MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngài Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Mỹ chuẩn bị làm gì?

04-10-2008 - 17:50 PM | Tài chính quốc tế

Việc kế hoạch 700 tỷ USD được thông qua chỉ là thành công bước đầu. Để cứu được thị trường tài chính cần đến sự quản lý tốt của những người nắm kế hoạch đó.

Ngay cả khi kế hoạch 700 tỷ USD được chấp thuận, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Mỹ cần phải chọn đúng đối tượng ngân hàng để mua tài sản để có thể tạo ra được ảnh hưởng lớn nhất và nhanh nhất đến thị trường.

 

Việc Hạ Nghị Viện thông qua kế hoạch giải cứu ngành tài chính trị giá 700 tỷ USD bằng cách mua lại một số tài sản xấu liên quan đến thị trường thế chấp bất động sản dưới chuẩn đã khiến cả phố Wall thở phào.

 

Sau hai tuần thương thảo liên tục và một lần thất bại tại Hạ Viện, cuối cùng bản dự thảo luật cũng đã đến bàn của tổng thống Bush và ông đã ký chấp thuận nó thành luật.

 

Quan chức Bộ Tài Chính cho biết rõ rằng họ muốn tiến hành làm việc đó càng sớm càng tốt. Họ muốn tiến hành phiên đấu giá mua tài sản đầu tiên trong 4 tuần.

 

Sau khi bản kế hoạch đã được thông qua, Bộ Tài Chính hy vọng sẽ tuyển được 10 giám đốc quản lý tài sản để giám sát việc mua tài sản, mỗi người này sẽ quản lý khoảng 50 tỷ USD. Bộ sẽ thuê thêm khoảng một số nhân viên ngân hàng, luật sư và kế toán để điều hành chương trình. Phần lớn số này sẽ được tuyển dụng chỉ trong tháng 10.

 

Mua tài sản một cách thận trọng

 

Mục tiêu của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính đã rõ ràng. Ông sẽ phải quyết định sẽ mua tài sản nào đầu tiên, và mua của tổ chức nào. Quốc Hội đã cấp quyền cho Bộ Tài Chính được tòan quyền quyết định một cách thận trọng.

 

Mặc dù phần lớn tiền sẽ giành cho mua chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp và khoản vay mua nhà, Bộ Tài Chính có thể mua lại các khoản vay xây dựng, hay các loại hình nợ khác nếu cảm thấy thật sự cần thiết.

 

Bộ Tài Chính có quyền quyết định sẽ mua tài sản từ tổ chức tài chính nào họ cảm thấy cần thiết. Trong danh sách là các ngân hàng, ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm, tuy nhiên, các quỹ đầu tư rủi ro và các loại hình công ty khác cũng có thể được xem xét.

 

Những phiên đấu giá này sẽ có trình tự ngược với thường lệ, trong đó người bán tranh nhau bán bằng việc đưa ra mức giá mà họ chấp nhận. Người đứng làm chủ phiên đấu giá sẽ quyết định mua tài sản của bên nào yêu cầu giá thấp nhất.

 

Bộ Tài Chính sẽ công bố với các tổ chức họ muốn mua loại hình nợ đảm bảo bằng thế chấp nào, và sau đó Bộ sẽ mua chứng khoán từ bên bán nào chấp nhận giá thấp hơn các đối thủ.

 

Công bố thông tin với thị trường

 

Trong một bản báo cáo công bố vào sáng ngày thứ Sáu, quan chức Bộ Tài Chính đã chuẩn bị đưa ra quyết định loại tài sản nào họ sẽ mua trước. Họ đồng thời cũng thu thập số liệu từ các tổ chức tài chính để trong mỗi lần mua họ có đủ căn cứ để công bố với thị trường rằng họ đã ứng cứu đúng đối tượng, rằng họ đã sử dụng tiền đóng thuế của người dân đúng chỗ để có thể mang lại niềm tin tốt nhất cho thị trường, tác dụng tốt hồi phục thị trường và công việc kinh doanh của công ty đó nhanh nhất.

 

Ông Scott Talbott, phó giám đốc tại Financial Services Roundtable, nhận xét một cách ngắn gọn hơn:”Họ sẽ tập trung hỗ trợ các công ty có vấn đề về thanh khoản, nhưng không phải quá trầm trọng. Nếu tình hình của công ty đó quá xấu, Bộ Tài Chính sẽ không can thiệp.”

 

Bộ Tài Chính sẽ bắt đầu mua tài sản từ các ngân hàng trong nỗ lực để đưa thị trường tín dụng trở lại hoạt động bình thường.

 

Vấn đề giá cả

 

Bộ Tài Chính sẽ tập trung mua chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, loại hình nào phổ thông nhất trước. Lý do cho điều này là nó sẽ giúp củng cố niềm tin chung cho thị trường. Điều này hỗ trợ các ngân hàng khác ngay cả khi họ không tham gia vào phiên đấu giá tài sản.

 

Bằng việc mua lại những tài sản giống như những gì các tổ chức khác đang nắm giữ, Bộ Tài Chính lập ra một mức giá thị trường mới cho tài sản đó, và như vậy các ngân hàng khác không tham gia cũng vẫn có lợi. Điều này cúng có tác dụng trấn an các nhà đầu tư có ý định mua lại các tài sản đó.

 

Các ngân hàng lớn không phải là mục tiêu duy nhất. Bộ Tài Chính cũng sẽ có thể mua lại tài sản của các tổ chức có tầm quan trọng chủ chốt về kinh tế tại khu vực cộng đồng hay có ảnh hưởng chính trị lớn. Bộ Tài Chính sẽ mua rất nhiều tài sản của một số thị trường mục tiêu nhất định.

 

Một đại diện của Mortgage Bankers Association, ông Glaser nhận xét nếu Bộ Tài Chính cứu 117 ngân hàng trong danh sách các ngân hàng trong diện rủi ro của Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi (FDIC), ảnh hưởng tích cực về chính trị sẽ rất lớn.

 

Vấn đề lớn nhất đối với Bộ Tài Chính hiện nay là họ sẽ định giá những tài sản đó như thế nào. Giá của những chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp này đã hạ rất nhiều, vì thế rất khó để có thể định giá của nó là bao nhiêu trong khi tài sản đảm bảo đã mất giá quá nhiều.

 

Mục tiêu của Bộ Tài Chính là giúp các ngân hàng và các tổ chức bán lại các khoản nợ xấu để đổi lấy tiền. Nếu trả giá quá thấp, áp lực đối với ngân hàng và các tổ chức tài chính không thể giảm bớt, còn nếu trả giá quá cao, rủi ro đối với người nộp thuế rất lớn.

 

Bộ Tài Chính có thể có lợi không?

 

Ông Rod Dubitsky, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, nhận xét:”Nếu họ đặt ra mức giá quá thấp, sẽ không có người bán. Tuy nhiên nếu họ đề ra mức giá quá cao, ngân quỹ của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng quá nhiều.”

 

Ông chỉ ra rằng việc mua lại tài sản sẽ đơn giản hơn nếu Bộ Tài Chính mua tài sản từ những công ty đã hạ giá tài sản của họ xuống mức thấp. Những công ty này sẽ hào hứng muốn bán hơn, tuy nhiên vấn đề ở chỗ tình hình tài chính của họ đã quá tệ hại, tệ hại hơn nhiều so với các tổ chức khác nên mới phải làm như vậy.

 

Để kế hoạch được tiến hành đúng tiến độ, Bộ Tài Chính sẽ phải nhanh chóng tuyển nhân sự. Họ có quyết định phải đưa ra và vẫn đang cân nhắc về mức thù lao cân xứng. Họ cần phải nhận được sự ủng hộ đối với chương trình bởi chính phủ không còn nhiều lựa chọn ngoài những chuyên gia chuyên về thị trường cho vay thế chấp từ nhiều những công ty cũng đang gặp vấn đề với các loại tài sản này. Họ là những người duy nhất có thể hiểu được sự phức tạp của thị trường chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp và các loại hình phái sinh bắt nguồn từ loại hình chứng khoán này.

 

Ngọc Diệp
Theo Businessweek

ngocdiep

Trở lên trên