MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nên hay không nên kiểm soát dòng vốn chảy vào nền kinh tế?

20-12-2014 - 18:40 PM | Tài chính quốc tế

Số liệu thống kê cho thấy để chống lại những tác động tiêu cực, trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2010 đã có tổng cộng 37 quốc gia đặt ra những giới hạn nhằm kiểm soát dòng tiền đi ra khỏi đất nước.

Dòng tiền được tự do luân chuyển giữa biên giới quốc gia là “linh hồn” của kinh tế thế giới hiện đại. Điều này giúp vốn được sử dụng hiệu quả nhất và tối đa hóa sự thịnh vượng. Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi”. Những thảm họa có thể xảy đến sau những thời kỳ kinh tế bùng nổ mạnh mẽ. 

Số liệu thống kê cho thấy để chống lại những tác động tiêu cực, trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2010 đã có tổng cộng 37 quốc gia đặt ra những giới hạn nhằm kiểm soát dòng tiền đi ra khỏi đất nước. 

Đôi lúc các biện pháp này mang lại hiệu quả nhưng đôi lúc thì không. Rất khó để kiểm soát dòng vốn mà không khiến nhà đầu tư nước ngoài hoảng sợ và bỏ chạy. 

Tuy nhiên, điều gì xảy ra khi nhà đầu tư tự bỏ chạy? Từ năm 2010 đến 2012, các nhà đầu tư đã rót tổng cộng 3.600 tỷ USD vào các nền kinh tế đang phát triển với hi vọng tìm kiếm được mức lợi suất cao hơn ở quê nhà. Khi các thị trường tài chính ở Mỹ bừng tỉnh và gió đổi chiều, các thị trường chứng khoán ở các nước mới nổi từ Brazil tới Thổ Nhĩ Kỳ đều lao dốc, chi phí đi vay của doanh nghiệ tăng lên và đồng tiền của các nước này suy sụp. 

Đà lao dốc của giá dầu cuối năm 2014 đe dọa sẽ gây nên một thời kỳ bất ổn mới và nhiều người hoài nghi rằng kiểm soát vốn vẫn là sự lựa chọn hấp dẫn đối với các quốc gia bị ảnh hưởng. 

Bối cảnh

Trong bối cảnh đồng ruble của Nga lao dốc mạnh trong tháng 12/2014, Bộ trưởng kinh tế Nga đã kiên quyết phủ nhận nước này đang xem xét các biện pháp kiểm soát dòng vốn. Tuy nhiên sự thất bại của 6 lần tăng lãi suất và việc NHTW đã tung 80 tỷ USD can thiệp nhằm chặn đà giảm giá của đồng ruble có thể khiến nhiều người kết luận rằng Nga đang giấu giếm điều gì đó. Điều này ngược lại càng khiến áp lực bán ra đồng ruble tăng cao. 

Nga đã hối thúc các nhà xuất khẩu chuyển đổi nhiều hơn doanh thu bằng ngoại tệ sang đồng nội tệ - động thái được một số người cho là tương tự với chính sách kiểm soát dòng vốn. 

Có hai nước duy nhất áp đặt kiểm soát dòng vốn hoàn toàn trong năm 2014 là Ukraine và Ghana. Cả hai nước này đều nhanh chóng gỡ bỏ kiểm soát trong vài tháng (ở Ukraine là sau khi nước này chắc chắn sẽ nhận được khoản vay trị giá 17 tỷ USD từ IMF). 

Một số nước khác sử dụng một số chính sách hạn chế như Argentina và Venezule – nơi mà tình trạng khan hiếm tiền tệ dẫn đến cảnh thiếu thốn thực phẩm và thuốc men và cuối cùng là siêu lạm phát. 

Đảo Síp là quốc gia đầu tiên ở eurozone sử dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn sau khi hệ thống ngân hàng của nước này rơi vào khủng hoảng năm 2013. Hồi đầu tháng, Iceland tuyên bố đã sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát sau 6 năm. 

Trung Quốc cũng bắt đầu nới lỏng các chính sách kiểm soát dòng tiền đã được sử dụng trong suốt 3 thập kỷ qua. 

Lịch sử

Để tránh tình trạng dòng tiền từ bên ngoài “làm ngập” nền kinh tế của một quốc gia hay bị rút ra quá nhanh, chính phủ nước đó có thể giới hạn lượng tiền rút ra khỏi các ngân hàng, hạn chế giao dịch bằng ngoại tệ hoặc đánh thuế các giao dịch mua trái phiếu và cổ phiếu.

Các biện pháp kể trên chỉ phổ biến sau những năm 1930, khi các quốc gia bắt đầu sử dụng chúng để giữ lại những nguồn lực hiếm hoi trong thời kỳ Đại suy thoái. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các quy định kiểm soát dòng vốn trở thành một phần cố định của hệ thống tài chính thế giới. 

Chỉ đến năm 1971, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon xóa bỏ việc neo đồng USD vào vàng, các đồng tiền lớn trên thế giới mới bắt đầu được thả nổi và các quốc gia cũng dỡ bỏ những giới hạn. 

Phong trào mở cửa thị trường vốn trở nên phổ biến cho tới khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở châu Á vào cuối những năm 1990. Sự kiện này khiến người ta nhận ra rằng kiểm soát dòng vốn có ích trong những trường hợp cụ thể: Malaysia nhanh chóng hồi phục sau khi sử dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn vào tháng 9/1998. Đến năm 2010, IMF thừa nhận kiểm soát vốn có thể giúp giảm thiểu hoặc thậm chí ngăn chặn khủng hoảng tài chính. 

Tranh cãi

Rất nhiều nhà kinh tế học cho rằng có những thời điểm và địa điểm thích hợp cho các biện pháp kiểm soát dòng vốn. Hiệu quả đến đâu vẫn còn là điều gây tranh cãi. Một số người hoài nghi trước lập luận cho rằng dòng vốn tự do luân chuyển giữa biên giới các quốc gia thường tạo ra nguồn vốn cho các khoản đầu tư mang lại lợi suất cao và đem đến công nghệ, cải tiến cùng với tăng trưởng.

Diễn biến của các nền kinh tế như Venezuela và Argentina trong vài năm gần đây cho thấy kiểm soát dòng vốn trong thời gian kéo dài sẽ khiến nguồn lực bị phân bổ sai chỗ và không khuyến khích đầu tư. 

Một số biện pháp kiểm soát vốn được sử dụng hiệu quả và đúng hoàn cảnh được cho là sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đồng tiền bị định giá quá cao và các bong bóng tài chính. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, các biện pháp này cũng giúp cho người hoạch định chính sách có khoảng thời gian giải quyết những yếu kém của nền kinh tế và hạn chế bán tháo trong cơn hoảng loạn. 

Các biện pháp kiểm soát vốn không phải lúc nào cũng là sai trái và cũng không phải không có tác hại. Không những vậy, các quốc gia cũng phải tính đến bộ ba bất khả thi: không thể có dòng vốn tự do khi lãi suất và tỷ giá bị kiểm soát. 

>>> Nga tung một loạt các biện pháp khẩn cấp để cứu đồng ruble

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên