MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Q&A: Hội nghị trung ương III của Trung Quốc có ý nghĩa gì?

11-11-2013 - 08:58 AM | Tài chính quốc tế

Mọi con mắt đang đổ dồn về Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18.

Diễn ra từ ngày 9 đến 12/11 tại Bắc Kinh, hội nghị lần này được nhận định là thời điểm mà các lãnh đạo Trung Quốc sẽ thông báo về những cải cách quan trọng mang tính chất bước ngoặt.

Tờ Business Insider có bài phỏng vấn Bill Bishop, tác giả của cuốn sách nổi tiếng mà bất kỳ ai quan tâm đến Trung Quốc đều nên đọc “Sinocism China Newsletter”. Cuộc phỏng vấn sẽ giúp bạn hiểu thêm tại sao các cuộc họp như thế này lại quan trọng đến vậy và thế giới có thể mong đợi gì về lần cải cách này của Trung Quốc. 


Business Insider: Phiên họp toàn thể lần thứ 3 là gì?

Bill Bishop: Phiên họp toàn thể (Plenum) hay còn gọi là Hội nghị toàn thể (Hội nghị TW) là cuộc họp của Ủy ban Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ủy ban này gồm có 205 thành viên chính thức và 167 thành viên dự khuyết. Đây là những người được chọn lựa tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất (diễn ra hồi tháng 12/2012). 

Mỗi khóa Quốc hội kéo dài trong 5 năm. Trừ năm đầu tiên, các phiên họp toàn thể đều đặn diễn ra hàng năm. Bộ Chính trị (gồm 25 người) họp thường xuyên hơn và Ban thường vụ Bộ Chính trị (gồm 7 người) còn họp thường xuyên hơn nữa. Ông Tập Cận Bình là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là người đứng đầu Nhà nước (Chủ tịch nước) và quân đội Trung Quốc (Chủ tịch Ủy ban quân sự trung ương). 

Phiên họp toàn thể thứ 3 được nhận định là quan trọng bởi sẽ giới thiệu ban lãnh đạo mới. Trong khi phiên thứ 2 có xu hướng tập trung vào nhân sự, phiên thứ 3 được coi là thời điểm mà bộ máy lãnh đạo mới tập trung củng cố quyền lực và có thể đưa ra những điểm mấu chốt trong chính sách kinh tế cũng như chính trị. 

Business Insider: Tại sao lại đáng chú ý? 

Bill Bishop: Không phải tất cả các Hội nghị TW III đều đáng chú ý và đem lại nhiều thay đổi, cũng như có nhiều cải cách được thực hiện ở bên ngoài Hội nghị TW III. Tuy nhiên, tại Hội nghị TW III Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 11 (vào tháng 12/1978 – chỉ 2 năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời cũng như Cách mạng văn hóa chấm dứt). Tại Hội nghị này, cựu Chủ tịch Đặng Tiểu Bình đã triển khai chính sách “cải cách và mở cửa”, đặt Trung Quốc vào con đường phát triển như hiện nay. 

Hội nghị TW III khóa 14 (diễn ra vào tháng 11/1993) cũng ghi dấu ấn trong lịch sử khi chính thức sử dụng khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Socialist market Economy), cung cấp những nền tảng cơ bản về mặt lý luận chính trị cho một loạt các cải cách kinh tế sâu rộng hơn. Cải cách này được hối thúc bởi cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ. 

Business Insider: Nên mong chờ cải cách gì ở lần này? 

Bill Bishop: Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã liên tục nhắc đi nhắc lại rằng hội nghị lần này sẽ giới thiệu một loạt các cải cách chưa từng có tiền lệ. Giới phân tích hi vọng đó sẽ là cải cách về sở hữu đất đai, cải cách rộng hơn đối với hệ thống tài chính, thay đổi chế độ đăng kí hộ khẩu cho phép người dân ở nông thôn có nhiều quyền hơn, thay đổi quan hệ tài khóa giữa chính quyền TW và chính quyền địa phương, tự do hóa thương mại hơn nữa, đưa ra các chính sách thúc đẩy sáng tạo, giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, giảm mệnh lệnh áp đặt với nền kinh tế và cuối cùng là kế hoạch 5 năm chống tham nhũng. 

Tôi hi vọng rằng khi hội nghị kết thúc, một bản báo cáo chứa khá nhiều tham vọng sẽ được đưa ra. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều năm và rất nhiều tranh cãi trước khi chúng ta có thể cảm nhận rõ rệt hiệu ứng. 

Business Insider: Theo ông, cải cách nào sẽ là mạnh mẽ nhất?  

Bill Bishop: Có thể đó là cải cách đối với DNNN, tuy nhiên sẽ không có cổ phần hóa. Sẽ có những cải cách làm các DNNN yếu đi, ví dụ như cải cách về yếu tố giá. Đồng thời, cũng có cải cách về mặt chính trị nhưng không phải là theo kiểu phương Tây. Mục tiêu là khiến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn và đáng tin cậy hơn. Tất cả đều hướng đến mục tiêu duy trì chế độ chính trị như hiện nay.

Một số người có thể lập luận rằng Trung Quốc không thể thực sự biến đổi nền kinh tế nếu không đi kèm với cải cách chế độ chính trị. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nằm ở cuộc chiến chống tham nhũng. Nếu không thể kiểm soát tham nhũng, tất cả sẽ chỉ dừng lại ở những cuộc thảo luận không thể trở thành sự thực. 

Business Insider: Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với kinh tế Trung Quốc? 

Bill Bishop: Điều này là chưa rõ ràng. Nhiều thay đổi phải mất hàng năm để triển khai, và một số sẽ bị sửa đổi khi được trình lên các bộ ngành. Tuy nhiên, vẫn có một thứ phải được giữ nguyên vẹn: thay đổi mô hình tăng trưởng. Và, Trung Quốc đang hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững hơn so với hiện tại.

Business Insider: Tại sao nhà đầu tư nên quan tâm?

Bill Bishop: Nếu như lãnh đạo Trung Quốc đúng khi cho rằng nước nay có thể vượt qua nhiều rắc rối hiện tại, chắc chắn quá trình ấy sẽ để lại nhiều “vết thương khó lành”. Nếu Trung Quốc không thể, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hướng tới thời kỳ suy thoái nghiêm trọng trong một vài năm tới.

Nhiều chuyên gia phân tích đã đưa ra khuyến nghị cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi từ sự kiện này và thậm chí một số đã tăng giá mạnh mẽ. Ít nhất thì trong ngắn hạn, những nhà đầu tư thông minh đang “mua trên lời đồn, bán trên Hội nghị TW III”. Có quá nhiều hi vọng và và do đó sẽ khó có khả năng nhà đầu tư phải thất vọng trong ngắn hạn. 

Tuy nhiên, những nhà đầu tư thông minh biết rằng chắc chắn có rất nhiều cơ hội kiếm tiền cho những ai có thể hiểu bản báo cáo thực sự nói lên điều gì. 

Business Insider: Còn có điều gì khác cần quan tâm?  

Bill Bishop: Một số trong các cải cách quan trọng nhất ở Trung Quốc không được đưa ra ở Bắc Kinh, tại Hội nghị TW III hay các cuộc họp cấp cao khác. Chúng sẽ được đưa ra ở cấp địa phương và sau đó được nhân rộng ra ở các vùng khác. Bởi vậy, mặc dù Hội nghị TW III là quan trọng, đây không phải là dấu chấm hết cho các cải cách có thể diễn ra ở Trung Quốc trong một vài năm tới. 

Thu Hương

huongnt

Business Insider

Trở lên trên