhất, tỷ giá biến động mạnh. Tỷ giá chính thức hiện ở mức 6 kyat/USD trong khi đó tỷ giá trên thị trường chợ đen ở mức 800 kyat/USD.

Myanmar thiếu một hệ thống ngân hàng phù hợp. Trong tinh thần cởi mở, các quan chức thừa nhận rằng tình trạng tham nhũng đã trở thành cố hữu. Tổ chức minh bạch thế giới xếp Myanmar ở thứ hạng 180/183 nước. Việc xây dựng một hệ thống pháp lý tốt có thể mất thời gian dài.

Dù sao cũng phải kể đến việc một số công ty đã thành công tại Myanmar trong nhiều năm, bất chấp các lệnh trừng phạt. Total đã quen với việc kinh doanh tại những nơi khó khăn. DHL, công ty vận chuyển của Đức, đã hưởng lợi từ việc không có nhiều hãng cung cấp dịch vụ bưu chính đáng tin cậy ở nước này. Dù vậy vẫn còn nhiều ngoại lệ. Nếu Myanmar muốn thực sự tăng trưởng bùng nổ như nhiều nước châu Á khác, Myanmar sẽ phải tiếp tục cải tổ trong nhiều năm tới.

Đình Hảo

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên