MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nytimes: Nỗi lo về kinh tế Việt Nam đang lớn dần

23-08-2012 - 16:37 PM | Tài chính quốc tế

Kinh tế Việt Nam có lẽ cần nhiều hơn “liều thuốc” bơm tiền với lãi suất thấp.

Saigon Residence, dự án tòa nhà chung cư cao cấp ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh từng được nhiều người biết đến, được xây đến tầng 1 nay gần như bị bỏ hoang. Người ta chỉ còn nhìn thấy hàng đống gạch mọc rêu, thanh thép gỉ và vài người bảo vệ đã nhanh nhẹn biến nền xi măng sẵn có thành nơi gửi xe máy.

Tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam, thị trường bất động sản một thời tăng trưởng bùng nổ nay đang chững lại. Hàng trăm dự án xây dựng bị bỏ hoang, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy kinh tế đang khó khăn.

Ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, so sánh vấn đề kinh tế mà Việt Nam đang đối đầu giống như những gì mà nhiều nền kinh tế châu Á gặp phải cách đây đến 15 năm: “Tôi thấy kịch bản Thái Lan năm 1997 đang trở lại. Nhà đầu tư trên thị trường bất động sản đẩy giá lên quá cao. Họ mua nhà đất để đầu cơ chứ không phải vì nhu cầu sử dụng thực sự.”

Trong lĩnh vực ngân hàng, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch cho rằng tỷ lệ nợ xấu thực tế cao hơn so với con số do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Cũng giống như bong bóng bất động sản tại nhiều khu vực khác trên thế giới, nhà đầu tư tại Việt Nam tận dụng điều kiện tín dụng dễ dãi để xây dựng nhiều tòa nhà với hy vọng bán kiếm lời. Thế nhưng có điểm khác biệt, những nhà đầu cơ bất động sản lớn tại Việt Nam chủ yếu là tập đoàn nhà nước với nhiều mối quan hệ giúp mang lại lợi thế. Không ít trong số các công ty này đang nợ nần chồng chất.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày ngày đường vẫn liên tục tắc – dấu hiệu của việc hoạt động kinh tế sôi động. Thế nhưng đằng sau nó tồn tại thực tế đáng buồn: Người trẻ tìm việc ngày một khó hơn; trong năm vừa qua, gần 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phá sản, nhiều dự án hạ tầng bị trì hoãn hoặc hủy bỏ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết ông rất lo lắng khi Việt Nam đang đối đầu với nhiều vấn đề trong khi kinh tế toàn cầu khó khăn bởi tình trạng nợ nần và châu Âu đau đầu với thế “tiến thoái lưỡng nan” về số phận của đồng euro.

Lĩnh vực tư nhân hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế; Việt Nam xuất khẩu mạnh mặt hàng quần áo và giầy dép sang thị trường Mỹ, thế nhưng nguồn tiền từ bên ngoài vào Việt Nam đang chững lại.

Người trẻ Việt nay tìm việc rất khó khăn. Ở ngoại ô Hà Nội, anh Nguyen Duy Huong, con một gia đình làm nông, cố gắng tìm việc làm sửa chữa máy tính trong tuyệt vọng. Anh nói: “Chỗ nào cũng yêu cầu người đã có kinh nghiệm. Họ không chấp nhận học việc.” Cũng giống như nhiều người trẻ khác tại Việt Nam, anh Huong sống ở ranh giới của nền kinh tế công nghệ thông tin và kinh tế nông nghiệp.

Tất nhiên vấn đề mà người lao động trẻ Việt Nam phải đối đầu không thể tồi tệ như người trẻ Tây Ban Nha hay Hy Lạp nhưng phải khẳng định điều kiện trên thị trường việc làm đã khắc nghiệt hơn trước rất nhiều.

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp để cứu nền kinh tế: thắt chặt cung tiền để giảm lạm phát xuống dưới mức 2 con số và sau đó hạ lãi suất để hồi sinh nền kinh tế. Các ngân hàng vẫn vô cùng thận trọng, một phần bởi nhiều khách hàng đã mất khả năng trả nợ. Nguồn cung tín dụng trong nền kinh tế đang giảm sút, tiêu dùng kém; các siêu thị công bố doanh số bán hàng giảm từ 20 đến 30%.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng kinh tế Việt Nam cần nhiều hơn “liều thuốc” bơm tiền với lãi suất thấp.

Cũng giống như Mỹ, “sức khỏe” của kinh tế Việt Nam phụ thuộc phần nào và sự hồi sinh của thị trường bất động sản. Nguồn cung văn phòng cho thuê tại thành phố Hồ Chí Minh hiện quá dư thừa. Ông Nguyễn Duy Lâm, giám đốc công ty xây dựng và bất động sản Pacific Real, khẳng định hoạt động trên thị trường bất động sản hiện đang đóng băng.

Với hy vọng thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, một vài quan chức tại thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất về việc mở cửa thị trường bất động sản cho Việt kiều.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Nytimes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên