MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Trung ương chỉ nên độc lập tương đối

22-05-2010 - 11:35 AM | Tài chính quốc tế

Ba năm khủng hoảng tài chính vừa qua khiến nhiều điều kinh tế học chính thống coi là đương nhiên rơi vào vòng nghi vấn. Quan niệm Ngân hàng trung ương độc lập là một trong số đó.

Trong những trường hợp khẩn cấp, khi chính phủ đã bất lực, đó là lúc Ngân hàng Trung ương (NHTW) can thiệp vào thị  trường. Còn khi bình thường, tốt nhất là  họ nên ngồi yên.

Ba năm khủng hoảng tài chính vừa qua khiến nhiều điều kinh tế học chính thống coi là đương nhiên rơi vào vòng nghi vấn. Ngân hàng trung ương độc lập là một trong số đó.

Trước năm 2008, ít nhà kinh tế nào nghi ngờ chuyện ngân hàng trung ương nên  được độc lập với giới chính trị, giao nhiệm vụ  điều hành chống lạm phát và được tự do điều hành chính sách tiền tệ.

Năm 2010, không ai muốn và  cũng không thể hy vọng điều đó được nữa. Chính phủ và NHTW cũng tránh thảo luận nghiêm túc chủ đề nhạy cảm này.

Nhưng với tất cả những gì đã xảy ra, liệu NHTW còn nên được đứng ngoài chính giới hay không là một câu hỏi cần suy xét lại một cách kỹ lưỡng.

Đây là một ngoại lệ, vì phần lớn những gì viết về “cuộc khủng hoảng của kinh tế học” đều là những thứ vô nghĩa. Đương nhiên, cần thắt chặt các quy định trên lĩnh vực tài chính, nhưng không cần phải thay đổi cả mô hình.

Tư tưởng ủng hộ thị  trường chính thống sẽ bị tiếp cận cẩn trọng hơn trong một thời gian, nhưng ngay cả những lời chỉ  trích gay gắt nhất cũng chỉ muốn thay đổi chứ  không muốn chôn vùi nó.

Tuy vậy, NHTW độc lập vẫn là  một tín điều vững chắc. FED trước những đòi hỏi kiểm toán nghiêm ngặt hơn hay ECB dưới sức ép trợ giúp cho khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone) đang cùng quẫn vẫn giữ được chính kiến của mình.

Nhưng cả hai đã cho thấy  họ sẵn sàng tiến hành những biện pháp tài khóa mạnh mẽ theo chỉ thị của các Bộ trưởng Tài chính. Đây không phải là hành động của một NHTW độc lập. Theo cách hiểu thông thường, tư tưởng ấy đã thôi tồn tại.

Thứ nhất, trong dài hạn, không thể tăng việc làm bằng cách tăng lạm phát. Do đó, vì lạm phát thấp là tốt nên tốt nhất cứ nên duy trì nó ở mức thấp.

Thứ hai, có một sự  đánh đổi trong ngắn hạn: trong một thời gian, lạm phát cao có thể tăng việc làm.

Giới chính trị vốn chỉ  tập trung vào kỳ bầu cử tiếp theo thường có xu hướng lợi dụng điều đó. Kết quả trong dài hạn là lạm phát cao mà chẳng có thêm được việc làm nào.

Muốn làm điều đúng đắn đòi hỏi chính phủ phải cách ly quyền điều hành lạm phát khỏi chính giới.

 

Logic cơ bản thì luôn  đáng ngờ. Tại sao lại cho phép chính sách tiền tệ có một vị thế đặc biệt đến thế?

Với chính sách tài khoá cũng có thể đưa ra một lập luận tương tự. Trường hợp tu chính án cân bằng ngân sách trong Hiếp pháp Mỹ  hay hiệp định ổn định và tăng trưởng của Châu Âu cũng có hàm ý tương tự.

Việc giám sát ngân sách quốc gia của Liên minh Châu Âu cũng nhắm tới việc đối phó với chính giới trong nước.

Nhưng vấn đề đã rõ ràng. Cán cân ngân sách ròng không thể tách rời khỏi những quyết định mang đầy tính chính trị như thuế hay chi tiêu chính phủ.

Chính sách tiền tệ được coi là độc lập một phần vì nó có vẻ  đơn giản hơn: tất cả những gì phải làm là  điều hành lãi suất.

Nhưng trong một cuộc khủng hoảng, chính sách tiền tệ lại trở nên phức tạp. “Nới lỏng định lương” (quantitative easing) xóa nhà ranh giới giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ.

Khi NHTW trợ giúp những tổ  chức cho vay có vấn đề, dù cho đó là  tổ chức Nhà nước hay tư nhân, họ cũng tự đặt mình đối diện với rủi ro vỡ nợ, và đó lại là chính sách tài khóa dưới một cái tên khác.

Những vụ can thiệp như  thế khiến NHTW phải lựa chọn ai sẽ được bảo vệ và ai là người chịu hậu quả. Đó là các lựa chọn mang đầy tính chính trị.

Câu hỏi cơ bản nhất là  tại sao lại không cho phép chính giới được đánh đổi trong ngắn hạn giữa lạm phát và sản lượng ngay từ đầu? Vì sẽ có hàng tá cách để họ làm mọi chuyện rối tung lên.

Tại sao không trao việc điều hành từng mảng chính sách cho một nhóm các chuyên gia không cần qua bầu cử, những người được tin tưởng sẽ  có tầm nhìn dài hạn còn chính giới chỉ có vai trò giám sát?

Các nền dân chủ không thể  hoàn toàn đón nhận tư tưởng NHTW độc lập, ít nhất là trong hiện tại. Các quyết định còn phụ  thuộc vào những toan tính chi phí lợi ích đầy tính ngẫu nhiên thay vì những quyết định sắc bén, nguyên tắc và nhìn chung là không thể phủ nhận.

Bình thường thì chính sách tiền tệ tách biệt với chinh giới hơn chính sách tài khóa và việc duy trì khoảng cách này cũng có tác dụng nhất định. Khoảng cách này đến đâu còn phụ thuộc vào từng trường hợp của từng quốc gia cụ thể.

Trong trường hợp khẩn cấp, cũng cần nhượng bộ cả tính độc lập, vì NHTW khi ấy sẽ tự mình hay bắt buộc phải thay đổi cho phù hợp với những ý muốn chính trị.

 

Nhiều nhà kinh tế đã  đúng khi lo ngại về sự độc lập của FED và  ECB. Sẽ là thảm họa nếu NHTW đặt mình dưới quyền định đọat của Bộ trưởng Tài chính.

Nhưng trong trường hợp khẩn cấp, họ không thể từ chối hợp tác như cách ECB đã chọn. Lý do nằm ở điều mô hình NHTW độc lập giản lược thường bỏ quên: đó là chính sách tài khóa có thể mất hiệu lực.

Vì các lý do khác nhau, tiền lại thiếu trong những thời điểm quyết định cả ở Mỹ (Quốc hội không muốn chi tiền nhanh và mạnh như yêu cầu) lẫn eurozone (các nước không muốn trợ giúp nhau bằng ngân sách của mình).

Khi các chính phủ không thể đưa ra gói kích thích thích hợp hay cứu trợ cho các ngân hàng, các tổ chức tài chính gặp vấn đề, khi Bộ Tài chính không thực hiện được chức năng của mình, đó là lúc NHTW vào cuộc.

Vậy phải đặt tính độc lập của NHTW ở đâu?

Có lẽ, cũng giống như  những tư tưởng chính thống đang chịu thử thách khác, cần phải xem xét lại thay vì hủy bỏ nó.

NHTW nên tránh bị khuất phục hoàn toàn trước các xu hướng chính trị. Họ phải có chính kiến của mình.

Nhưng đôi khi họ cũng nên vượt qua ranh giới của hai chính sách tài khóa và tiền tệ, giữa sự độc lập và hợp tác. Làm vậy tức là họ đã bước vào thế giới chính trị không thiếu những điều mờ ám, nhưng tránh xa thế giới ấy cũng chẳng phải điều gì hay ho vậy.

Minh Tuấn
Theo Dân Trí/FT

ngocdiep

Trở lên trên