Nghi vấn giao dịch nội gián trong vụ tỷ phú Buffett thâu tóm Heinz
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) về cáo buộc có giao dịch nội gián trong thương vụ thâu tóm thương hiệu Heinz trị giá 3 tỷ USD.
Tỷ phú Warren Buffett, ông chủ của Tập đoàn Berkshire Hathaway (Mỹ) vốn rất nổi tiếng trên thị trường chứng khoán thế giới lẫn những vụ thâu tóm, sáp nhập “khủng” của mình. Mới đây, tỷ phú này tiếp tục gây xôn xao dư luận khi quyết định tham gia vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử ngành chế biến thực phẩm thế giới với quy mô lên đến 23,3 tỷ USD…
Theo đó, Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett cùng với quỹ đầu tư 3G Capital Management bỏ ra tổng cộng 23,3 tỷ USD, để thâu tóm thương hiệu Heinz. Nếu tính cả các khoản nợ nần, thương vụ thâu tóm này có tổng giá trị đạt tới con số 28 tỷ USD.
Ngay sau khi thông tin mua lại thương hiệu Heinz của tỷ phú Warren Buffett được công bố, trong thông báo của mình H.J. Heinz Co. đã khẳng định đây chính là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử ngành thực phẩm thế giới.
Tuy nhiên, ngay sau khi vụ thâu tóm diễn ra, giới chức Mỹ đã nghi ngờ thông tin bị rò rỉ, giúp một nhóm nhà đầu tư kiếm được hơn 1,7 triệu USD chỉ trong một ngày.
Theo đó, 23, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) về cáo buộc có giao dịch nội gián trong thương vụ thâu tóm thương hiệu Heinz trị giá 3 tỷ USD.
Trước đó, có thông tin SEC đã tố cáo nhiều nhà đầu tư "vô danh", tiến hành những "giao dịch đáng ngờ" với cổ phiếu của Heinz thông qua một tài khoản tại ngân hàng Goldman Sachs. Theo cáo buộc của SEC, một số nhà đầu tư đã bất ngờ chi 90.000 USD mua quyền chọn ngay trước khi thương vụ thâu tóm thương hiệu Heinz được công bố.
Sau đó, giá trị những quyền chọn này đã tăng lên hơn 1,8 triệu USD, tương đương gần 2.000% chỉ trong một ngày. Peter Donald, người phát ngôn của FBI tại New York cho biết, FBI khẳng định những giao dịch này được thực hiện ngay trước ngày Heinz công bố thông tin.
Chúng tôi đang bàn bạc với SEC để xác định liệu việc này có hợp pháp hay không? Trong khi đó, Tiffany Galvin, người phát ngôn của Goldman Sachs nói rằng ngân hàng này đang “hợp tác với SEC để điều tra”.
Cơ sở để các cơ quan chức năng ở Mỹ nghi ngờ có sự gian lận trong vụ thâu tóm thương hiệu Heinz là thời điểm và quy mô của những giao dịch này đã sử dụng các tài khoản không hề có giao dịch với cổ phiếu Heinz trong 6 tháng gần đây…
Đặc biệt, hợp đồng quyền chọn sẽ mang lại lợi nhuận cho người giữ khi giá cổ phiếu tăng. Trong thực tế thì cổ phiếu của Heinz đã tăng hơn 20% lên 72,50 USD, ngay sau thông báo Berkshire Hathaway của Warren Buffett và quỹ đầu tư 3G Capital Management đồng ý chi 23,3 tỷ USD để mua H.J. Heinz Co…
H.J. Heinz Co. được thành lập từ thế kỷ 19 tại thành phố Pittsburgh, bang Pensylvania. Đến nay, công ty này trở thành hãng thực phẩm hàng đầu thế giới, với khoảng 150 mặt hàng, xuất hiện tại 120 quốc gia trên thế giới. Năm 2012, doanh thu của công ty xấp xỉ 11,6 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ mặt hàng nước sốt cà chua và các loại nước sốt khác chiếm xấp xỉ 50%. Ngoài nước sốt cà chua Heinz nổi tiếng, H.J. Heinz Co. còn sở hữu các thương hiệu khác như khoai tây Ore-Ida, nước sốt Lea & Perrins Worchestershire và nước sốt mỳ pasta Classico… Trước vụ thâu tóm thương hiệu Heinz, ngay trong thời điểm khủng hoảng tài chính 2007 – 2008, tỷ phú Warren Buffett từng tung hàng chục tỷ USD để mua cổ phiếu của một số ngân hàng ở Mỹ và Tập đoàn công nghiệp GE. Trước đó, là thương vụ đầu tư 16 tỷ USD vào cổ phiếu của “gã khổng lồ” ngành bảo hiểm General Re vào năm 1998. Nhưng, vụ thâu tóm lớn nhất tỷ phú này từng thực hiện là phi vụ mua lại Tập đoàn đường sắt BNSF năm 2010 với giá 26,3 tỷ USD… Với khối tài sản hơn 27 tỷ USD, tỷ phú Warren Buffett là một trong những người giàu nhất thế giới hiện nay. Trong khi, với số tài sản 12 tỷ USD, ông chủ của quỹ đầu tư 3G Capital Management là Jorge Paulo Lemann, trùm tài chính gốc Brazil, được xếp hạng giàu thứ 69 trên thế giới. |
Theo Nam Khánh