MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành tài chính Iceland lâm nguy

09-10-2008 - 13:00 PM | Tài chính quốc tế

Khi cơn bão tài chính toàn cầu quét tới, Iceland đang phải trả giá đắt cho việc phát triển quá nhanh khu vực tài chính của mình.

Khi cơn bão tài chính quét đến châu Âu, Iceland là nước đang phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề. Những năm gần đây, ngành tài chính của nước này phát triển quá nhanh và ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong GDP, quốc đảo này đang phải đối mặt với nguy cơ “quốc gia phá sản”.

Ngày 07/10, Chính phủ Iceland tuyên bố đã liên hệ để vay 4 tỉ euro của Nga nhằm giải quyết tình hình tài chính trong nước. Các nhà phân tích của các nước phương Tây cho rằng, việc thành viên của NATO phải cầu xin sự cứu trợ của Nga là điều hiếm thấy và trong đó còn bao hàm cả ý nghĩa về chính trị.

Ngày 07/10, trả lời phỏng vấn của giới báo chí, Thủ tướng Iceland hy vọng sẽ vay được tiền của Nga để tăng thêm dự trữ ngoại hối và ổn định thị trường tiền tệ trong nước. Chính phủ đã cử đại diện xúc tiến đàm phán chi tiết các điều khoản.

Cũng trong ngày, Bộ trưởng tài chính Nga đã xác nhận thông tin này, ông cho hay, phía Nga đang nghiên cứu đề nghị của Iceland, kết quả sẽ được thông báo sau khi đàm phán kết thúc.

Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Iceland ngày 07/10, Đại sứ Nga tại Iceland đã xác nhận phía Nga có kế hoạch cho Iceland vay 4 tỉ euro (khoảng 5,4 tỉ USD), khoản vay này đã được Thủ tướng Nga Putin đồng ý.

Tuy vậy, ngay sau đó Cơ quan ngôn luận Nga đã dẫn lời của thứ trưởng Tài chính Nga: “Chính phủ vẫn chưa nhận được yêu cầu chính thức từ phía Iceland và cũng chưa ra bất cứ quyết định chính thức nào”.

Liền đó, Ngân hàng Trung ương Iceland sửa lại tuyên bố: “Sau khi hai nước quyết định sẽ tiến hành đàm phán trong một vài tuần ”

Tại sao Iceland “gặp nạn”?

Hơn 10 năm nay, Iceland - một quốc đảo chỉ vẻn vẹn 300.000 dân nhưng có một ngành tài chính phát triển bậc nhất Châu Âu, các hoạt động mua bán, sáp nhập, phát triển mạnh mẽ của ngành nghề khác ở châu Âu cũng gắn liền với sự phát triển này. Hiện nay, tỉ lệ đóng góp vào GDP của ngành tài chính Iceland đã vượt qua tất cả các bộ phận kinh tế khác.

Sự phát triển này đã khiến Iceland nổi lên như một hiện tượng kinh tế của Châu Âu, năm 2005 tăng trưởng với tỉ lệ 7%, thu nhập bình quân đầu người năm 2007 lên tới 63.000 USD. Nhưng khi cơn bão tài chính quét tới, Iceland đang phải trả giá cho sự phát triển tài chính quá nhanh này.

Theo sự đánh giá của một ngân hàng Đan Mạch: Cách làm của Iceland được ví như một nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào vàng và không có sự can thiệp của Chính phủ. Khi nguy cơ tín dụng xảy ra, Iceland sẽ trở thành một quốc gia yếu ớt.

Tuần trước, Iceland đã quốc hữu hoá ngân hàng lớn thứ 3 - Glitnir, ngày 07/10 tiếp quản ngân hàng lớn thứ 2 là Landsbanki. Đồng thời, tính đến ngày 06/10, đồng coruna mất giá 30% so với euro, khoảng 50% so với USD. Hiện nay, ngành tài chính Iceland đang ôm món nợ lên tới 138,3 tỉ USD, trong khi đó GDP chỉ có 19,37 USD.

Ngày 06/10, thủ tướng Iceland thừa nhận ngành ngân hàng Iceland đã bộc lộ tất cả những yếu kém trong cơn bão tài chính toàn cầu, Iceland đang đứng trước nguy cơ “quốc gia phá sản”.

Việc Iceland tìm đến sự giúp đỡ của Nga đã thu hút sự chú ý hơn nữa. Theo Reuters, như thường lệ, một quốc gia Tây Âu khi nền kinh tế có vấn đề thường tìm đến sự giúp đỡ của IMF, cách làm của Iceland là khá bất ngờ.

Ngày 07/10, Thủ tướng Iceland cho biết, “Iceland cũng đã tìm đến sự giúp đỡ của các nước khác, nhưng nếu chỉ có sự giúp đỡ của các nước láng giềng bắc Âu thì không đủ. Trong hoàn cảnh này, người ta không thể không tìm thêm bạn mới”.

Một số học giả kinh tế chính trị cho rằng, Iceland là một nước thành viên Nato, trong khi đó quan hệ Nga – NATO không mấy tốt đẹp, việc Iceland tìm đến sự giúp đỡ của Nga còn mang ý nghĩa chính trị. Nếu Iceland nhận sự giúp đỡ của Nga thì trong NATO nhất định sẽ có nhiều ý kiến không hài lòng.

Nhưng lúc này ngoài Nga, Iceland khó tìm thêm được sự giúp đỡ nào khác.

Trần Quý

Theo Reuters, finance.sina.com.cn

tungdn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên