MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy điện gió và câu chuyện về các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc

07-10-2012 - 09:30 AM | Tài chính quốc tế

Khối doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đang ngày càng lún sâu hơn vào khó khăn - ở cả trong nước và nước ngoài.

Tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa quyết định sẽ “cấm cửa” một công ty tư nhân của Trung Quốc, không cho phép công ty này xây dựng nhà máy điện gió ở gần 1 căn cứ quân sự của Mỹ ở bang Oregon. Bất chấp quyết định của ông Obama là đúng hay sai và quyết định cũng được đưa ra trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đã gần kề, sự kiện này củng cố thêm xu hướng đang khiến cả giới lãnh đạo và doanh nhân Trung Quốc lo lắng. 

Ở phương Tây, rất nhiều công ty thuộc hàng ngũ hùng mạnh nhất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang bị hoài nghi. Đại gia viễn thông Huawei không được phép hoạt động ở 1 số thị trường châu Mỹ, thương vụ mua lại tập đoàn dầu khí Nexen đến từ Canada của tập đoàn CNOOC trở thành vụ lùm xùm gây nhiều tranh cãi. 

Và, không chỉ ở phương Tây, 1 số lãnh đạo Myanmar cũng đã quay lưng lại với 1 vài doanh nghiệp Trung Quốc. 

Đằng sau những nghi ngờ này chính là quan điểm cho rằng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Trung Quốc có mối quan hệ quá mật thiết với Đảng cộng sản nước này. Đặc biệt hơn, quan điểm này lại càng được củng cố bởi sự nổi lên của khối DNNN. 

Phần lớn mọi người đều cho rằng Trung Quốc có thể trỗi dậy là nhờ vào sự lớn mạnh của các DNNN. Tuy nhiên, giờ đây, điều ngược lại mới là sự thật: chính các DNNN là nhân tố cản đường lớn mạnh của Trung Quốc.  

Thời kỳ những năm 1990, Trung Quốc có lý do chính đáng để ủng hộ các DNNN. Nhìn thấy tài sản của nhà nước Xô Viết rơi vào tay các bố già, Trung Quốc xây dựng 1 nhóm các DNNN và cung cấp cho họ các khoản vay, đất đai và năng lượng giá rẻ với mong muốn của cải sẽ được giữ nguyên trong tay nhà nước. 

Bộ phận thành công vang dội nhất trong số các DNNN chính là các doanh nghiệp mang đẳng cấp toàn cầu. Tổng lợi nhuận năm 2009 của 2 tập đoàn Sinopec và China Mobile còn lớn hơn so với tổng lợi nhuận của 500 công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc. 

Có chiến lược phát triển dài hạn và đầy tham vọng, các DNNN ngày càng trở nên sáng giá và thu hút được nguồn nhân lực xuất sắc nhất. Các DNNN  đóng góp 1 phần rất lớn trong việc giải cứu nền kinh tế Trung Quốc khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

Do đó, ở Trung Quốc tồn tại quá trình được gọi là “guojin mintui” – “nhà nước tiến lên, tư nhân lụn bại”. Nhà nước càng khuyến khích các DNNN tham gia sâu hơn vào các ngành quan trọng đồng thời bảo vệ họ trước sự cạnh tranh của các đối thủ đến từ nước ngoài. 

Tuy nhiên, cuối cùng thì chính nhà nước lại là người phải gánh chịu hậu quả. Theo 1 nghiên cứu độc lập vừa được thực hiện, nếu như mất đi tất cả các ưu đãi cũng như trợ cấp vô hình, các DNNN của Trung Quốc sẽ thua lỗ nặng. Tệ hại hơn, các DNNN không hề đem lại chút lợi nhuận nào cho chính phủ. Thay vào đó, hầu hết của cải đã chảy vào túi các lãnh đạo của các doanh nghiệp này. 

Thay vì được phân bổ 1 cách hiệu quả, đồng tiền được đầu tư vào các DNNN và ngày càng củng cố sức mạnh của các doanh nghiệp này đồng thời khiến các ông chủ giàu lên nhanh chóng. Lợi ích nhóm sau đó lại trở thành một trong những nhân tố cản trở công cuộc cải cách chính trị và kinh tế bởi nếu thực hiện cải cách, đây là bộ phận thiệt thòi nhiều nhất. 

Sức mạnh của các DNNN cũng làm tổn hại đến các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc – bộ phận đang gặp phải ngày càng nhiều rào cản. Không chỉ ở Trung Quốc, các DNNN còn gây ra nhiều vấn đề ở nước ngoài. Các lãnh đạo Myanmar đã quá mệt mỏi với tình trạng đất nước bị các DNNN Trung Quốc khai thác cạn kiệt. Đây cũng chính là 1 phần lý do khiến nước này quyết định mở cửa với các nước phương Tây trong thời gian gần đây. Quan trọng hơn cả, các DNNN đang làm tổn hại đến bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đang khát vốn. 

Lựa chọn con đường chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang mô hình như hiện nay là 1 quyết định dũng cảm của Trung Quốc. Cuối những năm 1990, phó Thủ tướng Chu Dung Cơ đã dẹp bỏ những DNNNN yếu kém. Tuy nhiên, 1 thập kỷ sau đó, các doanh nghiệp này dường như lại hồi sinh trở lại. 

Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải cắt bỏ các nhóm lợi ích, bắt đầu tư nhân hóa các DNNN, mở cửa nhiều lĩnh vực và 1 lần nữa cho phép các doanh nghiệp tư nhân trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế lên phía trước. 

Một số nhà cải cách ở Trung Quốc đã nhận ra đây là điều cấp thiết cần phải thực hiện. Hồi tháng 4, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có bài phát biểu tấn công vào sức mạnh độc quyền của các ngân hàng lớn trực thuộc nhà nước. Tuy nhiên, ông Ôn sắp nghỉ hưu và ai sẽ kế thừa vị trí ấy vào tháng 11 tới và các chính sách kinh tế sẽ ra sao vẫn còn là 1 dấu hỏi lớn. Phép màu kinh tế trong suốt 30 năm qua đang bị đe dọa. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên