MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những nhân vật chính trong khủng hoảng chính trị ở Thái Lan

09-12-2013 - 13:00 PM | Tài chính quốc tế

Từ sự kiện cựu thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong năm 2006 tới nay, chính trị Thái Lan luôn luôn bất ổn với biểu tình và chia rẽ phe phái sâu sắc.

Thaksin Shinawatra
Đảng Người Thái yêu người Thái

Ông Thaksin là nhân vật chính trị gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử chính trị Thái Lan gần đây. Ông giành chiến thắng vang dội trong 2 cuộc bầu cử năm 2001 và 2005 trước khi bị quân đội lật đổ năm 2006. 

Khi còn đương chức, chính trị gia từng là một doanh nhân này đã thực hiện nhiều chiến dịch được đông đảo người dân ủng hộ. Chính sách của ông giúp đỡ nhóm người có thu nhập thấp và người dân ở nông thôn – bộ phận chiếm phần lớn cử tri và trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ đảng của ông. Chính sách của Thaksin bao gồm chăm sóc sức khỏe, chương trình tín dụng vi mô cho các thôn làng và hoãn nợ cho người nông dân. 

Năm 2006, chính quyền của ông Thaksin bị phản đối mạnh mẽ bởi phong trào chống Thaksin với những người biểu tình áo vàng. Phần lớn trong số họ là người có thu nhập trung bình ở Bangkok. Tháng 9/2006, ông bị lật đổ sau cuộc đảo chính dẫn dắt bởi quân đội Thái Lan. 

Tòa án Hiến pháp Thái Lan sau đó đã giải tán đảng của ông Thaksin vì gian lận bầu cử, cấm ông và các lãnh đạo của đảng này tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm. 

Năm 2008, ông bị buộc tội gây xung đột lợi ích và bị kết án 2 năm tù giam (xét xử vắng mặt). Được cho là đã trở nên giàu có một cách bất thường trong thời gian đương chức, tài sản của Thaksin bị đóng băng và tài sản ở Thái Lan của gia đình ông lên đến 76 tỷ baht (tương đương 2,37 tỷ USD). 

Ông cho rằng đằng sau những lời buộc tội này là các động thái chính trị. Ông sống lưu vong suốt 5 năm qua để tránh phải ngồi tù. 


Thaksin kết hôn với Pojaman Damapong năm 1980. Hai người ly hôn năm 2008, có với nhau một con trai và hai con gái. 

Yingluck Shinawatra
Đảng Pheu Thai 

Bà Yingluck là em gái nhỏ tuổi nhất của ông Thaksin và bị đồn đại là tham gia hoạt động chính trị theo yêu cầu của người anh. Bà được chọn làm người đứng đầu của đảng Pheu Thai – vốn là hiện thân của đảng Người Thái yêu người Thái.  


Mặc dù trước đó chưa từng tham gia chính trường, bà được hậu thuẫn bởi đội ngũ chính trị và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Đảng đối lập Thái Lan luôn cho rằng bà Yingluck đang hành động dựa trên lợi ích của ông Thaksin. 


Bà Yingluck đã tiếp tục thực hiện một vài chính sách được lòng dân, như chương trình trợ cấp giá gạo trong đó chính phủ mua gạo từ người nông dân với giá cao hơn thị trường. 

Trước khi hoạt động chính trị, bà là CEO của một công ty thuộc sở hữu của gia đình Shinawatra.



Suthep ThaugsubanSuthep Thaugsuban
Đảng Dân chủ

Tới từ tỉnh miền Nam Surath Thani, Suthep là một chính trị gia của đảng Dân chủ và đóng vai trò khá quan trọng trên chính trường Thái Lan. Đầu tháng 11, ông từ bỏ vị trí một nhà làm luật và lãnh đạo đảng để giành nhiều thời gian vào việc dẫn dắt biểu tình chống lại dự luật ân xá gây nhiều tranh cãi được đưa ra bởi đảng Pheu Thai.  

Năm 1995, ông Suthep bị buộc tội tham nhũng có liên quan đến các cải cách đất đai mà ông thực hiện khi còn là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan. Ông đã bác bỏ lời buộc tội này. Tuy nhiên, lời buộc tội khiến Thủ tướng Chuan Leekpai phải giải tán quốc hội để tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. 


Từ 2008 đến 2011, Suthep là Phó Thủ tướng dưới thời Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Năm 2009, Hội đồng bầu cử Thái Lan tước quyền đại biểu quốc hội của ông Suthep vì phát hiện ông nắm giữ cổ phần ở một công ty nhận đất đai từ chính phủ. Ông phải từ chức, mặc dù vẫn cho rằng số cổ phần mà ông nắm giữ là tối thiểu và không tham gia vào việc điều hành công ty này. 

Tháng 10 vừa qua, Suthep và Abhisit bị buộc tội thực hiện đàn áp những người biểu tình áo đỏ ủng hộ ông Thaksin ở ngoại ô Bangkok trong 9 tuần. Sự kiện này khiến 90 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. 

Cả hai nhân vật này đều không nhận tôi và khẳng định họ sẽ chống lại điều này tại tòa. 

Abhisit Vejjajiva
Đảng Dân chủ

Ông Abhisit là Thủ tướng Thái Lan từ năm 2008 đến 2011 và hiện là người đứng đầu đảng Dân chủ đối lập. Ông trở thành Thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội chứ không phải thông qua tổng tuyển cử, sau khi người tiền nhiệm Somchai Wongsawat bị bãi nhiệm. Ông Somchai là anh rể của ông Thaksin.  

Việc ông Abhisit thắng cử khiến các đảng đối lập và các nhóm ủng hộ Thaksin cho rằng ông được ủng hộ bởi quân đội. Được sinh ra ở Anh và theo học tại Eton College trước khi có bằng thạc sĩ của Oxford.  
Abhisit Vejjajiva
Ông Abhisit phải đối mặt với biểu tình lớn hồi tháng 4/2009, khi những người biểu tình áo đỏ ủng hộ Thaksin mở rộng cuộc biểu tình từ Bangkok sang khu resort bên bờ biển Pattaya – nơi ông Abhisit đang chủ trì hội nghị ASEAN. Người biểu tình đã khiến hội nghị phải hoãn lại, lãnh đạo các nước rời khỏi Thái Lan bằng tàu chiến và trực thăng. 

Tháng 4/2010, những người áo đỏ lại tổ chức biểu tình lớn ở Bangkok và kêu gọi ông Abhisit phải bầu cử sớm. Hơn 90 người (hầu hết là người biểu tình) đã thiệt mạng và nhiều người bị thương trong cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. 

Ông Abhisit kêu gọi bầu cử năm 2011 và đã để thua trước đảng Pheu Thai. Tháng 10, ông cùng với Suthep bị buộc tội ra lệnh cho lực lượng an ninh sử dụng vũ khí chống lại người biểu tình. 


Jatuporn Prompan
Phe áo đỏ

Ông Jatuporn là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Đảng Đoàn Kết Dân Chủ Chống Độc Tài (UDD) hay còn gọi là phe áo đỏ - đồng minh quan trọng của đảng Pheu Thai và Thủ tướng Yingluck Shinawatra. 

Jatuporn Prompan
Jatuporn vốn là một nhà làm luật của đảng Pheu Thai. Ông dẫn đầu các cuộc biểu tình của phe áo đỏ hồi tháng 4/2009 và tháng 4 năm 2010, chống lại cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Sau cuộc đụng độ tháng 5/2010, Jaruporn đầu hàng cảnh sát và bị buộc tội khủng bố. Tuy nhiên, ông bác bỏ lời buộc tội này, cho rằng dẫn dắt phong trào dân chủ không phải là một hành động khủng bố. Vụ án này cho tới nay vẫn chưa kết thúc. Năm 2012, tòa Thái Lan tước quyền đại biểu quốc hội của Jatuporn.

Ông đã bảo vệ cho chính quyền của bà Yingluck kể từ khi biểu tình chống chính phủ nổ ra hồi tháng 10. Ông và các lãnh đạo khác của phe áo đỏ đã tập trung hàng nghìn người ở một sân vận động ở Bangkok để thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ. 

Các lãnh đạo phe áo đỏ khẳng định họ sẽ không kêu gọi người ủng hộ phải đối đầu với các nhóm chống chính phủ, nhưng chắc chắn sẽ ở lại sân vận động này cho tới khi người biểu tình ngừng biểu tình. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

Trở lên trên