MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nobel Kinh tế 2014 và "cuộc chiến" chống Google

15-10-2014 - 12:10 PM | Tài chính quốc tế

Ngày 13/10, nhà kinh tế học người Pháp Jean Tirole đã được trao giải thưởng Nobel Kinh tế với công trình nghiên cứu về sức mạnh thị trường và các luật lệ quản lý các doanh nghiệp độc quyền.

Sau khi được “tách làm ba” năm ngoái, năm nay giải thưởng Nobel Kinh tế đã được dành cho một người chiến thắng duy nhất: Jean Tirole - nhà kinh tế học người Pháp đến từ ĐH Toulouse. Tirole nhận được giải thưởng danh giá này nhờ những công trình nghiên cứu kinh tế học vi mô về cách quản lý các doanh nghiệp lớn sao cho người tiêu dùng không bị tổn hại bởi các hành vi mang tính độc quyền của họ.

Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã viết về Tirole trên website của Viện: 

Jean Tirole là một trong những nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện nay. Ông ấy đã đóng góp những nghiên cứu lý thuyết quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhưng đáng chú ý nhất là ông đã tìm ra cách hiểu và quản lý những ngành xuất hiện một vài doanh nghiệp lớn đầy quyền năng. Rất nhiều ngành kinh tế đang bị thống trị bởi một nhóm nhỏ các doanh nghiệp lớn, hoặc thậm chí bởi chỉ một doanh nghiệp độc quyền. 

Nếu không được quản lý tốt, các thị trường này sẽ đem đến những kết quả không mong muốn về mặt xã hội – giá cả tăng cao vì độc quyền chứ không phải vì chi phí sản xuất tăng, các doanh nghiệp hoạt động kém hiệp quả sẽ tồn tại bằng cách chặn đường xâm nhập thị trường của các doanh nghiệp mới ra đời hoặc hoạt động hiệu quả hơn.

Từ giữa những năm 1980 cho tới nay, Jean Tirole đã đem đến “hơi thở mới” cho quá trình nghiên cứu các thất bại kể trên của thị trường. Các phân tích của ông về sức mạnh thị trường cung cấp một bộ lý thuyết đồng nhất xoay quanh các câu hỏi vốn là trung tâm của các chính sách: chính phủ nên cư xử ra sao với các vụ sáp nhập giữa các doanh nghiệp lớn hay chính phủ nên quản lý các doanh nghiệp độc quyền như thế nào?

Trước Tirole, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã tìm kiếm một bộ quy tắc chung cho tất cả các ngành. Họ tán thành các quy định chính sách đơn giản như áp trần giá cho doanh nghiệp độc quyền và cấm hai đối thủ hợp tác với nhau trong khi cho phép sự hợp tác giữa các công ty nằm ở vị trí khác nhau trong chuỗi giá trị. Tirole chỉ ra rằng về lý thuyết, các quy định này có thể đem lại hiệu quả trong điều kiện hiện tại. Tuy nhiên, tình trạng lợi bất cập hại xuất hiện. Kiểm soát giá tạo động lực cho các doanh nghiệp độc quyền giảm chi phí sản xuất (điều tốt cho xã hội) nhưng cũng cho phép doanh nghiệp có lợi nhuận vượt trội (không tốt cho xã hội). Một công ty thâu tóm nhà cung cấp của nó có thể giúp đẩy mạnh sáng tạo, nhưng cũng bóp méo sự cạnh tranh trên thị trường. 

Vậy thì, đâu là cách tốt nhất để quản lý các thị trường này? Với hàng loạt bài viết và cuốn sách đã xuất bản, Jean Tirole vạch ra bộ khung cho việc thiết kế chính sách và đã áp dụng khung này vào một số ngành (từ viễn thông đến ngân hàng). Theo đó, các chính phủ có thể cải thiện tình hình bằng cách khuyến khích các ông lớn trong ngành hoạt động hiệu quả hơn đồng thời ngăn chặn mọi hình thức làm tổn hại đối thủ cạnh tranh cũng như người tiêu dùng. 

Không giống như những nhân vật đã từng nhận giải Nobel trước đó như Robert Engle và Clive Granger (2003) hay Lars Peter Hansen (2013) là những người đã phát triển các phương pháp toán kinh tế mới khá dễ hiểu, nghiên cứu của Tirole có liên quan trực tiếp đến các vấn đề chính sách ở thời điểm hiện tại. Đáng chú ý hơn, các ý tưởng về cách quản lý những ngành bị thống trị bởi chỉ một doanh nghiệp lớn giúp tạo ra những chiến lược mới đối phó với các công ty độc quyền trên thị trường, điển hình là Google.  

Hồi tháng 3, tờ The Economist cũng đã đưa ra nhận định các lý thuyết của Tirole có thể giúp chúng ta hiểu được các bước đột phá có thể tác động đến thị trường như thế nào (ví dụ mà Economist đưa ra là ứng dụng Uber kết nối khách cần đi taxi và các tài xế taxi với nhau).

Jean Marcel Tirole (sinh ngày 9/8/1953) là một giáo sư kinh tế người Pháp. Ông nghiên cứu về các vấn đề như cấu trúc của các ngành kinh tế, lý thuyết trò chơi, tài chính ngân hàng, toán kinh tế và tâm lý học. Ông là Chủ tịch Quỹ Jean-Jacques Laffont Foundation tại Trường Kinh tế trực thuộc ĐH Toulouse, đồng thời là giám đốc khoa học của Viện Kinh tế Công nghiệp ở in Toulouse. 

Sau khi tốt nghiệp École Polytechnique (ĐH Bách Khoa của Pháp) và nhận bằng Tiến sĩ từ Viện Công nghệ Massachusetts năm 1981, ông làm công tác nghiên cứu tại l'École nationale des ponts et chaussées cho tới năm 1984. Từ năm 1984 đến 1991, ông là Giáo sư kinh tế tại MIT. Dù hiện công tác ở Pháp, ông vẫn có mối quan hệ gắn bó với MIT. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên