MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Obama gây sốt ở Myanmar

19-11-2012 - 07:28 AM | Tài chính quốc tế

Với hình ảnh xuất hiện trên những chiếc áo thun, những cái cốc và thậm chí trên cả những bức tường có hình vẽ theo kiểu graffiti, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang gây nên cơn sốt tại Myanmar.

Obama hôm nay tới thăm Myanmar trong một chuyến thăm lịch sử. Ông là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm quốc gia từng bị cách biệt với thế giới bên ngoài suốt một thời gian dài.

Những người dân trên các con phố của Yangon, thủ đô cũ và là thành phố lớn nhất của Myanmar, cùng thể hiện hy vọng rằng chuyến thăm lịch sử của ông Obama sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình cải cách của nước này.

"Tôi nghĩ chuyến thăm của ông ấy sẽ giúp nhiều cho con đường tới dân chủ của chúng tôi và khích lệ chính phủ Myanmar tiếp tục tiến trình cải cách", một người bán hàng 28 tuổi có tên Thant Zaw Oo nói. "Tôi muốn nói với Tổng thống Obama rằng ông ấy hãy thúc giục chính phủ Myanmar tiếp tục con đường dân chủ một cách kiên định và hướng tới nhân quyền toàn diện, điều mà đất nước tôi cần".

Những người bán hàng rong đang bán những lá quốc kỳ Mỹ trong khi họa sĩ địa phương Arkar Kyaw bận bịu với việc vẽ tranh kiểu graffiti lên những bức tường của Yangon, với hình ảnh nụ cười tươi của tổng thống Mỹ và câu "Chào đón Obama". Đây là một điều không thể hình dung cho mãi tới tận gần đây ở một quốc gia mà nhiều thập kỷ liền được lãnh đạo bởi những vị tướng vốn không được lòng phương Tây.

Một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm của ông Obama sẽ là bài phát biểu quan trọng tại đại học Yangon, một biểu tượng của những chương đã qua trong phong trào sinh viên nổi dậy đòi dân chủ ở Myanmar, trong đó có những cuộc biểu tình lớn vào năm 1988 kết thúc trong sự trấn áp đẫm máu của quân đội. Những lãnh đạo quân đội của Myanmar khi đó đã đóng nhiều học xá và đưa nhiều đại học ra khỏi các thành phố, trong nỗ lực làm suy yếu ảnh hưởng của giới sinh viên.

Có những hy vọng rằng chuyến thăm của ông Obama có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi sinh của hệ thống giáo dục bậc cao tại Myanmar, vốn bị rơi vào tình trạng không tốt suốt nhiều thập kỷ dưới sự lãnh đạo của giới quân sự.

Một sinh viên có tên Kaung San ở Yangon cho biết anh hy vọng chuyến thăm của ông Obama sẽ giúp Myanmar được chấp nhận và được nhận biết nhiều hơn bởi cộng đồng quốc tế. "Sau chuyến thăm, nền kinh tế của chúng tôi sẽ trở nên thông thoáng hơn. Và bởi vì Mỹ ưu tiên vấn đề nhân quyền, đất nước của chúng tôi sẽ có những tiêu chuẩn tốt hơn về quyền cũng như sự dân chủ sẽ phát triển".

Cảnh sát vũ trang được thấy nhiều trên những con đường của Yangon, một sự hiện diện an ninh hiếm có kể từ thời chính quyền quân sự. Nhưng điều này không gây cản trở gì cho một đội quân những người quét dọn, những người làm vườn và những họa sĩ đang làm tăng sức nóng bằng cách làm đẹp tuyến đường được cho là sẽ có đoàn xe của ông Obama đi qua.

Các công nhân cũng đang dọn dẹp khu vực quanh tòa nhà nghị viện địa phương ở Yangon, nơi ông Obama sẽ gặp Tổng thống Myanmar Thei Sein, một cựu tướng lĩnh đồng thời là người tiên phong cho hàng loạt cải cách chính trị nhanh chóng tại nước này kể từ năm ngoái. Tổng thống Mỹ cũng sẽ gặp người cũng từng được nhận giải Nobel Hòa bình như ông, nữ lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi tại một dinh thự ven hồ, nơi bà bị giam lỏng bởi chính quyền quân sự trong nhiều năm.

Bất chấp những thách thức vẫn còn rơi rớt lại, các quốc gia phương Tây đã và đang bắt đầu rút dần những lệnh trừng phạt kinh tế với Myanmar, giúp mở ra những cánh cửa cho sự trở lại của các công ty nước ngoài như Coca Cola hay Pepsi tại thị trường Myanmar. Đây là điều được nhiều người Myanmar chờ đợi.

"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có thể dùng những hàng hóa mang thương hiệu Mỹ nhiều hơn trước", tài xế taxi Aung Thu Cho nói. "Tôi thích những chiếc quần Levi. Tôi hy vọng những nhà hàng như McDonald's sẽ sớm có ở đây".

Theo Hà Giang
VnExpress

huongnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên