MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những nền kinh tế mới nổi sẽ làm thay đổi trật tự thế giới

29-01-2015 - 15:14 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng. Nga đang chao đảo với cấm vận và giá dầu giảm... Liệu có nền kinh tế đang lên nào xứng đáng hơn để các nhà đầu tư đổ tiền vào? Tạp chí tài chính hàng đầu thế giới Fortune đã tìm ra 7 đáp án được xem là “xứng đáng” cho câu hỏi này.

Cách đây không lâu, dường như lời hứa về tuyến đầu của nền kinh tế thế giới có thể được tổng kết bởi một chữ viết tắt đơn giản: BRIC (Khối các nền kinh tế lớn mới nổi). Với các nhà đầu tư và cả đầu cơ, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc đã từng như các thị trấn trong cơn sốt vàng ở Mỹ, nơi mà ai cũng có thể thu lợi nếu họ đủ nhanh và sự táo bạo.

Dù khác nhau bởi đặc điểm về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, chính trị và lịch sử, 4 nước BRIC vẫn có các điểm giống nhau: tất cả đều đông dân, có các vùng đất đang phát triển và chính quyền đều rất hoan nghênh sự đầu tư từ các tập đoàn phương Tây.

Đây là những điều mà kinh tế gia Jim O’Neill đã nhận ra khi thực hiện một nghiên cứu về 4 nước trên hồi năm 2001. Ông là người đã sáng tạo cụm từ BRIC (viết tắt 4 chữ cái đầu tiên trong tên 4 nước bằng tiếng Anh) và sử dụng nó trong bản nghiên cứu dài 16 trang. Khi ấy, với tư cách lãnh đạo hoạt động nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại tập đoàn Goldman Sachs, ông đã phân tích tỉ mỉ 4 nước BRIC này, nêu rõ các đặc điểm trên.

Nghiên cứu của ông là cơ sở để hình thành vô số quỹ hợp tác đầu tư BRIC, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), các hội nghị đầu tư...

Nó khiến nhiều công ty phải tư duy lại chiến lược tiếp thị và sản xuất, đảo hướng nguồn cung và gửi hàng tỷ đô la tiền đầu tư doanh nghiệp tới rất nhiều các thành phố từng được ít người biết tới, trải dài từ Bangalore (Ấn Độ) tới Thâm Quyến (Trung Quốc).

Sẽ không ngoa khi nói nghiên cứu của O’Neill đã vẽ lại bản đồ kinh doanh toàn cầu. Cần biết rằng khi O’Neil đưa ra cụm từ BRIC, 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc mới có lượng GDP rơi vào khoảng 2,7 ngàn tỷ USD, tức 8 % quy mô kinh tế thế giới. Nay họ chiếm gần 19% quy mô kinh tế thế giới (Năm 2010, Nam Phi (tên tiếng Anh là South Africa) đã gia nhập nhóm, khiến BRIC có tên mới là BRICS).

Tuy nhiên dù chúng ta hoanh nghênh nghiên cứu của O’Neil vì sự hiểu biết sâu sắc và tầm nhìn xa, đã tới lúc để xem xét lại ý tưởng nền kinh tế toàn cầu tiến lên nhờ động lực BRIC. Sau khi có sự thay đổi lớn vào đầu thiên niên kỷ, kinh tế thế giới lại đang trong một quá trình biến đổi nhanh khác.

Nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu cài số thấp, tăng trưởng trong năm 2014 chỉ đạt 7,4%, mức thấp nhất trong gần 25 năm qua. Brazil, do vướng phải nhiều bê bối, đang ở bên bờ vực suy thoái kinh tế. Việc giá dầu tụt giảm, bị Mỹ và phương Tây cấm vận kinh tế... đã khiến nền kinh tế Nga lao đao.

Vậy trong tình hình mới, các công ty nên chuyển các khoản đầu tư chiến lược của họ vào đâu? Theo Fortune, câu trả lời sẽ tùy thuộc vào việc các công ty đang tìm kiếm gì. Nếu họ muốn sự ổn định và khả năng phục hồi nhanh thì có 7 điểm đến khôn ngoan. Nói gọn lại thì đây là những thị trường dường như đang được quản lý tốt và sẽ dẫn tới sự tăng trưởng bền vững về kinh tế.

Ấn Độ

Nhiều thay đổi đã diễn ra ở Ấn Độ, nước BRIC duy nhất vẫn còn xứng đáng để đầu tư. Hiện một nhân vật đối lập vẫn đang cản trở tốc độ cải cách, nhưng việc Thủ tướng Narendra Modi đã củng cố được quyền lực và đảng Bharatiya Janata của ông chiến thắng tại các cuộc bầu cử cấp bang sẽ dẫn tới những thay đổi sâu sắc về cấu trúc chính trị, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc chính quyền trung ương và cấp bang tự do hóa hoạt động quản lý lao động và môi trường đầu tư, ban hành nhiều biện pháp kích cầu đầu tư mới, là những tín hiệu đáng mừng.

Ngoài ra, Ấn Độ còn thay đổi chính sách để tăng cường thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chế xuất, dầu khí, bảo hiểm, quốc phòng và đường sắt. Với tất cả những điều trên, tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ sẽ có khả năng đi lên, sau khi chỉ đạt tốc độ chậm một cách đáng thất vọng trong mấy năm gần đây.

Indonesia

Indonesia cũng có một gương mặt mới ở vị trí lãnh đạo: Tổng thống Joko Widodo, người đã được Fortune đưa vào danh sách “50 lãnh đạo lớn nhất thế giới” hồi năm ngoái. Widodo đã cắt bỏ hoạt động trợ giá nhiên liệu gây tốn kém ngân sách và chính quyền của ông có nhiều khả năng sẽ thay đổi theo hướng thân thiện hơn với đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.

Tiền ngân sách tiết kiệm được từ cắt bỏ trợ giá nhiên liệu sẽ được đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tham vọng. Ngoài ra việc chi tiêu tốt hơn vào giáo dục sẽ dần nâng cao khả năng sản xuất của người lao động và một sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu sẽ tạo ra nhiều cơ hội thương mại mới.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Indonesia và Malaysia nằm trong nhóm những nền kinh tế mới nổi (Nguồn: The Star)

Dù ông Widodo vấp phải trở ngại trong việc tiến hành các cải cách mạnh hơn, như dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô, có thể thấy ông đang rất quyết tâm hiện thực hóa các lời hứa của mình và làm hài lòng cử tri.

Malaysia

Ở Malaysia, chính quyền đương nhiệm đang cố gắng đáp ứng với yêu cầu thay đổi đang diễn ra ngày càng mạnh. Thủ tướng Najib Razak đã dỡ bỏ việc trợ giá nhiên liệu và còn triển khai việc đánh thuế hàng hóa, dịch vụ lên tới 6% trong tháng 4 tới đây để cải thiện nguồn thu ngân sách.

Ông Najib nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh Chương trình Chuyển đổi Kinh tế thông qua việc triển khai các chính sách kích thích đầu tư nước ngoài. Hoạt động tự do hóa hơn nữa lĩnh vực chế xuất và dịch vụ tài chính cũng có thể diễn ra.

Fortune đánh giá nhìn thấy bài học từ sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, chính quyền Najib sẽ buộc phải tăng cường chi tiêu công vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và chăm sóc y tế.

Mexico

Kể từ khi Tổng thống Enrique Peña Nieto lên nắm quyền vào tháng 12/2012, Mexico đã trải qua một tiến trình cải cách sâu rộng, thực hiện nhiều thay đổi trong ngành năng lượng, thị trường lao động, viễn thông, hệ thống giáo dục và bộ khung tài chính của chính quyền.

Trước các cuộc bầu cử liên bang 2015 và 2018, chính quyền dường như nóng lòng muốn thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vào lĩnh vực năng lượng. Dựa trên nhu cầu phát triển và đổi mới cơ sở hạ tầng trong ngành năng lượng, có thể thấy trong tương lai gần sẽ xuất hiện nhiều cơ hội xây dựng và điều hành các ống dẫn dầu, các xa lộ, bến cảng và những khu vực khác.

Nền kinh tế Mexico cũng sẽ được hưởng lợi từ một nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng. Khi tình hình kinh tế cải thiện, du khách từ Mỹ sẽ vào Mexico nhiều hơn và người Mexico làm việc ở Mỹ sẽ gửi về nhiều kiều hối hơn.

Colombia

Fortune cho rằng Tổng thống Juan Manuel Santos sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình với các du kích thuộc Quân đội vũ trang cách mạng Colombia (FARC) vào cuối năm nay. Việc này sẽ khiến chính quyền tăng cường sự ngự trị của luật pháp, phát triển mạnh hơn các vùng nông thôn và thu hút giới đầu tư, vốn rất lo ngại về an ninh ở nước này. Chính quyền Santos và các lãnh đạo đối lập hiện khá đồng thuận với nhau về chính sách kinh tế. Điều này có nghĩa các màn đối đầu trên chính trường sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới môi trường kinh doanh.

Ba Lan

Mấy năm gần đây, không có quốc gia nào tăng thêm nhiều ảnh hưởng tại châu Âu như Ba Lan, nơi chính quyền tốt đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nước này. Đảng Civic Platform cầm quyền nhiều khả năng sẽ chiến thắng (với tư cách lãnh đạo liên minh cầm quyền) trong các cuộc bầu cử của năm 2015, qua đó cho phép chính quyền tiếp tục nỗ lực tự do hóa nền kinh tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài và phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia. Song song với đó, các cải cách cơ cấu và hoạt động đầu tư của chính quyền sẽ tăng mạnh, đặc biệt là trong 2 lĩnh vực quốc phòng và năng lượng, dù việc này có thể không diễn ra cho tới tận năm sau.

Kenya

Các nền kinh tế lớn của châu Phi như Nigeria và Nam Phi đang có những vấn đề về kinh tế và chính trị. Nhưng Kenya dường như không gặp phải những vấn đề này và đang đi theo hướng khác. Được ủng hộ bởi đảng cầm quyền đã chiếm thế đa số trong lưỡng viện của Quốc hội, Tổng thống Uhuru Kenyatta dường như muốn thúc đẩy các kế hoạch bị trì hoãn lâu nay nhằm phát triển lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng của đất nước.

Chính quyền của ông đã tăng cường cơ quan an ninh sau mấy vụ khủng bố gần đây và việc Tòa án hình sự quốc tế (ICC) rút bỏ các cáo buộc chống lại ông Kenyatta đã mang tới sự ổn định. Việc tiến hành điều chỉnh ở ngân hàng trung ương và triển khai các biện pháp quản lý tài chính để kiểm soát lạm phát cũng đã khiến đồng tiền của nước này ổn định trở lại./.

Theo Linh Vũ

PV

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên