MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân dân tệ đã "mở" đến đâu?

05-09-2015 - 19:00 PM | Tài chính quốc tế

Những thăng trầm của chứng khoán Trung Quốc đang tạo ra nhiều lo ngại mới trong các nhà đầu tư nước ngoài về việc đầu tư nhiều hơn vào các tài sản nhân dân tệ.

Đồng nhân dân tệ đã đi được một chặng đường rất dài trong 2 thập kỷ vừa qua. Năm 1994, các khách du lịch nước ngoài đến Trung Quốc vẫn sử dụng các giấy chứng nhận ngoại tệ (foreign exchange certificates) thay vì nội tệ của nước này. Và chỉ một số cửa hàng và nhà hàng được lựa chọn được phép chấp nhận loại tiền tệ đặc biệt này.

Quá trình ấy đã có một bước ngoặt vào tháng 7/2005, khi Chính phủ Trung Quốc thông báo xóa bỏ cơ chế neo chặt nhân dân tệ vào đồng USD.

Kể từ đó đến nay, nhân dân tệ đã tăng giá hơn 30% so với USD. NHTW Trung Quốc cũng thu hẹp đáng kể các biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối. Số lượng các giao dịch sử dụng nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán cũng đã tăng lên đáng kể, với 20% các giao dịch thương mại của Trung Quốc sử dụng nhân dân tệ trong năm 2014.

Tuy nhiên, những thăng trầm của chứng khoán Trung Quốc đang tạo ra nhiều lo ngại mới trong các nhà đầu tư nước ngoài về việc đầu tư nhiều hơn vào các tài sản nhân dân tệ.

Mặc dù các nhà đầu tư có thể chấp nhận việc thị trường lên xuống thất thường, các phản ứng mạnh tay của Chính phủ Trung Quốc (như cấm các cổ đông lớn bán cổ phiếu hay ngừng giao dịch khiến hàng nghìn công ty niêm yết bị ảnh hưởng) là lời nhắc nhở rằng đầu tư vào Trung Quốc ngoài những rủi ro về tài chính còn có cả yếu tố chính trị. Viễn cảnh bị mắc kẹt trong một khoản đầu tư không mong muốn vì những biện pháp can thiệp bất ngờ của Chính phủ khiến nhà đầu tư chùn bước.

Dẫu vậy, đồng nhân dân tệ ngày càng được chấp nhận nhiều hơn trong cả hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế vẫn là xu hướng dài hạn. Điều này cũng gia tăng số nhân dân tệ được tích lũy bên ngoài Trung Quốc. Các trung tâm nhân dân tệ ở hải ngoại (dẫn đầu bởi Hồng Kông) đã nở rộ ở các trung tâm tài chính như Singapore, London và Frankfurt, cho phép Chính phủ các nước cũng như nhiều công ty phát hành trái phiếu niêm yết bằng nhân dân tệ.

Các biện pháp kiểm soát dòng vốn chảy vào và bị rút ra khỏi Trung Quốc cũng đang dần được nới lỏng, đặc biệt là việc ra đời mối liên kết giữa hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông vào tháng 11 năm ngoái. Kể cả Quỹ tiền tệ quốc tế cũng đang xem xét đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ cấu thành đồng tiền dự trữ quốc tế SDR. Theo số liệu của ngân hàng Standard Chartered, đã có hơn 60 NHTW đầu tư vào các tài sản nhân dân tệ.

Hồi tháng 7, NHTW Trung Quốc mở rộng hơn nữa cánh cửa bước vào thị trường trái phiếu, chào đón NHTW, quỹ tài sản quốc gia của các nước cũng như các định chế quốc tế như World Bank. Giờ đây họ không cần phải xin giấy phép để có thể đầu tư vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng cũng như các công cụ trên thị trường tiền tệ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Các vụ sáp nhập, mua bán và đầu tư mới với số vốn dưới 100 triệu USD giờ đây không cần phải trình lên cơ quan quản lý ngoại hối.

Còn đối với dòng vốn FDI chảy vào Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị hạn chế trong khá nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình phê duyệt đã dễ dàng và nhanh chóng hơn so với trước đây.

Thêm vào đó, Trung Quốc còn sử dụng đặc khu thương mại tự do Thượng Hải để thử nghiệm phương pháp mới tiếp cận đầu tư nước ngoài. Thay vì phân loại các lĩnh vực thành “khuyến khích”, “hạn chế” hay “cấm” nhà đầu tư nước ngoài, danh sách mới chỉ nêu tên những lĩnh vực đóng cửa đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Do đó bất kỳ lĩnh vực nào không nằm trong danh sách này đều không bị hạn chế.

Dẫu vậy, bất chấp những bước tiến lớn kể trên, xét theo nhiều khía cạnh thì nhân dân tệ vẫn là một kẻ “xoàng xoàng” trên thị trường tiền tệ quốc tế. Xét về doanh thu ngoại tệ trên toàn cầu, nhân dân tệ vẫn xếp sau đồng peso của Mexico và dollar Canada.

Lãi suất và tỷ giá của Trung Quốc vẫn do Chính phủ kiểm soát dù đã thả lỏng hơn trước. Trung Quốc đã cam kết sẽ hoàn thành cơ chế thả nổi “cơ bản” lãi suất và cán cân vốn trước khi năm 2015 kết thúc. Tuy nhiên, rõ ràng là Chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ can thiệp bất cứ lúc nào.

Thị trường Trung Quốc cũng thiếu vắng những công cụ phái sinh cho phép nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro hoặc đặt cược vào khả năng xuống giá. Các hợp đồng phái sinh lãi suất đã đạt được trạng thái thanh khoản tương đối, nhưng các công cụ phức tạp hơn như hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo vẫn rất ít. Công cụ phái sinh chứng khoán thì vẫn còn trong trứng nước. Hiện ở Trung Quốc mới chỉ có hợp đồng tương lai và quyền chọn chỉ số chứ chưa có đối với cổ phiếu riêng lẻ.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thể tiếp cận thị trường trái phiếu nội địa. Trung Quốc chưa mở cánh cửa với các nhà quản lý quỹ tư nhân, những người hiện đang tiếp cận thị trường thông qua các chương trình QFII hay RQFII với hạn ngạch ngặt nghèo.

Lối vào TTCK Trung Quốc dễ dàng hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu Trung Quốc sẽ sử dụng mối kết nối và không cần giấy phép, nhưng nhiều cổ phiếu đã hết room và hạn ngạch khiến dòng tiền hàng ngày bị hạn chế. Thêm vào đó, cú điều chỉnh vừa qua khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài nghĩ lại về việc đầu tư vào thị trường này.

Mới đây MSCI đã từ chối thêm cổ phiếu loại A của Trung Quốc vào chỉ số cơ bản. Mặc dù họ lấy lý do là những lo ngại về chủ sở hữu của các cổ phiếu được mua qua chương trình kết nối, nhiều nhà quan sát cho rằng quyết định của MSCI cũng bị ảnh hưởng “tiếng xấu” của chứng khoán Trung Quốc. Thị trường này thường được so sánh với một sòng bạc.

Thu Hương

Financial Times

Trở lên trên