Nhân dân tệ sẽ giảm giá 10%
Nhân dân tệ - một trong những đồng tiền được kiểm soát chặt chẽ nhất trên thế giới – có thể bị tổn thương trước những yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc nói chung và TTCK Trung Quốc nói riêng.
- 13-06-2015IMF nghiên cứu lấy Nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ
- 19-04-2015Đồng nhân dân tệ sẽ chiếm 10% dự trữ tiền tệ thế giới vào 2025
- 28-01-2015Nhân dân tệ vào tốp 5 đồng tiền sử dụng rộng rãi nhất
“Chúng tôi dự báo nhân dân tệ sẽ giảm giá 5 – 10% trong năm tới, mặc dù đồng tiền này khá ổn định trong vài tháng tới”, Adarsh Sinha – chiến lược gia đến từ bộ phận nghiên cứu của ngân hàng Bank of America Merril Lynch – nhận định.
Lịch sử cho thấy bất kỳ khi nào Trung Quốc phải đối mặt với những biến động kinh tế quá mạnh, họ sẽ luôn giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định và gần như là không có biến động. Tuy nhiên, cái khó của Trung Quốc là giờ đây cán cân vốn của nước này đã dần dần được mở cửa và do đó giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định là công việc khó khăn hơn xưa rất nhiều.
Phần lớn giới phân tích dự báo rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng tiền tệ. Đây là một trong các công cụ được sử dụng để chấm dứt cơn bán tháo trên thị trường đại lục. Các chuyên gia kinh tế cũng nhất trí rằng các biện pháp này sẽ gây áp lực giảm giá rất lớn lên đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, nếu như Trung Quốc muốn lọt vào chỉ số MSCI và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, nước này không thể tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ như trong quá khứ.
“Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối lập với dự định cho phép các lực đẩy thị trường quyết định chuyện phân bổ các nguồn lực. Do đó đây là bài kiểm tra lớn đầu tiên thử thách quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc”, Jeremy Stevens – chuyên gia kinh tế quốc tế của ngân hàng Standard Bank – nhận định trong bản báo cáo gửi tới khách hàng.
Mấy phiên gần đây, đồng nhân dân tệ (CNY) được giao dịch với biên độ hẹp, ở quanh mức 6,2 nhân dân tệ đổi 1 USD. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ ở hải ngoại (CNH) vừa chạm đáy 3 tháng so với USD. Điều này cho thấy đồng CNH là đồng tiền được thả nổi hơn và do đó PBOC khó can thiệp hơn.
BofAML giải thích rằng trên thực tế những ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp can thiệp đến thanh khoản trên thị trường nội địa có thể xóa tan các tác dụng của chính sách nới lỏng tiền tệ.
Trung Quốc đã bổ sung các biện pháp nhằm đẩy tăng niềm tin trên thị trường như cho phép các định chế tài chính đàm phán lại các điều kiện cho vay sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo. Động thái này được đưa ra sau khi Trung Quốc cấm các cổ đông lớn bán ra cổ phiếu trong 6 tháng tới.
Những động thái như lệnh cấm nói trên đã gây sốc cho các nhà đầu tư và gây trở ngại cho nỗ lực tự do hóa hệ thống tài chính của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đang xem xét có đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ hay không. Theo dự báo của Eric Lu, chuyên gia đến từ hãng nghiên cứu Vanda, quá trình tự do hóa thị trường của Trung Quốc có thể bị chậm ít nhất 1 đến 2 năm so với dự kiến ban đầu.
BofAML cũng đưa ra dự báo khá bi quan rằng tình trạng hỗ loạn trên thị trường chứng khoán có thể lan sang các tài sản khác như tiền tệ, nợ và thậm chí là cả thị trường bất động sản.
“Nếu thị trường tiếp tục rơi mạnh, con số thua lỗ từ cho vay có tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu có thể lên đến hàng nghìn tỷ nhân dân tệ, trong đó các ngân hàng và giới môi giới chứng khoán bị tác động nhiều nhất. Quan trọng hơn, hệ thống tài chính vẫn chưa phát triển đến mức hiện đại và tình trạng thiếu một định nghĩa rõ ràng về trách nhiệm rủi ro. Điều này có nghĩa là nguy cơ khủng hoảng lan tràn rất lớn, tương tự với những gì đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn.