MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nền kinh tế lớn nhất châu Á đồng loạt suy giảm

09-01-2012 - 13:11 PM | Tài chính quốc tế

Phải nhiều năm nữa, hoặc thậm chí sau 1 thập kỷ, châu Âu mới có thể đóng góp vào thành quả tăng trưởng của kinh tế Đông Á.

Quý 4/2011, kinh tế Singapore tăng trưởng âm, sụt giảm 4,9%. Không phải tất cả các chuyên gia phân tích đều dự báo về khả năng GDP quý hiện tại sẽ tiếp tục đi xuống, tuy nhiên họ khẳng định đừng mong về khả năng kinh tế sớm tăng trưởng mạnh. Trong bài phát biểu đầu năm 2012, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc lại dự báo tăng trưởng kinh tế 1 – 3% trong năm 2012. Kinh tế Singapore năm 2010 tăng trưởng 14,5%, mức cao kỷ lục.

Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi kinh tế Singapore, một nền kinh tế hàng đầu của châu Á, đang gặp khó khăn. Thương mại của Singapore cao gấp 3 lần tổng GDP và triển vọng thời gian tới không mấy thuận lợi. Thủ tướng Singapore cũng không khiến thị trường ngạc nhiên khi ông khẳng định rằng nguyên nhân khiến kinh tế Singapore khó khăn chính là kinh tế toàn cầu tăng trưởng kém và khủng hoảng nợ châu Âu. Ông nhấn mạnh: “Là một nền kinh tế mở, Singapore chắc chắn chịu tác động.”

Tình hình triển vọng kinh tế Hồng Kông cũng không mấy sáng sủa hơn. Các chuyên gia phân tích đang nói đến khả năng kinh tế Hồng Kông tăng trưởng 2% trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với con số 5% của năm 2011. Quá trình kinh tế tăng trưởng kém đã bắt đầu. Hàng loạt các tổ chức tài chính uy tín, từ HSBC cho đến JP Morgan đều đưa ra dự báo kém lạc quan hơn. Ở mức tối đa, HBSC dự báo kinh tế Hồng Kông tăng trưởng 3,3%; JP Morgan Chase dự báo kinh tế Hồng Kông tăng trưởng 1,5%.

Không chỉ nhóm nền kinh tế nhỏ, cởi mở đang gặp khó khăn. Kinh tế Ấn Độ, với quy mô lớn và không quá phụ thuộc vào thương mại, cũng đang chứng kiến tình trạng suy giảm. Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ năm 2012 có thể chỉ còn 6% từ mức 6,9% của quý 4/2011.

Kinh tế Nhật thực tế có thể đã tăng trưởng âm trong quý 4/2011. Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật ước tính kinh tế tăng trưởng âm trong cả tháng 10 và tháng 11/2011, chủ yếu bởi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu suy giảm. Thông tin kinh tế Nhật tăng trưởng âm trong quý 4/2011 không khỏi khiến thị trường chán nản sau khi đã lạc quan với sự phục hồi ấn tượng của kinh tế Nhật trong quý 3/2011 khi kinh tế tăng trưởng tới 5,6% nhờ hoạt động tái thiết đất nước sau động đất, sóng thần tháng 3/2011.

Hàn Quốc, một nền kinh tế lớn tại khu vực Đông Á, cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 và năm 2011. Nomura International dự báo kinh tế Hàn Quốc chỉ tăng trưởng được 3% trong năm 2012 do xuất khẩu đi xuống, thấp hơn so với con số ước tính 3,5% trong năm 2011. Nếu Nomura có điều chỉnh dự báo, chỉ có thể theo hướng bi quan hơn.

Câu chuyện tại Thái Lan vốn chịu tác động nặng nề của lũ lụt cũng không sáng sủa hơn. Kinh tế Thái Lan quý 4/2011 tăng trưởng kém bởi các vấn đề liên quan đến xuất khẩu. Kinh tế Philippin, Việt Nam cũng đều được nhận định sẽ không thể tăng trưởng được với tốc độ như năm 2010.

Kinh tế Indonexia và Malaysia có thể coi như ngoại lệ. Kinh tế Indonexia quý 4/2011 tăng trưởng 6,5%; còn tại Malaysia, chính phủ Malaysia thậm chí không buồn lo lắng về khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Khủng hoảng nợ tại châu Âu đang tác động tiêu cực đến các nền kinh tế có định hướng xuất khẩu tại Đông Á. Kinh tế 17 nước khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng âm trong quý 4/2011 và sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý hiện tại.

Ông Jennifer McKeown tại Capital Economics, nhận định: “Chúng tôi cho rằng GDP sẽ tăng trưởng âm khoảng 1% trong năm 2012 và thậm chí còn tồi tệ hơn trong năm 2013.” Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục, doanh số bán lẻ giảm, niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp đang không đi đúng hướng.

Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tiếp tục gây thất vọng bởi nhiều chuyên gia không đưa nổi dự báo sát thực nhất về châu Âu. Vấn đề của khu vực đồng tiền chung, dù đã có vài giải pháp nội bộ, vẫn chưa thể giải quyết được. Lãnh đạo châu Âu cần kinh tế tăng trưởng và họ sẽ không có được điều này cho đến khi cải tổ được căn bản đồng tiền và áp dụng biện pháp hợp tác tài khóa. Hơn hết, họ cần phải bỏ đi chính sách đang hủy hoại tăng trưởng.

Chúng ta đang nói đến khả năng phải nhiều năm nữa, hoặc thậm chí sau 1 thập kỷ, châu Âu mới có thể đóng góp vào thành quả tăng trưởng của kinh tế Đông Á. Từ nay đến đó, Đông Á cần đến người tiêu dùng Mỹ và nhóm thị trường châu Phi, Mỹ Latinh tiêu thụ hàng cho họ.

Đông Á còn cần thêm một điều nữa: Kinh tế Trung Quốc thành công. Xuất khẩu Trung Quốc khi tăng trưởng tốt cũng giúp nhiều nước tại châu Á xuất khẩu được thêm hàng hóa, nguyên liệu thô, hàng bán thành phẩm sang nhà máy của Trung Quốc. Thế nhưng khó có khả năng các công ty sản xuất Trung Quốc sẽ kinh doanh tốt hơn các nước láng giềng. Kết luận, gần như tất cả công ty xuất khẩu châu Á đối đầu với thị trường châu Âu và Mỹ khó khăn chẳng kém gì nhau.

Nhóm nền kinh tế Đông Á cần Trung Quốc phát triển tốt thị trường nội địa. Tiêu dùng của Trung Quốc đang tăng thế nhưng tính trong tương quan với tổng quy mô kinh tế Trung Quốc, thực tế vẫn đang giảm. Tiêu dùng Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 33,8% vào GDP và dự kiến con số này không thay đổi nhiều trong năm 2011.

Thật không may, chính phủ Trung Quốc chưa muốn thay đổi mô hình phát triển tập trung vào xuất khẩu và đầu tư. Ngay cả khi lãnh đạo Trung Quốc quyết định thay đổi cấu trúc nền kinh tế để tăng tiêu dùng, sẽ phải mất 1 thập kỷ người tiêu dùng Trung Quốc mới tiêu dùng mạnh.

Xét đến mọi yếu tố, nhóm nền kinh tế Đông Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ có một năm 2012 đầy khó khăn.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên