MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn gốc của tiền tệ và công cuộc giải cứu đồng euro

29-07-2012 - 19:52 PM | Tài chính quốc tế

Nhìn vào quá khứ của đồng euro và xa hơn nữa là nguồn gốc của tiền tệ cũng có thể là một cách để tìm ra lối đi cho đồng tiền chung châu Âu.

Thật khó để có thể xác định đồng euro đang đi về đâu. Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha liên tục tăng cao và điều này có nghĩa là các khoản  nợ của Madrid ngày càng không bền vững.

Cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ kế hoạch rõ ràng nào được đưa ra để cứu đồng euro và dường như các ý tưởng mới đã cạn kiệt trong khi các ý tưởng trước đó đang lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, nhìn vào quá khứ của đồng euro và xa hơn nữa là nhìn về nguồn gốc của tiền tệ cũng có thể là một cách để tìm ra lối đi cho đồng tiền chung. 

Có 2 học thuyết nổi bật đưa ra các giả thiết về nguồn gốc của tiền tệ. Học thuyết đầu tiên được đưa ra cách đây 120 năm trong công trình nghiên cứu mang tên “On the Origin of Money” (tạm dịch: Nguồn gốc của tiền tệ) được thực hiện bởi nhà kinh tế học người Áo Karl Menger. 

Theo học thuyết của Menger, người mua và người bán thỏa thuận sẽ sử dụng một thứ hàng hóa chung để trao đổi. Những thứ nhỏ bé nhưng có giá trị và dễ dàng chia nhỏ là lựa chọn tốt nhất. Vàng, gia vị và vỏ sò là những thứ tiêu biểu cho điều này. Thứ tiền tệ đó cũng phải được tất cả mọi người chấp nhận. 

Như vậy, trong học thuyết của Menger không hề có vai trò của Chính phủ. Tiền tệ ra đời là phản ứng được thị trường dẫn dắt, trong đó khu vực tư nhân tự định hình và sử dụng tiền tệ như một giải pháp giảm thiểu chi phí giao dịch. 

Ở chiều ngược lại, học thuyết thứ 2 nhấn mạnh hơn vai trò của Chính phủ, được nhà kinh tế học Charles Goodhart giải thích trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 1998. Học thuyết này cho rằng tiền tệ ra đời là do sự can thiệp của chính phủ. Chính phủ tạo ra các sở đúc tiền để sản xuất tiền xu, yêu cầu thuế phải được nộp vào kho bạc nhà nước và hình ảnh của chính phủ cũng được in trên các tờ giấy bạc. 

Trong khi học thuyết của Karl Menger nhận được sự ủng hộ của các nhà kinh tế học hàng đầu, học thuyết của Charles Goodhart cũng được củng cố mạnh mẽ bởi các nhà nhân loại học và các nhà sử học. 

Trở lại với đồng euro, điều này có ý nghĩa như thế nào với đồng tiền chung của khối 17 nước? Trong nghiên cứu, Charles Goodhart cho rằng mối liên hệ quan trọng nhất trong học thuyết của ông chính là mối quan hê giữa một bên là các thể chế chính trị và chính sách tài khóa với một bên là chu trình tạo ra tiền trong đó có ngân hàng trung ương. 

Theo đó, vấn đề nổi cộm nhất trong hệ thống đồng tiền chung châu Âu chính là mối liên hệ đó đã bị suy yếu. Rõ ràng là hệ thống tiền tệ và các cơ quan quyết định chính sách tài khóa đang bị tách đôi và không còn gắn kết với nhau. Sự rời rạc này chắc chắn sẽ gây ra những tác dụng phụ không thể lường trước được đối với đồng euro. 

Cuối cùng, theo logic, chúng ta có thể rút ra một kết luận không có gì là mới mẻ: eurozone cần đến sự gắn kết tài khóa chặt chẽ hơn nữa. Tuy nhiên, lí do đưa ra kết luận này hoàn toàn khác. Nguyên nhân không phải là vì sự hoang phí của Hy Lạp hay Tây Ban Nha đã phá hủy kế hoạch mà chính là sự rời rạc giữa tài khóa và tiền tệ. 

Anh Thư

huongnt

Economist

Trở lên trên