Olympics 2012: Thế vận hội của các nhà tài trợ?
Quá nhiều hạn chế theo yêu cầu của các nhà tài trợ khiến cho các nhà phê bình cho rằng Olympic London 2012 không còn chia sẻ tinh thần Olympics thật sự mà ngấp nghé trở một chiến dịch tuyên truyền của các thương hiệu.
Thế vận hội của các… nhà tài trợ?
Ngày 27/7 vừa qua, hàng tỷ người xem truyền hình trên gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã dán mắt vào ti vi xem lễ khai mạc sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Với 26 môn thi đấu, 10.500 vận động viên và 11 nhà tài trợ toàn cầu, Thế vận hội London 2012 là một sự kiện ngoạn mục.
Mỗi ngày đều có một chương trình đầy cảm hứng về cuộc rước đuốc trên truyền thông Anh. Nhưng bất cứ ai đứng xem rước đuốc đều phải ngóng cổ chờ đợi trong khi một đoàn xe của ba nhà tài trợ cuộc rước đuốc là Coca-Cola, Lloyds TSB và Samsung ồn ào và ầm ĩ át tiếng người bình luận trước khi người rước đuốc thực sự đến. Điều này khiến cho mọi người nhận thấy rằng các yếu tố thương mại đã trở thành một phần quan trọng của Thế vận hội.
Mùa Olympics này, McDonald’s cũng sẽ là một ngôi sao tài trợ nổi bật khi mà dựa trên những hợp đồng độc quyền ký với Ủy ban Olympics Quốc tế (IOC), thương hiệu đồ ăn chiên rán duy nhất bạn có thể mua tại công viên Olympics Park là từ McDonald’s.
Công viên Olympics Park cũng mở một nhà hàng McDonald’s lớn nhất thế giới, rộng gần 10.000 m2, có chỗ ngồi dành cho 1.500 thực khách. Và loại đồ uống lạnh không cồn duy nhất giúp bạn thỏa mãn cơn khát của mình chỉ có thể là các sản phẩm của Coca-Cola.
Quả có phi lý khi mà sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, đại diện cho những cuộc thi tôn vinh cơ thể con người, được nuôi dưỡng và tập luyện đúng cách, có thể đạt được những thành tựu thể thao phi thường, lại đầy rẫy những hình ảnh của một số nhà tài trợ cho Olympics Games như McDonald’s, Coca-Cola và Cadbury - những công ty nổi tiếng với những sản phẩm thực phẩm và đồ uống chứa quá nhiều calo lâu nay vẫn bị cho là góp phần tạo nên nỗi ám ảnh “béo phì”.
Tuy vậy, điều này cũng không có gì là khó hiểu khi các hợp đồng tài trợ đã huy động gần 670 triệu Bảng cho nhà tổ chức Olympics, là nguồn chính cung cấp cho 9,3 tỷ Bảng đầu tư vào Thế vận hội và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ quan trọng làm nền tảng biến Olympics tại London trở thành hiện thực.
Nếu Bắc Kinh từng được coi là một trong những Thế vận hội thương mại nhất trong lịch sự thì Olympics London 2012 có thể vượt qua Trung Quốc trong lĩnh vực tài trợ.
Trong số tất cả các hợp đồng tài trợ thể thao trên thế giới kể từ năm 2007, hợp đồng tài trợ lớn thứ ba phải kể đến là “tấm séc” mà Adidas đã viết cho ủy ban tổ chức London khi mà nhà sản xuất đồ thể thao này đã trả một khoản lên tới 100 triệu Bảng trong vòng năm năm để có thể gắn thương hiệu của mình với Olympics London 2012.
Hợp đồng tài trợ này chỉ thua khoản tài trợ 200 triệu Bảng mà ngân hàng Barclays tuyên bố sẽ trả trong vòng 20 năm để có quyền đặt tên sân vận động thi đấu bóng rổ New Jersey Nets và khoản tài trợ trị giá 150 triệu Bảng mà Adidas chi cho hợp đồng 10 năm với đội bóng Đức.
Ngân hàng Lloyds TSB cũng ký kết với Locog - nhà tổ chức Olympics London 2012 một hợp đồng tài trợ trị giá 80 triệu bảng. Hợp đồng tài trợ của EDF, nhà cung cấp năng lượng Pháp và Panasonic đều ở con số 50 triệu bảng. British Airway cũng tiết lộ khoản tài trợ lớn nhất của hãng này lên tới 40 triệu bảng.
Việc tài trợ đã trở nên ngày càng quan trọng trong những năm gần đây, cả với các thương hiệu và cơ quan tổ chức sự kiện. Trong khi tại tất cả các thành phố, từ châu Âu tới Mỹ, việc cắt giảm chi tiêu và thắt lưng buộc bụng đã trở thành một thực tế chính trị trong bốn năm qua thì các hợp đồng tài trợ có vai trò quan trọng nhất định trong việc chính phủ Anh không tiếc tay chi những khoản tiền khổng lồ bất chấp việc nước này đang trong suy thoái sâu và chính phủ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng.
Chi phí dự tính ban đầu cho Olympics London 2012 gần 4 tỷ bảng của chính phủ Anh đã lên tới 9,3 tỷ bảng.
Locog cho biết để chuẩn bị cho Thế vận hội, nhà tổ chức phải huy động ít nhất 700 triệu bảng tiền tài trợ. IOC cũng khẳng định nếu không có sự hỗ trợ của các đối tác thương mại chính thức, Thế vận hội có thể không thể diễn ra. Gerhard Heiberg, chủ tịch Ủy bản Marketing IOC nói: “Sự hỗ trợ của các đối tác cho phép nhiều vận động viên từ nhiều nước hơn tham gia vào Thế vận hội và họ cũng cung cấp các dịch vụ và nguồn lực là động lực thúc đẩy Olympics Movement.”
Bảo vệ thương hiệu London 2012: Vì thể thao hay vì nhà tài trợ?
Tuy nhiên, chân lý “không có gì là miễn phí” luôn đúng khi mà các nhà tài trợ đòi hỏi những biện pháp để đảm bảo quyền lợi của họ. Quá nhiều hạn chế theo yêu cầu của các nhà tài trợ khiến cho các nhà phê bình cho rằng Thế vận hội London 2012 không còn chia sẻ tinh thần Olympics thật sự mà ngấp nghé trở một chiến dịch tuyên truyền của các thương hiệu.
Chính phủ Anh thậm chí còn thông qua một bộ luật mới - Luật London Olympics Games and Paralympic Games 2006. Bộ luật này cùng với Luật (bảo vệ) biểu tượng Olympics 1995 đã mang lại mức độ bảo vệ đặc biệt cho Thế vận hội và các nhà tài trợ của mình. Ngoài các nhà tài trợ chính thức có quyền sử dụng hình ảnh và biểu tượng của Thế vận hội, luật cấm các tổ chức không phải là nhà tài trợ sử dụng hình ảnh hoặc từ ngữ có thể gợi sự liên hệ tới Thế vận hội.
IOC lo ngại, số người béo phì ngày càng gia tăng trên toàn cầu có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Olympics nếu còn nhận tài trợ từ McDonald’s. |
Những từ ngữ được bảo vệ được chia làm hai nhóm. Nhóm A: Thế vận hội (Games), 2012, 20-12 và nhóm B gồm London, Huy chương (Medals), Nhà tài trợ (Sponsors), Summer (Mùa hè), Vàng (Gold), Bạc (Silver), Đồng (Bronze). Nếu sử dụng hai từ trong nhóm A hoặc một từ trong nhóm A và một từ trong nhóm B thì bạn rất có thể vi phạm luật bảo vệ tài trợ của Olympics. Các quy định bảo vệ tài trợ đã dẫn đến nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Dennis Spurr, chủ một cửa hàng thịt tại Weymouth, Dorset đã phải dỡ bảng hiệu có hình ảnh 5 vòng tròn xúc xích, giống hình dạng logo của Olympics, viết số 2012 ở dưới. Ông đã phải đổi những hình tròn sang hình vuông và thay số 2012 thành 2013.
Trường đại học Derby đã phải buộc phải hạ biểu ngữ “Ủng hộ Olympics London” xuống và tháng trước, David Bintley, giám đốc nghệ thuật của Birmingham Royal Ballet đã buộc phải đổi tên tác phẩm mới nhất của mình từ Faster, Higher, Stronger (Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn) - khẩu hiệu của Olympics sang “Faster”.
Theo các quy định bảo vệ tài trợ, các vận động viên không được vào blog đăng bài về bữa sáng làm từ ngũ cốc hoặc các đồ uống nếu chúng không được cung cấp từ nhà tài trợ chính thức trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội, hay đăng clip trong khu ở của vận động viên trên blog hoặc Youtube.
Không một nội dung âm thanh hoặc hình ảnh nào từ trong bất kỳ địa điểm Olympics nào có thể được đăng tải trên bất kỳ trang mạng nào. Các vận động viên “không được đưa tin về cuộc thi hoặc bình luận về các hoạt động của những người tham dự khác.”
Các công ty và doanh nghiệp không phải là nhà tài trợ thì không được nói: “Ủng hộ các vận động viên của chúng ta tại Thế vận hội 2012!”, sử dụng các hình ảnh có liên hệ tới Olympics London 2012 hoặc tài trợ vé.
Những người chỉ trích đã lên tiếng cáo buộc “chính sách thương hiệu Olympics” của nhà tổ chức Locog. David Thorp, thuộc Viện Marketing nói: “Mặc dù Olympics có quyền để bảo vệ thương hiệu và tài sản đã đăng ký của mình, thì có vẻ như nhà tổ chức đã đi quá xa trong việc bảo vệ các nhà tài trợ của mình trong Thế vận hội London 2012. Việc cấm sử dụng những từ ngữ thường ngày chỉ gây tổn hại cho hàng nghìn các doanh nghiệp nhỏ.”
Đã từng có lúc Olympics chỉ mang tính tài tử và niềm vui thể thao. Nhưng dường như vòng tròn thương mại rõ rệt xung quanh một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này đã biến Olympics trở thành “con công sặc sỡ” những sắc màu của các nhà tài trợ!
McDonald’s, một trong những nhà tài trợ cho Olympics London 2012 đã mở một cửa hàng McDonald’s lớn nhất thế giới, rộng gần 10.000 m2, có chỗ ngồi dành cho 1.500 thực khách tại công viên Olympics Park.
Các quy định bảo vệ tài trợ Olympics đã khiến Thế vận hội London 2012 không còn chia sẻ tinh thần Olympics thật sự mà ngấp nghé trở một chiến dịch tuyên truyền thương hiệu của các nhà tài trợ.