MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cựu sinh viên Harvard trên chính trường Trung Quốc

14-11-2012 - 20:25 PM | Tài chính quốc tế

Trong niên học 2012-2013, tổng cộng có tới 686 sinh viên đến từ Trung Quốc theo học tại đại học Harvard - nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới.

Li Yuanchao là trưởng ban Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC). Năm 2010, trong cuộc gặp tại Bắc Kinh với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers, ông nhắc lại kỷ niệm đã từng tham dự 1 khóa đào tạo lãnh đạo tại đại học Harvard từ thời ông Summers còn làm hiệu trưởng. 

Li Yuanchao là người xuất chúng nhất trong nhóm những người đã tốt nghiệp từ chương trình cử các lãnh đạo mới nổi tới các cơ sở đào tạo của Harvard  tại  Cambridge hay Massachusetts mà Trung Quốc đã thực hiện trong hơn 1 thập kỷ qua. 

Chương trình này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy mặc dù Mỹ và Trung Quốc là những kẻ đối đầu trong nhiều vấn đề, từ giá trị của đồng nhân dân tệ đến chiến sự tại Syria, các chính trị hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang nhìn vào nước Mỹ và rút ra những bài học kinh nghiệm hoạch định chính sách.

Theo Anthony Saich, giáo sư đến từ trường kinh doanh  Kennedy trực thuộc đại học Harvard, các lãnh đạo Trung Quốc đang học tập kinh nghiệm từ không chỉ Mỹ mà từ nhiều nơi trên thế giới. Saich cho biết một lãnh đạo đã chia sẻ với ông rằng mặc dù Trung Quốc không hề đồng tình với Mỹ nhiều hơn so với thời kỳ trước, ít nhất thì Trung Quốc cũng có thể hiểu tại sao nước Mỹ lại làm như vậy. 

Ngoài Li Yuanchao, Bộ trưởng Bộ thương mại Chen Deming hay Chủ tịch tỉnh Thiểm Tây Zhao Zhengyong cũng là những người đã tốt nghiệp từ chương trình này. Một vài giáo sư nổi tiếng của đại học Harvard đã tham gia giảng dạy. Joseph Nye, giáo sư nghiên cứu chính trị và cũng là người nghĩ ra khái niệm quyền lực mềm, là người giảng dạy về quyền lực mềm. Trong khi đó, Roger Porter, người đã phục vụ cho 3 thế hệ lãnh đạo của nước Mỹ, trong đó có vị trí trợ lý chính sách kinh tế cho cựu Tổng thống, là người giảng về chế độ lãnh đạo của Mỹ. 

Với sự tài trợ của New World Development Co. – một công ty đến từ Hồng Kông, trường Kennedy đã mở rộng qui mô của chương trình này đến cả lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước và các thứ trưởng. Kể từ năm 1998 đến nay, đã có khoảng 150 quan chức Trung Quốc được cử đi học. 

Năm 2001, trường Kennedy triển khai thêm chương trình dành cho các lãnh đạo đến từ các chính quyền địa phương. Chương trình được triển khai tại cả đại học Harvard và đại học Thanh Hoa và được tài trợ bởi công ty bán hàng trực tiếp Amway. Hàng năm, có khoảng 50 đến 60 quan chức được cử đi học theo chương trình này. 

Theo Saich, tham dự khóa học này được coi là yếu tố rất có lợi cho con đường công danh của các quan chức Trung Quốc. Nhìn chung, tất cả những người tham dự chương trình này đều được thăng tiến. 

Năm 2009, trường Kennedy cũng triển khai khóa học dành cho các lãnh đạo cấp cao của Thượng Hải. Năm ngoái, công ty điện lực miền Nam cũng “đặt hàng” với Harvard nhằm triển khai khóa học dành cho lãnh đạo.

Đại hội Đảng lần này có sự góp mặt của khá nhiều người đã tham dự các chương trình đào tạo này. Li, Chen và Zhao đều là các đại biểu quốc hội. 

Tại phiên khai mạc đại hội, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhận định sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đang bị mất cân bằng và không bền vững. Ông cũng cho rằng các lãnh đạo phải cố gắng hơn nữa để có thể giải quyết các vấn đề này. 

Đối với Li, ông đã áp dụng một số bài học từ khóa học tại trường Kennedy để kiềm chế khủng hoảng tại tỉnh Giang Tô hồi năm 2002. Khi làm bí thư tỉnh ủy Nam Kinh, ông cũng phải đối mặt với tình trạng ngộ độc thực phẩm gia tăng. Trong bài phát biểu tại Harvard hồi tháng 10/2009, Li cho biết ông đã áp dụng được bài học ở Harvard vào sự kiện này. Hơn 200 người đã được cứu sống và quá trình điều tra chỉ mất 36 giờ. 

Ngoài các chương trình đào tạo cán bộ, Harvard cũng là nơi mà các cậu ấm của lãnh đạo Trung Quốc được gửi đến học tập. Bạc Qua Qua, con trai của bí thư thành ủy Trùng Khánh đã bị phế truất Bạc Hy Lai cũng tốt nghiệp từ trường Kenedy. Chen Xiaodan, con gái của chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc - Chen Yuan – cũng có bằng MBA được cấp bởi ngôi trường này. Xi Mingze, con gái của Tập Cận Bình, cũng đã học tập tại Harvard. 

Kể từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế cách đây hơn 3 thập kỷ, rất nhiều quan chức cấp cao của nước này đã tìm cách cho con cháu đi du học. Trong niên học 2012-2013, tổng cộng có tới 686 sinh viên đến từ Trung Quốc theo học tại đại học Harvard - nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên