Nới lỏng tiền tệ, Trung Quốc có thể mắc “bẫy thiên nga đen”
"Bẫy thiên nga đen" là từ dùng để miêu tả hiện tượng kinh tế không thể nào dự đoán được các tác động, diễn biến và hiệu ứng gây ra từ một chính sách.
- 20-04-2015NHTW Trung Quốc hạ mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc
- 17-04-2015Trung Quốc: Cải cách vội vàng thổi căng bong bóng tài chính
- 15-04-2015Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7% trong quý I
Chính sách cắt giảm tỷ lệ dữ trự bắt buộc của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có hiệu lực từ 20/4. Hơn 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương dương gần 200 tỷ USD) vừa được bơm vào thị trường nhằm thúc đẩy kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, Trung Quốc sẽ rơi vào “Bẫy thiên nga đen” sau chính sách này.
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ lần thứ 2 trong năm, cho phép các ngân hàng có tỷ lệ dự trữ giảm xuống 1%. Thậm chí, giới chức nước này còn cho biết, đây chỉ mới là một phần kế hoạch bơm lượng tiền khổng lồ vào thị trường, nhằm thúc đẩy nền kinh tế thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại.
Động thái này xuất hiện sau khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng GDP quý 1 chỉ đạt 7%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây của ANZ, các nhà phân tích đưa ra lời cảnh báo rằng chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc có thể tạo ra sự kiện “Black Swan” – "Bẫy thiên nga đen" trong kinh tế.
Thuật ngữ “Black Swan” được khởi xướng bởi Nassim Nicholas Taleb, một giáo sư tài chính và nhà đầu tư tại Wall Street. Nó dùng để miêu tả hiện tượng kinh tế không thể nào dự đoán được các tác động, diễn biến và hiệu ứng gây ra từ một chính sách.
“Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc giống như tiếp thêm dầu vào lửa cho thị trường chứng khoán đang bùng nổ. Nếu không có thêm các quy định hợp lý, số tiền bơm vào thị trường từ chính sách này có thể dẫn đến bong bóng đầu cơ trên thị trường chứng khoán và tạo thành “bẫy thiên nga đen” cho hệ thống tài chính của Trung Quốc”, bản báo cáo viết.
Viễn cảnh khủng hoảng, rối loạn tài chính này không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc mà có thể lan rộng ra toàn cầu.
Theo Tăng Khánh