MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ nhiều nhưng không có gì phải sợ!

29-01-2013 - 08:53 AM | Tài chính quốc tế

Vấn đề cấp bách nhất là phục hồi kinh tế

Người viết là cây bút bình luận Martin Wolf của tờ Financial Times. Ông được phong tước Hiệp sỹ Đế chế Anh năm 2000.

Nước Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế. Nhưng trong đó không có vấn đề ngân sách. Đó là một tuyên ngôn gây tranh cãi. Nếu nhìn vấn đề dựa trên cuộc tranh luận đang diễn ra ở Washington, người ta sẽ cho rằng chính phủ đã ở bên bờ vực phá sản. Quan điểm này sai.

Đúng là ngân sách nước Mỹ có vấn đề trong dài hạn, nhưng chủ yếu là do chi phí y tế tuy thiếu hiệu quả nhưng tăng quá nhanh.

Đúng là nước Mỹ đang sôi sục chuyện ngân sách, nhưng thực ra đó là cuộc tranh luận mang đậm tính triết học về vai trò của nhà nước.

Đúng là Mỹ đang thâm hụt ngân sách lớn, nhưng đó là do khủng hoảng tài chính.

Hãy bắt đầu với triển vọng trong trung hạn. Trong một nghiên cứu gây tiếng vang mới được Trung tâm Ngân sách và Ưu tiên chính sách phát hành tháng này, Richard Kogan cho rằng “các nhà hoạch định chính sách có thể ổn định nợ công trong thập kỷ tới … mà chỉ cần giảm 1,4 nghìn tỷ USD thâm hụt nữa.”

Cái nhìn lạc quan trọng trung hạn ấy là nhờ kinh tế phục hồi và các chính sách mới, đặc biệt là Đạo luật Kiểm soát ngân sách tháng 08/2011 và Đạo luật miễn thuế cho người Mỹ mới thông qua tháng này.

Hơn nữa, vì bớt được lãi tiền vay nên chỉ cần tiết kiệm 1,2 nghìn tỷ USD là đủ. Con số ấy chỉ tương đương 0,6% GDP dự tính, dù cho tăng trưởng GDP danh nghĩa trung bình chỉ 4%.

Dưới những giả định trên, tỷ lệ nợ trên GDP sẽ ổn định ở mức 73%. Thế có quá cao? Không. Với mức lãi suất thực hiện tại, chi phí bằng không. Dù cho lãi suất thực có tăng đến 3%, chi phí thực tế với ngân sách chỉ là 2% GDP, hoàn toàn có thể xử lý được.

Bây giờ nói sang chuyện dài hạn.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội (“CBO”) đã viết trong Báo cáo Triển vọng Ngân sách dài hạn 2012 rằng “nếu luật pháp vẫn như hiện nay, chỉ riêng chi tiêu y tế cấp liên bang sẽ tăng từ 5% GDP hiện nay lên gần 10% GDP vào năm 2037, và sẽ còn tăng nữa.

Chi An sinh xã hội dự tính tăng ít hơn, từ 5% GDP hiện nay lên hơn 6% GDP năm 2030 …

Nếu thu ngân sách không tăng đáng kể, gánh nặng kể trên sẽ khiến nước Mỹ nợ nần nhiều chưa từng thấy.” Chính xác hơn, với giả định thu ngân sách vẫn ở mức 18,5% GDP, bằng với mức trung bình 40 năm qua, đến năm 2040 nợ công sẽ ở mức 200% GDP.

Do đó, trong dài hạn, chính quyền liên bang phải tăng thu; giảm chi y tế; hay tốt nhất là cả hai. Nếu không phải ở Mỹ, đó là chuyện nhỏ. Nguyên do là nền kinh tế Mỹ hiện nay có hai đặc điểm cơ bản là bất bình đẳng thu nhập quá lớn và chi y tế kém hiệu quả.

Thứ nhất, CBO từng lưu ý trong một báo cáo khác rằng “tỷ lệ thu nhập do top 1% dân số nhận được đã tăng gấp đôi từ năm 1979 đến năm 2007, từ 10% lên 20%.” Thế nên đánh thuế những người này có thêm một chút chắc cũng không bị phản đối dữ dội lắm.

Thứ hai, đằng sau mọi dự báo về chi tiêu công chính là chi y tế của cả hai khu vực công và tư “sẽ tăng từ 17% GDP hiện nay lên gần 25% GDP năm 2037”. Hiện tỷ lệ GDP Mỹ chi cho y tế đã cao hơn nhiều các nước giàu khác.

Năm 2010, tổng chi y tế của Mỹ là 17,6%, trong khi nước đứng thứ hai là Hà Lan chỉ có 12% GDP. Kể cả khu vực công của Mỹ cũng chi nhiều hơn ở Anh. Dù vậy tuổi thọ trung bình ở Mỹ chỉ là 78,7, so với 80,6 ở Anh.

Vậy là chỉ còn cuộc tranh luận “mang đậm tính triết học”.

Một bên là những người lúc nào cũng khăng khăng đòi giảm thuế. Một số người trong số đó còn lớn tiếng gọi đánh thuế là ăn cắp. Số khác tin thuế triệt tiêu động lực làm việc. Số khác lại cho rằng khi chính phủ giúp nhiều người ta sẽ không biết tự lo cho bản thân.

Những người ở bên kia chiến tuyến cũng không kém nhiệt thành bảo vệ hệ thống an sinh xã hội về y tế, người cao tuổi và việc làm.

Thực tế, thế cân bằng chính trị kể trên lại thường dẫn đến tăng chi chứ tăng thu lại không tương ứng. Trong dài hạn, ắt phải có điều chỉnh dù kết cục khó có thể là nợ công bùng nổ.

Theo tôi, nhiều khả năng đó sẽ là thuế cao và hạn chế bớt chi tiêu, đặc biệt là y tế. Đó là lối thoát hợp lý duy nhất. Cũng cần phải khẳng định rằng vỡ nợ ngay để tránh vài thập kỷ nữa mới vỡ nợ là chuyện điên rồ.

Cuối cùng, giờ làm được gì? Đầu tiên phải biết mình đang ở đâu.

Nếu nhìn lại thời bùng nổ thâm hụt 2008-2009 (trước khi TT Obama tác động được vào vấn đề ngân sách), sẽ thấy thu ngân sách giảm mạnh còn chi ngân sách tăng vọt, cả hai đều là do khủng hoảng tài chính và cuộc suy thoái tiếp sau đó.

Kể từ năm 2009, chi ngân sách đã ổn định. Trong khi đó, thu ngân sách lại rất phụ thuộc vào chu kỳ kinh doanh. Nói tóm lại, thâm hụt lớn là do bất ngờ có khủng hoảng trong khi ngay trước đấy lại quyết định cứ chi thoải mái và thu ít đi.

Một “di sản” nữa của khủng hoảng là thặng dư tài chính hợp nhất của khu vực tư tăng chóng mặt (hiệu số giữ thu và chi, tính theo % GDP). Nếu thắt chặt ngân sách trong khi lãi suất vẫn cận 0, nền kinh tế có rơi vào đại suy thoái mà ngân sách chả khá hơn là mấy.

Nguyên do là số nhân ngân sách đặc biệt cao trong lúc như bây giờ (theo IMF). Đến bao giờ kinh tế tốt lên mới nên thắt chặt ngân sách.

Chính phủ liên bang Hoa Kỳ không phải đang trên bờ vực phá sản. Nếu có vấn đề, thì đó là ngân sách đang bi thắt chặt quá nhanh và quá mạnh. Mà chuyện ngân sách cũng chẳng phải quá cấp thiết. Cái quan trọng hơn là thúc đẩy tăng trưởng.

Trong dài hạn thì đó là bài toán tăng thu và giảm chi y tế. Từ nay đến lúc ấy, cứ bình tĩnh, không có gì mà phải hoảng.

Minh Tuấn

tuannm

FT

Trở lên trên