MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý đồng 1 cent của nước Mỹ

24-09-2014 - 12:19 PM | Tài chính quốc tế

Những đồng 1 cent có thể dễ dàng biến mất khỏi hệ thống thanh toán, chi phí đúc tiền cũng cao hơn so với mệnh giá. Liệu người Mỹ có nên bỏ hoàn toàn đồng 1 cent?

Hàng năm, Mỹ đúc ra hàng tỷ USD tiền xu, nhưng mệnh giá của số tiền xu này nhỏ hơn chi phí để sản xuất ra chúng. Do đó, mỗi năm người Mỹ sẽ mất hàng triệu USD vì tiền xu. 

Giống như bất kỳ nước nào trên thế giới, khi giao dịch bằng tiền mặt ở Mỹ, người tiêu dùng sẽ được trả lại bằng tiền xu. Thế nhưng, họ ít có xu hướng sử dụng số tiền xu này cho các lần mua hàng trong tương lai. Kết quả là, số tiền xu tích lũy ngày càng lớn dần lên. Một lượng lớn những đồng xu 1 cent không thể tiếp tục quay lại lưu thông trên thị trường. 

Với tình trạng này, nhiều người sẽ tự hỏi tại sao Mỹ vẫn phải phát hành tiền xu? Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần đến tiền xu để trả lại tiền thừa và do đó Cục đúc tiền kim loại Hoa Kỳ (U.S.Mint) vẫn phải tiếp tục đáp ứng nhu cầu. Kể từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã đúc ra 7 tỷ đồng 1 cent (penny) – nhiều hơn tổng số các đồng 5 cent (nickel), 10 cent (dime) và 25 cent (quarter) được đúc ra.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục đúc đồng 1 cent bởi yêu cầu từ các ngân hàng”, Tom Jurkowsky – người phát ngôn của U.S. Mint – cho biết.

Có thể tóm tắt cơ chế in thêm tiền xu của hệ thống tài chính Mỹ như sau: các doanh nghiệp gửi tiền mặt dư thừa vào ngân hàng, đổi chúng ra tiền xu để trả lại cho người mua hàng. Các ngân hàng nhận tiền gửi lại thực hiện một giao dịch tương tự, chuyển số tiền dư thừa này Cục dự trữ liên bang và yêu cầu các mệnh giá cần thiết. Fed đáp ứng các yêu cầu này bằng cách phân phối lại số tiền mặt mà nó đang nắm giữ và thu được. Khi không có đủ tiền xu để đáp ứng nhu cầu, Fed sẽ yêu cầu U.S. Mint đúc thêm tiền xu. 

Trong quá trình này, một lượng tiền xu bị mất, vứt bỏ hoặc phá hủy, khiến nhu cầu về tiền xu mới luôn xuất hiện. Penny là đồng xu biến mất nhiều nhất. Theo số liệu của Fed, kể từ năm 2000, 21% số penny được đúc ra đã biến mất, gần gấp đôi so với số đồng 25 cent bị mất.

Năm nay, U.S. Mint đã chi hơn 114 triệu USD để sản xuất đồng 1 cent. Số tiền chi ra để đúc đồng 5 cent là 83,7 triệu USD, đồng 10 cent là 72,3 triệu USD và đồng 25 cent là 133 triệu USD.

Ngoài ra, chi phí đúc đồng 1 cent và 5 cent lớn hơn mệnh giá của những đồng xu này. Năm 2011, khi chi phí cao nhất, phải tốn tới 2,41 cent để đúc 1 đồng 1 cent và 11,18 cent để đúc đồng 5 cent. 


Không phải người Mỹ không nghĩ đến việc ngừng dùng đồng 1 cent. Đã có nhiều loại tiền giấy được đưa ra để thay thế đồng penny nhưng đều không thành công. Năm 2010, Quốc hội Mỹ yêu cầu Cục đúc tiền tìm ra những cách rẻ hơn để đúc tiền xu, ví dụ như thay đổi vật liệu, nhưng cơ quan này không thể tìm được cách sản xuất đồng 1 cent với giá dưới 1 cent. 

Chi phí đúc tiền xu phụ thuộc vào giá kim loại. Theo số liệu của Wall Street Journal, giá kẽm – vật liệu được sử dụng nhiều nhất – đang ở mức cao nhất 3 năm. Đồng 1 cent từng được đúc bằng đồng nhưng do giá ngày càng tăng, đồng chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,5% kể từ năm 1982. Dĩ nhiên là ngành khai thác kẽm sẽ ủng hộ việc tiếp tục sử dụng đồng 1 cent và liên tục thực hiện chiến dịch vận động hành lang.

Thu Hương

huongnt

WSJ

Trở lên trên