"Nụ cười" của đồng USD
Tất cả mọi con đường đều dẫn đến một đồng USD mạnh hơn.
- 15-09-2015USD tăng mạnh nhất 30 năm, ai có thể cản đà?
- 24-08-2015FED: Đồng USD tăng giá mạnh hơn dự đoán
Đó là quan điểm của Stephen Jen, đồng sáng lập của quỹ đầu cơ SLJ Macro Partners LLP và cũng là người đã có 13 năm làm việc ở ngân hàng Morgan Stanley và giúp phát triển một học thuyết có tên gọi “dollar smile” (tạm dịch: nụ cười USD).
Theo dự báo của chuyên gia này, đồng bạc xanh sẽ tăng giá mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là so với tiền tệ của các thị trường mới nổi dù động thái nâng lãi suất của Cục dự trữ liên bang (Fed) có khiến thị trường chao đảo hay không.
“Chúng ta đang có một tình huống rất lạ lùng, khi mà nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhưng rủi ro các tài sản tài chính bị bán tháo đang ngày càng tăng lên. Đây là những điều kiện đặc biệt tích cực đối với đồng USD. Trong nhiều kịch bản, USD đều được hỗ trợ”.
Các nhà đầu tư mua vào USD với dự đoán Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ đang thu được những khoản lợi nhuận lớn. USD đã tăng giá so với đồng nội tệ của tất cả các nước chuyên xuất khẩu hàng hóa nói riêng và các nước đang phát triển nói chung. Động thái phá giá nhân dân tệ hôm 11/8 của Trung Quốc càng khiến USD tăng giá mạnh hơn vì nhà đầu tư lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giới phân tích dự báo đến cuối năm nay USD sẽ tăng giá so với hơn một nửa so với 16 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thị trường tiền tệ quốc tế. Theo Sam Diedrich, giám đốc quỹ đầu tư Pacific Alternative, có rất nhiều lý do để tin rằng đồng USD sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh trong một thời gian dài nữa, đặc biệt là so với các thị trường mới nổi.
Phân tích của Jen mô phỏng học thuyết “nụ cười USD”. Đây là học thuyết được xây dựng dựa trên một biểu đồ dự báo đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới sẽ tăng giá bất chấp kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hay suy thoái sâu.
USD vẫn tăng giá dù GDP của Mỹ tăng hay giảm
Mặc dù USD bị yếu đi vào năm 2004, khi Fed bắt đầu một chu kỳ tăng lãi suất, năm sau đó USD đã tăng giá 8,7% so với các đồng tiền chủ chốt khác mặc dù Fed tăng lãi suất cơ bản thêm 2 điểm phần trăm. Đồng tiền này lại tăng giá mạnh vào năm 2008, với chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index tăng 8,9%. 2008 là năm mà khủng hoảng tài chính đẩy nhu cầu về tài sản an toàn lên cao. Chỉ số của Bloomberg tăng 7,1% trong năm 2008.
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 7 năm không thể giúp Fed tự tin tăng lãi suất trong tháng 9 vì tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường tài chính tiền tệ trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó Mitul Kotecha – người phụ trách chiến lược tiền tệ tại ngân hàng Barclays – cho rằng thị trường sẽ chỉ ngừng kỳ vọng Fed nâng lãi suất thay vì loại trừ hoàn toàn khả năng này. Do đó các đồng tiền châu Á sẽ phải chịu sức ép rất lớn, không chỉ sức ép từ Trung Quốc mà còn cả sức ép từ dòng vốn bị rút ra và tăng trưởng kinh tế suy giảm”.
Theo ông, nội tệ của cả các quốc gia bên ngoài châu Á như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi cũng sẽ chịu nhiều áp lực. Ngoài ra còn có đồng euro.
Kể từ ngày 10/8, chỉ số theo dõi tiền tệ của 20 quốc gia đang phát triển đã giảm 4,5% so với USD, dẫn đầu bởi mức 12% của đồng real Brazil và mức 8,7% của đồng ringgit Malaysia. Còn chỉ số theo dõi tiền tệ của 10 nước sản xuất hàng hóa hàng đầu (trong đó có Australia, Nga, Brazil và New Zealand) đã giảm 5%.