MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá giá nhân dân tệ đặt dấu chấm hết cho sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu

13-08-2015 - 15:18 PM | Tài chính quốc tế

Trong suốt hơn 21 năm qua, Trung Quốc luôn được tán thưởng là nước có chế độ tỷ giá ổn định. Nhưng sau khi IMF tỏ thái độ không mặn mà với đồng nhân dân tệ. Trung Quốc chính thức công bố phá giá đồng nhân dân tệ. Cho đến hôm nay, đồng nhân dân tệ giảm ngày thứ ba liên tiếp.

Suốt hai thế kỷ qua, đồng nhân dân tệ đã trở thành mỏ neo vững chắc giúp nền kinh tế toàn cầu bớt chòng chành, kiềm chế khủng hoảng châu Á và rộng hơn là toàn cầu bằng chế độ tỷ giá cố định. Đồng nhân dân tệ giữ ổn định khá tốt ngay cả khi các đồng tiền khác trong khu vực tuột giá.

Nhưng kỷ nguyên đó đã kết thúc.

Hôm nay, đồng nhân dân tệ giảm giá thêm 1,1%, nâng tổng mức giảm lên hơn 4%. Ngay sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ thả nổi đồng tiền theo điều tiết của thị trường, đồng nhân dân tệ đã chính thức chạm đáy giảm sâu nhất trong suốt 21 năm. Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cũng nhanh chóng đưa ra những phản ứng đáp trả. Hôm qua, NHNN Việt Nam đã nâng biên độ tỷ giá USD/VND lên +/-2%, hòa chung cùng xu thế giảm giá các đồng tiền khác trong khu vực như đô la Sing và đồng won Hàn Quốc.

Đồng nhân dân tệ trượt giá kích hoạt cơn phá giá cạnh tranh, cùng với sự giảm giá hàng loạt hàng xuất khẩu đe dọa một cú sốc giảm phát trên toàn cầu sắp xảy ra. Morgan Stanley phát biểu hôm qua rằng: “Áp lực giảm phát ngành xuất khẩu Trung Quốc hoàn toàn không phải là một sự kiện bên lề.”

Bên cạnh đó, Stephen Jen – đồng sáng lập quỹ đầu tư SLJ Macro Partners LLP cũng cho biết: “Cho đến trước ngày 11/8, gánh nặng của đồng tiền mạnh vẫn được cho là đang đè lên cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng có vẻ người Mỹ thích nhìn thấy Mỹ đơn độc chống đỡ hơn là có sự tham gia của Trung Quốc.”

Đồng nhân dân tệ phá giá cũng có thể coi là động thái nhằm hối thúc IMF trao cho nhân dân tệ vị thế Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs). Tuy nhiên, ngay sau khi Trung Quốc ra quyết định phá giá thì IMF cũng tuyên bố động thái này không có tác động trực tiếp vào cơ hội tham gia vào rổ tiền tệ SDRs.

Ảnh hưởng giảm phát

Nhà phân tích Morgan Stanley cho biết: “Đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ làm di chuyển lợi nhuận và khối lượng hàng xuất khẩu từ các đối tác thương mại của Trung Quốc sang Trung Quốc.”

Nền kinh tế Trung Quốc cần một chính sách phá giá để cạnh tranh với các nhà sản xuất khu vực châu Á. Mà như vậy thì tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có xu hướng yếu đi bởi giá hàng hóa giảm và tốc độ lạm phát thấp.

Trong ngắn hạn, đồng nhân dân tệ để tuột mất chế độ neo căn bản sẽ khuếch đại những thách thức đối đầu với tăng trưởng toàn cầu và đồng thời gia tăng biến động cho các thị trường liên quan.

Tao Dong – trưởng nhóm chuyên gia kinh tế khu vực châu Á thuộc Credit Suisse Group AG tại Hong Kong cho biết: “Đồng tiền Trung Quốc đã từng được biết đến vì khả năng kiểm soát của mình trong suốt hai thập kỷ qua, và giờ đây thì điều đó kết thúc. Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, là khách hàng lớn nhất của hàng nguyên liệu và máy móc, và cũng là tấm gương cho các nền kinh tế khu vực châu Á".

Trung Quốc – tấm gương kinh tế

Trở lại những năm 2009, chủ tịch PBOC tuyên bố rằng kim ngạch xuất khẩu giảm là lý do tốt nhất để Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ trong suốt thời gian khủng hoảng tài chính. Nhưng thay vì tăng áp lực lên xuất khẩu, Trung Quốc quyết định duy trì giá trị đồng nhân dân tệ để cung cấp một “tỷ giá neo ở mức vừa đủ để ổn định châu Á”.

“Trong suốt khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng toàn cầu năm 2008, Trung Quốc luôn được tán thưởng nhờ giữ đồng nhân dân tệ ổn định. Nhưng hiện này, sau khi đồng nhân dân tệ không nhận được sự chào đón tương tự của IMF thì động lực duy trì ổn định cũng tan biến.” ông Chen Xingdong – chủ tịch chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại BNP Paribas SA cho biết.

Đồng nhân dân tệ phá giá sẽ ảnh hưởng dài đến các đối tác nhập khẩu vào Trung Quốc. Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia là 3 quốc gia chịu hậu quả nặng nhất. Giống như các nước nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ nhập khẩu sự giảm phát ảnh hưởng từ động thái này của đồng nhân dân tệ đến các nước châu Âu và Mỹ.

Thảo Trang

Bloomberg

Trở lên trên