MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Paul Krugman, vì sao nên nỗi? (phần 3)

05-02-2011 - 09:34 AM | Tài chính quốc tế

Nếu bạn tin rằng lập luận của Keynes về gói kích thích là đúng thì bạn nên coi Bernie Madoff là người hùng

Gói kích thích

Trên hết, Krugman thích kích thích tài khóa. Để đi tới điều đó, ông ta buộc tội chúng tôi cũng như toàn giới kinh tế đã “nhầm lẫn giữa sự thật và cái đẹp.” Ông ta không nói rõ “cái đẹp” mà chúng tôi hướng tới là cái gì và vì sao mọi người nên tránh xa nó. Cái đẹp đầu tiên là tính nhất quán logic. Kinh tế học trường phái Keynes của Paul yêu cầu con người thực hiện các kế hoạch phi logic như tiêu dùng nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn, đóng thuế nhiều hơn trên cùng một mức thu nhập. Cái đẹp thứ hai là giả định hợp lý về hành vi con người. Kinh tế học theo Keynes yêu cầu chính phủ lừa gạt dân chúng một cách có hệ thống hết lần này tới lần khác. Nó giả định rằng con người không tính tới tương lai khi ra quyết định trong hiện tại. Tính nhất quán logic và những giả thuyết nền tảng hợp lý thực sự là “đẹp”, nhưng với tôi, đó còn là điều kiện tiên quyết cho “sự thật” nữa.

Trong kinh tế học, chi tiêu kích thích dựa trên định lý đẳng giá của Robert Barro. Định lý này cho rằng tài trợ cho chi tiêu từ chính phủ từ vay nợ hay từ tăng thuế đều có tác động như nhau. Dân chúng biết thuế sẽ phải tăng để chính phủ trả nợ nên đơn giản là tiết kiệm nhiều hơn. Họ sẽ mua trái phiếu chính phủ và không thay đổi quyết định chi tiêu. Định lý trên có đúng không? Đó là một suy luận logic từ một loạt những chữ “nếu” tới một loạt những chữ “thì”. Ngay cả Paul cũng không thể phản đối được điều đó.

Do đó, chúng ta phải xem xét những chữ “nếu” này. Và những chữ “nếu” đó rõ ràng là không đúng. Ví dụ như định lý trên giả định có một mức thuế tuyệt đối chứ không phải tính theo thuế suất. Than ôi, nếu tính tới điều đó thì chi tiêu từ thâm hụt ngân sách đều khiến chúng ta nghèo đi, vì thế số nhân chi tiêu nhiều khả năng sẽ là âm. Định lý này (như đa phần kinh tế học theo Keynes) lờ đi cấu thành của sản lượng, nhưng chắc chắn chính phủ chi tiêu vào đường xá thay vì xe cộ là có ảnh hưởng khác nhau.

Giới kinh tế đã dành cả một thế hệ lật đi lật lại định lý đẳng giá này, và ước định các tác động có thể xảy đến của kích thích tài khóa, khái quát hóa những chữ “nếu” và tìm hiểu xem nó sẽ dẫn đến những chữ “thì” nào. Đó mới là cách nghiên cứu chính xác. Điều rút ra từ định lý trên không phải là cái tiêu chuẩn trừu tượng của nó đơn giản là đúng. Điều cần phải rút ra là sau đó, nếu muốn hiểu tác động của chi tiêu chính phủ, bạn phải chỉ rõ ra nó sai ở đâu. Sau khi làm như vậy, bạn sẽ đi tới kết luận hoàn toàn khác với kinh tế học theo trường phái Keynes. Nó sẽ khiến bạn phải cân nhắc tới thuế tương đối, người ta quan tâm tới con cái mình thế nào, bao nhiêu người muốn vay mượn nhiều hơn cho tiêu dùng hiện tại, v.v… Và khi bạn tìm thấy “các khuyết tật thị trường” có thể giải thích được cho một số nhân chi tiêu thì phân tích tối ưu chính sách cho rằng nên sửa chữa khuyết tật đó chứ không phải lợi dụng nó nhờ số nhân chi tiêu chính phủ. Phần lớn các phân tích theo trường phái “Keynes mới” có bổ sung các khuyết tật đó đều không tính ra một số nhân chi tiêu lớn.

Đó mới là cách tư duy thực sự về gói kích thích. Không ai, không bao giờ lại đi ‘khẳng định rằng tăng chi tiêu chính phủ không thể, dưới bất kỳ điều kiện nào, làm tăng việc làm.” Chẳng có ý kiến nghiêm túc nào lại đi ủng hộ điều này, và Krugman hiểu điều đó. Nhưng đi theo hướng suy nghĩ trên và giải thích được nó mệt mỏi hơn nhiều so với bôi nhọ đối thủ bằng những câu trích dẫn ngoài văn cảnh, bóng gió về đạo đức hay mấy bức tranh minh họa ngớ ngẩn.

Thực tế, tôi ngờ rằng chính Krugman cũng không hoàn toàn tin vào logic về kích thích kinh tế của trường phái Keynes. Tôi không nghĩ ông ta sẽ theo hướng đó để đi tới kết luận không thể tránh khỏi. Gói kích thích ắt phải có cái gì khác hấp dẫn ông ta.

Nếu bạn tin rằng lập luận của Keynes về gói kích thích là đúng thì bạn nên coi Bernie Madoff là người hùng. Ông ta lấy tiền của những người đang tiết kiệm, đưa cho những người chắc chắn sẽ tiêu sạch. Cứ mỗi đôla được chuyển giao, theo Krugman, sẽ tạo ra thêm 1,5 đôla nữa trong thu nhập quốc dân.

Hơn nữa, Madoff không lấy tiền của người tiết kiệm, về cơ bản là ông ta đi vay rồi đưa cho người cho vay một tài khoản giả mạo với lời hứa chúng sẽ giúp kiếm nhiều lợi nhuận. Quá giống kiểu vay nợ của chính phủ.

Nếu tin vào lập luận về kích thích của trường phái Keynes, bạn sẽ không quan tâm tiền được tiêu như thế nào. Tất cả những khoa trương về “cơ sở hạ tầng,” giám sát, đầu tư khôn ngoan, “tạo” việc làm, v.v… đều vô nghĩa. Keynes cho rằng chính phủ nên trả tiền cho người ta đào một cái hố lên rồi lấp nó lại.

Nếu tin vào kích thích kinh tế theo trường phái Keynes, bạn thậm chí còn chẳng quan tâm tới việc chi tiêu chính phủ bị thất thoát. Thực ra mà nói thì thế còn tốt hơn. Bọn trộm cướp có tiếng là thoải mái chi tiêu.

Khủng hoảng

Bài viết của Krugman có chủ đề cuộc khủng hoảng và suy thoái đã thay đổi suy nghĩ của chúng ta như thế nào và giới kinh tế phải nói gì về điều đó. Điều bất ngờ nhất trong toàn bài viết là Paul Krugman rõ ràng không có ý kiến gì về nguyên nhân của khủng hoảng, chính sách nào đã có thể ngăn chặn nó và chúng ta nên thi hành chính sách nào trong tương lai. Dường như ông ta hoàn toàn không biết đến rất nhiều nghiên cứu của những nhà kinh tế thực sự biết chút gì đó về hệ thống tài chính ngân hàng và đã tư duy về chúng trong suốt một thế hệ.

Tất cả những gì ông ta nói là: “sự phi lý” khiến thị trường đi lên rồi đi xuống. Sau đó “chi tiêu” vì một lý do không rõ ràng nào đó mà giảm xuống (mà có lẽ cũng là “sự phi lý”). Nói tóm lại toàn bộ khuyến nghị chính sách của ông ta là sau đó chính phủ liên bang nên tiêu tiền như một anh thủy thủ say rượu.

Ông Paul à, có một cuộc khủng hoảng tài chính, suýt nữa thì xảy ra một cuộc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng theo kiểu cổ điển (bank-run). Trung tâm của cuộc khủng hoảng lần này không phải là thị trường cổ phiếu hay bất động sản tương đối tự do mà là khối ngân hàng thương mại được giám sát cực kỳ chặt chẽ. Một thế hệ các nhà kinh tế đã suy nghĩ rất sâu về những sự kiện kiểu như thế. Hãy nghĩ tới những Diamond, Rajan, Goron, Kashyap, Stein, v.v… Họ đã nghĩ về việc tại sao lại có nhiều nợ ngắn hạn đến thế, vì sao lại có rút tiền hàng loạt, bảo hiểm tiền gửi và bảo đảm tín dụng có tác dụng thế nào, và chúng khuyến khích chấp nhận rủi ro quá mức như thế nào.

Nếu muốn nghĩ tới những chính sách và sự kiện gần đây, những chuyện đó chẳng hề nhỏ chút nào. Trọng tâm của những tranh luận chính sách gay gắt trong năm vừa qua là làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Còn trọng tâm hiện nay là nên tạo lập động cơ làm việc cho ngân hàng và các tổ chức tài chính như thế nào để khủng hoảng không lặp lại lần nữa.

Krugman thậm chí chẳng có gì để viết về FED. Ben Bernanke năm ngoái đã nỗ lực rất nhiều chứ không chỉ đưa lãi suất mục tiêu về 0 rồi đi nghỉ và đợi chính sách tài khóa phát huy hiệu quả. Ngoài một loạt các gói cứu trợ, FED bắt đầu cho các công ty chứng khoán vay có kỳ hạn. Sau đó, thay vì mua trái phiếu chính phủ bằng vốn dự trữ, FED bán trái phiếu chính phủ để lấy các khoản nợ tư nhân. Mặc dù lãi suất mục tiêu đã cận mức 0, nhưng FED chú ý tới chênh lệch lãi suất rất lớn trong thị trường thương phiếu và nợ chứng khoán hóa. Không còn cái gọi là lãi suất “cơ bản” nữa, FED đang cố điều tiết tất cả các loại lãi suất. Gần đây FED bắt đầu mạnh tay mua vào trái phiếu bảo đảm bằng một danh mục cho vay thế chấp và trái phiếu chính phủ dài hạn.

Chính sách tiền tệ nay không còn là mối quan hệ “tiền” và “trái phiếu”, với chữ “trái phiếu” được hiểu là toàn bộ các chứng khoán nợ. Chính sách tiền tệ đã trở thành chính sách tài chính với tầm ảnh hưởng rộng lớn. Nó có tác dụng không? Nguy cơ là gì? Với vai trò mới FED có thể vẫn độc lập? Đó là những câu hỏi trong thời đại của chúng ta. Krugman đã nói gì nào? Chẳng gì cả.

Krugman đang nói rằng một nhóm những kẻ lập dị đã làm lóa mắt toàn bộ giới nghiên cứu kinh tế vĩ mô với vẻ đẹp trong những phương trình của họ, tới mức làm cho các chính sách tê liệt. Than ôi, giá mà được như thế. Sự thực đau buồn là ít ai ở Washington dành được chút chú ý nào tới nghiên cứu kinh tế vĩ mô hiện đại. Trường phái Keynes giản đơn của Paul đã thống trị quá trình phân tích chính sách trong hàng thập kỷ nay và điều đó vẫn tiếp diễn. Từ CEA, tới FED, tới OMB và CBO, mọi người đều đơn giản cộng tiêu dùng, đầu tư và “cầu” từ chính phủ để dự báo sản lượng và sử dụng đường cong Phillips đơn giản khi nghĩ về lạm phát. Nếu có một tư tưởng sai lầm đẻ ra các chính sách tai hại, thì đó chính là tư duy giản đơn của trường phái Keynes.

Minh Tuấn

Theo Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên