MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước cờ đường sắt xuyên Lào

29-04-2013 - 15:12 PM | Tài chính quốc tế

Nếu dự án đường sắt cao tốc dài 420 km hoàn thành thì việc vận chuyển khoáng sản, tài nguyên từ Lào đến Trung Quốc sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Chính phủ Lào vừa qua đã nối lại đàm phán về kỳ hạn với Trung Quốc liên quan đến gói tín dụng trị giá 7,2 tỉ USD, tương đương gần 90% GDP của Lào. Nếu đàm phán thành công, số tiền này sẽ dùng để tài trợ cho dự án đường sắt cao tốc dài 420 km, nối tỉnh Côn Minh của Trung Quốc với thủ đô Viêng Chăn của Lào. Hiện Lào chỉ sở hữu hệ thống đường ray hết sức khiêm tốn với chiều dài chỉ 3,5 km.

Tuy vậy, cũng có nhiều tranh cãi xung quanh dự án này khi vốn đầu tư là quá lớn so với GDP của Lào.

Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng Lào sẽ không thể trả nổi chi phí cho dự án này. Tờ New York Times dẫn lời của chuyên gia tư vấn thuộc Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc cho rằng, kỳ hạn để trả khoản tín dụng này sẽ đặt tình trạng vĩ mô của quốc gia nhỏ bé này vào thế nguy hiểm và có thể đó là một sai lầm phải trả với giá đắt.

Về phía Trung Quốc, không khó để Chính phủ Trung Quốc nhận ra rủi ro trả nợ của Lào. Tuy vậy, theo phân tích của Financial Times, đường sắt này có thể mang lại lợi ích rất lớn cho các công ty Trung Quốc đang làm ăn tại đây nhưng lại gặp nhiều trở ngại do cơ sở hạ tầng yếu kém của Lào.

Năm 2012, tổng số vốn đầu tư vào Lào của các công ty Trung Quốc lên tới 3,3 tỉ USD, đưa Trung Quốc lên vị trí thứ ba trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Lào, chỉ sau Thái Lan và Việt Nam.

Các lĩnh vực mà Trung Quốc đầu tư nhiều nhất là khoáng sản, thủy điện và gỗ. Do đó, nếu tuyến đường sắt này hoàn thành, việc vận chuyển khoáng sản, tài nguyên từ Lào đến Trung Quốc sẽ thuận tiện hơn. Cũng cần lưu ý, Chính phủ Thái Lan đã dự tính xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá khoảng 75 tỉ USD từ đây đến năm 2020 để nối kết Bangkok với Viêng Chăn. Một khi đường sắt này hoàn thành, các công ty Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều hơn nữa khi kết nối được với cả Thái Lan qua đường Lào.

Ngoài Lào, Trung Quốc còn tiến vào Campuchia với những dự án cơ sở hạ tầng tương tự.

Để hiểu rõ hơn về chiến lược đầu tư của Trung Quốc và tác động đến Việt Nam, NCĐT đã trao đổi với Giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc và là một chuyên gia nghiên cứu về tình hình chính trị ở châu Á.

Ông có nhân định gì về chiến lược đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng tại Lào và Campuchia?

Trung Quốc muốn đẩy mạnh sự phát triển của các tỉnh phía Tây. Chính quyền các địa phương tiếp giáp với biên giới như Vân Nam cũng muốn đẩy mạnh việc đầu tư này để mang lại lợi ích kinh tế cho họ.

Cả chính quyền trung ương và địa phương ở Trung Quốc đều tranh thủ tìm vị thế độc quyền trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và vận tải. Điều đáng lưu ý ở đây là họ dường như không có đối thủ phương Tây nào khi hoạt động ở Lào và Campuchia. Họ có thể theo đuổi lợi ích của mình mà gần như không gặp phải giới hạn nào. Họ có thể mua chuộc các quan chức địa phương, phớt lờ các điều luật bảo vệ môi trường trong quá trình thâu tóm để đạt vị thế độc quyền về tài nguyên mà họ muốn.

Ví dụ điển hình của việc đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia để thâu tóm các quặng sắt là ở tỉnh Rovieng và PreahVihear. Cả 2 công ty là Tập đoàn Công nghiệp Khoáng sản thép và sắt Campuchia và Công ty Thiết kế Cầu Trung Quốc, đã phối hợp với nhau để đầu tư 11 tỉ USD vào việc khai khác các mỏ quặng sắt chất lượng cao. Họ xây một nhà máy thép để xử lý và chuyển sản phẩm cuối cùng xuyên qua quốc gia Campuchia nhờ vào tuyến xe lửa 400 km mà Trung Quốc xây dựng, để tới một cầu cảng rất đặc biệt trên một hòn đảo vốn được kết nối với đất liền thông qua cây cầu dài 3 km. Đây là dự án lớn nhất về cơ sở hạ tầng tại Campuchia. Và đây cũng là ví dụ điển hình về việc Trung Quốc sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình để đầu tư kiểm soát các nguồn tài nguyên đóng vai trò quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế của mình.

Tại Lào, Trung Quốc cũng sẵn lòng cung cấp khoản vay 7 tỉ USD để tài trợ dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao nối liền Côn Minh của Trung Quốc tới Viêng Chăn. Con đường này sẽ kết nối với đường sắt tốc độ cao từ Bangkok đến Viên Chăn mà Thái Lan tài trợ.

Về mặt kinh tế, việc đầu tư của Trung Quốc tại đây là việc hợp tác cả 2 bên cùng thắng khi các nguồn tài nguyên có thể được vận chuyển không những đến Trung Quốc mà còn ra thị trường thế giới.

Việt Nam sẽ có lợi gì cũng như đối mặt với nguy cơ gì trong chiến lược này của Trung Quốc?

Việc đẩy mạnh đầu tư của Trung Quốc mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Tất cả đều nhất trí về Hiệp định Thương mại Tự do giữa khối ASEAN với Trung Quốc. Một khía cạnh cần lưu ý dành cho các thành viên ASEAN là nếu họ cùng phối hợp với nhau, họ sẽ thể hiện một lực lượng đoàn kết để đối trọng với Trung Quốc và mang lại lợi ích cho thị trường 500 triệu dân của mình.

Việt Nam sẽ có lợi từ việc phát triển cơ sở hạ tầng nối kết giữa Đông Nam Á với Trung Quốc, mang đến sự phát triển cho hành lang kinh tế Đông - Tây và lợi ích có được từ việc kết nối toàn khu vực ASEAN.

Tuy vậy, cũng có những tác động tiêu cực. Trung Quốc có thể dễ dàng sử dụng sức mạnh thống trị về kinh tế để gây ảnh hưởng chính trị. Nó có thể đẩy các công ty Việt Nam ra ngoài thị trường. Việt Nam dường như không có nguồn lực nào để cạnh tranh công bằng với Trung Quốc.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có điểm yếu, bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc khoảng 13 tỉ USD. Việt Nam phụ thuộc vào thương mại với Mỹ, Nhật và cộng đồng châu Âu để xây dựng thế cân bằng với Trung Quốc. Do đó, Việt Nam phải tái cấu trúc lại nền kinh tế để thay đổi vị thế này.

Về dài hạn, nếu càng nhiều quốc gia của Đông Nam Á kết nối kinh tế với Trung Quốc, càng có nhiều lợi ích cho Trung Quốc khiến họ có động cơ phải giữ sự ổn định của khu vực này.

huongnt

Theo Nhịp cầu đầu tư

Trở lên trên