MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Phục hưng "con đường tơ lụa"

13-02-2016 - 13:40 PM | Tài chính quốc tế

Được lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa có từ xa xưa dùng cho thương mại và giao lưu, "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa Trên biển thế kỷ 21" của Tập Cận Bình sẽ nối Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á, Châu Phi và cuối cùng là Châu Âu.

Trong năm 2015, cả thế giới xôn xao về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và băn khoăn nước này có thể duy trì đà cải cách và hoàn thành quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa và mở rộng dịch vụ hay không. Tuy nhiên, ở Trung Quốc niềm tin về triển vọng dài hạn của nền kinh tế vẫn không hề suy giảm. Thực vậy, mặc dù lãnh đạo Trung Quốc ý thức rõ được sự giảm tốc tăng trưởng, họ vẫn tập trung thực hiện sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này sẽ vẫn đúng cho năm 2016.

Gần bốn thập kỷ sau khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng chiến lược "cải cách và mở cửa," Trung Quốc đã đạt được vị thế nước thu nhập trên trung bình. Hiện nay Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (lớn nhất tính theo ngang giá sức mua). Nhưng lãnh đạo Trung Quốc biết rằng vẫn còn chặng đường dài phía trước để hiện thực hóa điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "Cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa". Để gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế thu nhập cao của thế giới, Trung Quốc phải sử dụng thị trường và nguồn lực, cả trong và ngoài nước hiệu quả hơn nữa. Và nước này phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn để có tầm ảnh hưởng lớn hơn trên đấu trường quốc tế.

Không còn nghi ngờ gì nữa trật tự quốc tế hiện nay đang ưu đãi cho lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh. Điều này cũng dễ hiểu khi trật tự này được thiết lập sau Thế Chiến Thứ hai. Nhưng cán cân quyền lực toàn cầu đã thay đổi. Nếu Trung Quốc muốn được kỳ vọng là một "tay chơi có trách nhiệm" trong các vấn đề của thế giới, nước này cần phải có vai trò nổi trội hơn trong quy trình ra quyết định trên quốc tế.

Đó chính là bối cảnh ra đời sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Tập Cận Bình.

Ý tưởng này tương đối rõ ràng. Được lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa có từ xa xưa dùng cho thương mại và giao lưu, "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa Trên biển thế kỷ 21" của Tập Cận Bình sẽ nối Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á, Châu Phi và cuối cùng là Châu Âu. Bằng cách xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cấp thiết dọc theo Con đường Tơ lụa - từ các tuyến đường bộ và đường sắt tới các hải cảng và đường ống dẫn dầu, Trung Quốc hy vọng xây dựng "một cộng đồng chung lợi ích, vận mệnh và trách nhiệm."

Không có nước nào thích hợp hơn Trung Quốc để dẫn đầu công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng. Vì sự phát triển của chính nước này được thúc đẩy một phần bởi những khoản đầu tư khổng lồ vào các dự án cơ sở hạ tầng trong nước, Trung Quốc có thừa kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đấy là chưa kể đến ngành vật liệu xây dựng lớn mạnh của nước này. Ngoài ra, khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ trị giá 3,5 nghìn tỷ USD của nước này sẽ còn tăng nữa, giúp cung cấp nguồn vốn cần cho các dự án trên.

Trung Quốc đã dành một phần trong khoản dự trữ của mình để thành lập Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) - một sáng kiến mà Trung Quốc dùng để hỗ trợ tham vọng Con đường Tơ lụa. Với sự tham gia của 57 nước từ năm châu lục - gồm cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Anh, Pháp và Đức, AIIB là sáng kiến đầu tiên được thiết kế riêng cho thế giới đang phát triển, và đặc biệt là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Lợi ích thu được từ sự đầu tư này sẽ rất lớn. Kinh nghiệm từ Thế Chiến Thứ hai cho thấy các nước đang phát triển có khả năng nắm bắt cơ hội chuyển giao quốc tế của các ngành công nghiệp thâm dụng lao động có thể đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong 20-30 năm. Điều này sẽ tiếp sức cho sự nổi lên của những thị trường mới được các nước phát triển thèm muốn - gồm cả Trung Quốc trong khi tạo ra không gian phát triển cho các ngành có giá trị gia tăng cao hơn ở Trung Quốc.

Khi mà lương nhân công gia tăng làm xói mòn lợi thế cạnh tranh trong ngành sản xuất thâm dụng lao động của Trung Quốc, các nước có thu nhập thấp hơn mà cụ thể là các nước được kết nối bởi Con đường Tơ lụa, hầu hết trong số này có GDP đầu người thấp hơn một nửa của Trung Quốc, sẽ trở nên ngày càng hấp dẫn. Với việc cơ sở hạ tầng được cải thiện, những nước này sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đón làn sóng thâm nhập của các ngành công nghiệp thâm dụng lao động của Trung Quốc.

Và số công ăn việc làm được tạo ra sẽ rất lớn. Trong thập niên 1960 khi Nhật Bản bắt đầu chuyển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động ra nước ngoài, ngành sản xuất nước này đã tuyển dụng 9,7 triệu người. Trong thập niên 1980, khi bốn con rồng của Châu Á (Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan) trải qua quá trình tương tự, ngành sản xuất của các nước này đã tuyển dụng tổng cộng 5,3 triệu người. Để so sánh, ngành sản xuất của Trung Quốc tuyển dụng 125 triệu lao động, trong đó 85 triệu người làm các công việc có kỹ năng thấp. Số này là đủ để làm cho gần như toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển dọc theo Con đường Tơ lụa mới đạt được công nghiệp hóa và hiện đại hóa cùng một lúc.

Trong khi cả thế giới lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng, giá chứng khoán và tỷ giá hối đoái giảm của Trung Quốc, nước này đang thúc đẩy một sáng kiến mà có thể đem lại những lợi ích không thể đong đếm cho nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh việc tạo ra những cơ hội chưa từng thấy cho các nước đang phát triển, chiến lược "một vành đai, một con đường" sẽ cho phép Trung Quốc tận dụng thị trường và nguồn lực trong nước và quốc tế tốt hơn, nhờ đó củng cố năng lực nhằm duy trì vị thế động lực tăng trưởng toàn cầu của mình.

Long Nam

Project Syndicate

Trở lên trên