MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người hùng của Israel có thể giải cứu kinh tế Mỹ?

16-03-2013 - 18:00 PM | Tài chính quốc tế

Rất có thể Stan Fischer sẽ trở thành người nước ngoài đầu tiên đảm nhiệm một trong những vị trí quan trọng nhất của chính phủ Mỹ.

Cuối năm 2001, Stan Fischer rời khỏi Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Một vài tháng sau, ông gia nhập Citigroup với vị trí phó chủ tịch. Đến năm 2005, Fischer được mời về làm Thống đốc NHTW Israel. Tại thời điểm đó, NHTW Israel rất tập trung và thống đốc gần như có quyền lực tuyệt đối để theo đuổi bất cứ chính sách nào mà ông muốn. Và, mặc dù không từ bỏ quốc tịch Mỹ, ông ngay lập tức được cấp quốc tịch Israel. 

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Fischer làm việc với đất nước này. Thời kỳ giữa những năm 1980, ông đã cố vấn cho chính phủ Israel, giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng lạm phát. Trong thập kỷ sau đó, ông cùng với Anna Karasik, Leonard Hausman và nhà kinh tế học đã đạt giải Nobel Thomas Schelling làm việc trong 1 dự án với nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh xung đột Israel-Palestine. 

Trở thành thống đốc NHTW của 1 đất nước nhỏ bé trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang hoành hành trên khắp thế giới không phải là 1 công việc đơn giản. Giống như rất nhiều quốc gia khác, Israel cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mớ hỗn độn trên phố Wall. Trên lý thuyết, đáng lẽ ra các nhà hoạch định chính sách của nước Mỹ đã có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng và chỉ mình họ làm được điều này. Là thống đốc NHTW Israel, Fischer không có khả năng ấy. Tuy nhiên, ông có thứ vũ khí của riêng mình: shekel – đồng nội tệ của Israel. Các NHTW có quyền năng vô hạn đối với đồng nội tệ, phá giá đồng nội tệ có thể làm gia tăng giá trị của hàng hóa xuất khẩu và cuối cùng là tạo ra tăng trưởng kinh tế. 

Thông thường, NHTW của các nền kinh tế lớn rất thận trọng khi sử dụng đòn bẩy này. Nếu như Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke bóp méo giá trị của đồng USD, hoạt động xuất khẩu của nước này được đẩy mạnh. Tuy nhiên, động thái này cũng có thể gây nên thảm họa cho hệ thống tài chính toàn cầu. Giá trị của mọi tài sản được niêm yết bằng đồng USD, trong đó có tất cả các loại trái phiếu, sẽ lao dốc không phanh. 

Ngược lại, phá giá tiền tệ chính là lợi thế của các nước nhỏ. Các nước khác không tích trữ đồng shekel nhiều như đồng USD và euro. Fischer đã tận dụng được lợi thế ấy. Ngày 30/5/2008, 1 USD có thể đổi được 3,2 shekel. Ngày 6/3/2009, tỷ lệ là 4,2 shekel. Trong vòng chưa đến 1 năm, Fischer đã giảm giá đồng shekel tới 25%. 

Chính sách này đã tỏ ra hiệu quả. Với xuất khẩu tăng vọt, cán cân thương mại của Israel chuyển từ trạng thái thâm hụt 2 tỷ USD trong năm 2008 lên thặng dư 5 tỷ USD trong năm 2009. Trong khi các quốc gia khác chìm sâu hơn vào suy thoái, nền kinh tế của Israel khởi sắc. 

Ứng viên hoàn hảo thay thế Ben Bernake?

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ là chức vụ đi kèm với rất nhiều trọng trách, trong đó có việc đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến của nền kinh tế. Trong bối cảnh hầu hết các nước đã hạ lãi suất xuống mức gần 0 như hiện nay, Chủ tịch Fed còn phải quyết định sẽ sử dụng công cụ đặc biệt nào để thúc đẩy tăng trưởng. 

Trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, chủ tịch Fed cũng phải là 1 nhà ngoại giao tài tình để có thể đại diện cho nước Mỹ tại các diễn đàn kinh tế thế giới. Ông phải đứng ra chịu trách nhiệm khi khủng hoảng xảy đến, đưa ra các giải pháp một cách nhanh gọn nhưng chính sách. Vị chủ tịch của Fed cũng phải là một nhà quản lý tài năng hiểu rõ những mối đe dọa xuất phát từ thị trường tài chính. Người này còn phải là 1 chính trị gia tài ba có thể xoa dịu cơn giận của các nhà làm luật và ứng phó với nhiều câu hỏi hóc búa của các nhà báo.

Trên thực tế, gần như không ai có đầy đủ tất cả các kỹ năng trên khi mới bắt đầu công việc này. Bản thân Ben Bernanke không có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính, luật lệ quản lý ngân hàng hay tình hình chính trị khi ông được bổ nhiệm năm 2006. 

Những người đã từng làm thống đốc NHTW như Fischer là 1 trường hợp ngoại lệ. Và, tên tuổi của ông đang bắt đầu xuất hiện trong các cuộc bàn luận giữa các nhà quan sát động thái của Fed. NHiều người cho rằng Fischer dày dặn kinh nghiệm trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng toàn cầu và đạt được thỏa thuận với các chính phủ nhờ vào thời gian làm việc ở IMF. Ông cũng đã trải qua 3 năm làm lãnh đạo ở 1 ngân hàng lớn. Ông cũng được biết đến là 1 người khá ôn hòa – tố chất đặc biệt quan trọng để lãnh đạo Ủy ban thị trường mở FOMC. 

Fischer càng được hoan nghênh sau khi Carney được bổ nhiệm làm Thống đốc NHTW Anh. Trước đó, người ta dễ dàng gạt bỏ ý tưởng bổ nhiệm thống đốc 1 NHTW của nước khác. Tuy nhiên, đã có tiền lệ xảy ra. Hơn nữa, Fischer còn gắn bó với nước Mỹ nhiều hơn so với Carney gắn bó với nước Anh. Ông đã sống ở Mỹ trong gần 50 năm, làm việc ở Học viện công nghệ Massachuset, Chicago, World Bank và IMF. 

Mùa hè này, Tổng thống Obama và nội các của ông sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Nhiệm kỳ của Bernanke sẽ kết thúc vào tháng 1 năm 2014 và nhiều nguồn tin thân cận cho hay ông sẽ từ nhiệm sau 8 năm chống chọi với khủng hoảng. 

Nước Mỹ chưa có tiền lệ bổ nhiệm 1 người nước ngoài vào một trong những vị trí quan trọng nhất trong chính phủ. Tuy nhiên, thời gian làm việc ở Israel có thể là một điểm cộng rất lớn cho Fischer trong con mắt đánh giá của nội các Tổng thống Obama. 

Thu Hương

huongnt

Washingtonpost

Trở lên trên