MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật: Biến bạc thành vàng

01-08-2011 - 08:18 AM | Tài chính quốc tế

Hơn 1/3 tài sản các hộ gia đình Nhật hiện đang nằm trong tay những người trên 70 tuổi. Tiếp cận được nhóm khách hàng này, các công ty sẽ kiếm bộn.

Các quán cà phê có tên Ueshima ở một số nơi tại thủ đô Tokyo – Nhật trông giống như bất kỳ quán nào khác. Thế nhưng nếu nhìn kỹ, người ta sẽ phát hiện ra điểm khác biệt: lối đi lại rộng hơn, ghế chắc và bàn thấp hơn.

Đồ ăn được phục vụ tại đây thường mềm, không giòn: bánh xăng uých, xalat, chuối, những loại đồ ăn dễ nhai. Nhân viên mang đồ đến tận bàn cho khách. Tên đồ ăn và thực đơn được viết to, rõ ràng bằng tiếng Nhật chứ không phải tiếng Anh. Cũng không ngạc nhiên khi các quán cà phê này rất đông người già.

Ueshima chưa bao giờ công khai tuyên bố họ chuyên phục vụ người già. Thế nhưng công ty này kiên nhẫn và kín đáo phục vụ người già. Kín đáo, bởi điều cuối cùng mà người đã ngoài 70 tuổi muốn nghe đó là quán cà phê của họ chẳng qua giống một nhà dưỡng lão cải trang.

Người Nhật đang già đi nhanh chóng. Khoảng 20% dân số hiện trên 65 tuổi. Và “thế hệ bạc” này có vàng để vung vít. Thu nhập của người thuộc tầng lớp trung lưu đã giảm trong thập kỷ qua, thế nhưng nhóm người cao tuổi hơn họ đang có cả đống tiền.

Khoảng hơn 1/3 tài sản các hộ gia đình Nhật (tương đương khoảng 5,8 nghìn tỷ USD) hiện đang nằm trong tay những người trên 70 tuổi. Tại phương Tây, người già tiết kiệm từng đồng song tại Nhật người già chi tiêu mạnh tay. Tại Ueshima, một tách cà phê cỡ trung bình có giá khoảng 380 yên, cao hơn 10% so với Starbucks.

Nhiều công ty điều chỉnh cách làm dịch vụ của mình để phục vụ cho đối tượng khách cao tuổi. Tại cửa hàng bách hóa Keio, nếu nhìn bên ngoài, chẳng có gì cho bạn biết rằng nó chuyên phục vụ cho người già.

Thế nhưng bên trong, có ghế dành riêng cho khách mua hàng mệt mỏi, các biển hiệu đều được in phông chữ to. Phần lớn khách hàng mua sắm tại đây đều khoảng 50, 60 tuổi. Quầy thực phẩm bán nhiều loại thực phẩm truyền thống hơn.

Các quầy hàng trong siêu thị thấp hơn để người già có thể với lấy hàng. Người già tại Nhật thường thấp hơn so với người trẻ. Keio cũng cấp thẻ khách hàng thân thiết, thẻ sẽ theo dõi không chỉ việc khách mua những gì mà tần suất đến siêu thị ra sao. Đại diện của siêu thị giải thích: “Người già thường có nhiều thời gian hơn.”

Việc tiếp thị sản phẩm cho người già cũng gặp không ít khó khăn. Cách hô hào sản phẩm cho người trên 70 tuổi không phát huy tác dụng. Cách quảng cáo thông thường cũng thất bại, bạn không thể dùng quảng cáo trên truyền hình bởi họ sẽ quên nó ngay. Quản lý của siêu thị nói: “Chúng tôi yêu cầu đài truyền hình phát đi phát lại quảng cáo và cuối cùng họ vẫn quên. Cách tốt nhất là truyền miệng.”

Vài thập kỷ trước đây, việc tiếp thị sản phẩm cho người già hiếm khi mang lại lợi nhuận bởi tuổi thọ khi đó chỉ trên 70 một chút. Thế nhưng người Nhật hiện đang sống lâu hơn. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 86, nam giới là 80 và tiếp cận được đối tượng này sẽ giúp mang lại không ít lợi nhuận.

Một số công ty cố gắng tiếp cận khách hàng khi họ ở tuổi 60 và cố gắng xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu. Một số người khác tiếp cận khách hàng qua con cháu họ. Một công ty mỹ phẩm giới thiệu sản phẩm loại bỏ tàn nhanh cho phụ nữ trung niên với hy vọng họ sẽ nói về nó với mẹ của mình.

Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên