MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại 6 năm lãi suất siêu thấp (P1)

12-04-2013 - 12:28 PM | Tài chính quốc tế

Rõ ràng là lãi suất thấp có đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế.

Chưa bao giờ trong lịch sử kinh tế thế giới, lãi suất lại ở mức siêu thấp trong thời gian quá dài như hiện nay. Hầu hết mọi người đều đặt cược rằng NHTW Mỹ, Anh, eurozone, Nhật Bản và Thụy Sĩ sẽ không nâng lãi suất ngắn hạn trong năm nay. 

Tân Thống đốc NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda đã bắt đầu nhiệm kỳ với quyết định tăng gấp đôi gói kích thích kinh tế hôm 4/4. Mark Carney, Thống đốc mới được bổ nhiệm của NHTW Anh, cũng có động thái tương tự. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu như mức lãi suất siêu thấp được duy trì suốt những năm qua sẽ được kéo dài sang năm 2014. Nếu như các đợt cắt giảm đầu tiên (được thực hiện trong giai đoạn 2008 – 2009) đây được coi là biện pháp tạm thời, giờ đây người ta coi đó là điều hết sức bình thường. 

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn đang phải điều chỉnh để thích nghi với thế giới mới. Nhiều công ty lớn đã tận dụng cơ hội này để đi vay trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, những đồng vốn giá rẻ đã không thể tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt như mong muốn. 

Nền kinh tế Mỹ cũng đã có được một số tín hiệu cải thiện. Tuy nhiên, triển vọng ở các khu vực khác khá ảm đạm.  Tháng 3, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của châu Âu cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp chạm mốc cao kỷ lục 12%. 

Mặc dù vậy, trong một thế giới mà chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thả lỏng như hiện nay, giới đầu tư vẫn có nhu cầu đối các sản phẩm nợ cấu trúc (structured debt products) – thứ mà nhiều người cho rằng đã biến mất sau cuộc khủng hoảng năm 2008. 

Rõ ràng là lãi suất thấp có đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế. Fed mua vào các trái phiếu có tài sản đảm bảo với mục đích buộc lãi suất phải xuống thấp và giảm chi phí sở hữu nhà. Hôm 29/3, lãi suất trung bình cho khoản vay thế chấp có kỳ hạn 30 năm chỉ là 3,57%, gần bằng với mức 3,31% - mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập năm 1971.  

Lãi suất của các khoản vay thế chấp ở mức thấp hơn khiến tiền chảy vào túi của những người sở hữu nhà khi họ tái tài trợ các khoản vay. Điều này cũng khuyến khích người dân chuyển nhà ở. Năm ngoái, số nhà cũ bán ra chạm mốc 4,66 triệu căn. Mặc dù vẫn thấp hơn con số 5.04 triệu căn của năm 2007, mức này cao hơn 9% so với năm 2011. 

Thêm vào đó, 366.000 căn nhà mới được bán ra trong năm ngoái, ghi nhận năm tăng đầu tiên kể từ 2005. Doanh số bán ra tăng lên khiến các công ty xây dựng nhà ở trở nên bận rộn. Trong vòng một năm tính đến tháng 2, số giấy phép xây dựng được cấp lên đến 946.000, cao nhất kể từ tháng 6/2008. Điều đó cũng có nghĩa là có nhiều việc làm cho công nhân xây dựng cũng như các nhà máy gỗ và gạch. 

Nhà ở không phải là thứ duy nhất khiến người dân phải chi tiền nhiều hơn khi chi phí đi vay ở mức thấp. Số xe hơi bán ra trong năm 2012 tăng 13,4%, lên 14,8 triệu chiếc – cao nhất kể từ 2007. Số nhân công làm trong ngành xe hơi vẫn kém xa so với mức 1,1 triệu người của năm 2005, nhưng đã tăng từ 624.700 của năm 2009 lên 788.100. 

Với giá nhà cao hơn, người dân cảm thấy họ giàu có hơn và do đó sẵn sàng chi tiêu. Lãi suất thấp cũng đẩy giá cổ phiếu lên cao, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đã phá vỡ mốc cao nhất mọi thời đại.

Tuy nhiên, liệu tâm lý phấn khích không được kiểm soát có thể trở thành mối nguy hiểm? Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều thời kỳ lãi suất siêu thấp dẫn đến đầu cơ bùng nổ, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Giữa những năm 1990, các khoản vay USD giá rẻ đã thổi bùng bong bóng bất động sản ở Thái Lan. Khi bong bóng vỡ, đồng baht rớt giá thảm hại và gây nên thảm họa. Điều tương tự cũng xảy ra ở Tây Ban Nha và Ireland trong thời kỳ đầu những năm 2000. 

Vậy thì, lần này có khác?

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên