"QE cho mọi người" - Giải pháp cho cuộc khủng hoảng tiếp theo?
Cứu trợ trực tiếp bơm tiền trực tiếp tới người tiêu dùng chứ không phải thông qua các ngân hàng như QE thông thường và thu hồi lại bằng các loại thuế.
- 10-09-2015Khủng hoảng gọi tên các nền kinh tế mới nổi?
- 09-09-2015Châu Âu gánh khủng hoảng kép
- 08-09-2015Indonesia bị cảnh báo rơi vào khủng hoảng nợ
Giá các loại cổ phiểu, tiền tệ, chứng khoán và hàng hóa đã không còn sụt giảm mạnh, nhưng nó cho thấy rằng các thị trường tài chính đã nằm xa ngoài sự ổn định cần thiết. Trong vòng gần hai chục ngày qua, các thị trường đã trải qua nhiều khung bậc trạng thái: giảm điểm, trì trệ, phục hồi và rồi lại giảm. Có một chút dấu hiệu lo lắng đang gia tăng trên các thị trường.
Cho đến gần đây, các nhà đầu tư đã bắt đầu lo lắng về một sự suy yếu giống như những gì từng diễn ra trước khủng hoảng 2008. Và bây giờ, nhiều người, trong đó có cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ Lawrence Summers, đang tự hỏi liệu khủng hoảng 2008 có quay trở lại không?
Đó là một khả năng đặc biệt đáng lo ngại nếu nó xảy ra. Hiện tại, các lựa chọn chính sách mà các nhà điều tiết có thể dùng cho việc đối phó với một cú sốc mạnh mẽ như 2008 đã ít hơn rất nhiều so với trước đây. Các chính phủ đang có những khoản thâm hụt ngân sách quá lớn để có thể có đủ nguồn lực hỗ trợ nhu cầu - kích thích kinh tế, do đó sẽ có ít hơn những “Khoảng không tài khóa” để kích thích kinh tế. Khoảng không tài khóa - Fiscal space - là từ được dùng để chỉ sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, tài khóa mà một chính phủ có thể sử dụng để kích thích, hỗ trợ, ổn định kinh tế. Thuật ngữ được nhà kinh tế Peter Heller đưa ra năm 2005.
Hiện lãi suất vẫn ở mức gần 0%, thậm chí âm, do đó khó có thể sử dụng công cụ này. Và, thậm chí những người biện hộ cho chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) cũng đang nhận ra rằng nó đang mất mất dần sự hiệu quả để thúc đẩy các hoạt động kinh tế thực. Vậy các nhà điều tiết còn lại những lựa chọn nào có thể sử dụng để đối phó nếu một cuộc khủng hoảng khác xảy đến?
Các nhà làm chính sách ở Mỹ và cả châu Âu có lẽ sẽ chưa phải trả lời câu hỏi này. Sự nhiễu loạn chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và chưa đủ để gây ra sự hoảng loạn trên toàn hệ thống. Do đó việc mở rộng của các hoạt động kinh tế, tài chính sẽ còn tiếp tục.
Các hệ thống tài chính hiện không mạnh như người ta mong đợi, nhưng cũng đã mạnh hơn tương đối so với thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng 2008. Các ngân hàng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn vốn. Các chính phủ đã khắc phụ một trong số các lỗ hổng điều tiết bằng các chính sách mới hoặc bổ sung. Lỗ hổng tài chính cơ bản của cuộc khủng hoảng trước là các khoản vay nợ dưới chuẩn giờ đây không còn là mối đe dọa. Như vậy hiện có ít lý do hơn trước đây để cho rằng những khủng hoảng tài chính bất ngờ xảy ra có thể gây ra hậu quả to lớn tới toàn hệ thống tài chính – kinh tế.
Nhưng cũng giống như trước đây, người ta chỉ có thể nhìn thấu sự suy yếu của hệ thống tài chính khiến kinh tế toàn cầu sụp đổ khi sự đã rồi. Ai dám chắc sự suy yếu hiện tại không thể diễn biến xấu đi ngoài dự đoán? Bất ổn vẫn đeo bám thị trường tài chính và đang có những dấu hiệu dòng vốn đầu tư dịch chuyển sang các tài sản an toàn hơn trên thị trường tài chính. Hoạt động đầu tư và chi tiêu tiêu dùng cũng đang suy giảm.
Những trở ngại đối với các biện pháp khắc phục nếu khủng hoảng xảy ra sẽ là rất lớn. Trở ngại chính trị thậm chí còn lớn hơn trở ngại về mặt kinh tế.
Mỹ và Eurozone có thể một lần nữa tăng bơm tiền vào nền kinh tế mà không làm tăng gánh nặng nợ công vì nếu kinh tế tăng trưởng nhanh hơn mức tăng của nợ công, tỷ lệ nợ trên GDP sẽ giảm. Tuy nhiên dưới sức ép của các trở ngại chính trị, liệu các biện pháp khắc phục tài đó có được sử dụng hay không? Ở Mỹ, và thậm chí ở châu Âu - nơi nằm dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo thủ từ Đức, các kháng cự chính trị đối với biện pháp kích thích tài khóa sẽ là tương đối mạnh.
Nói thêm về sự bảo thủ của người Đức. Đức đã trải qua siêu lạm phát sau chiến tranh thế giới thứ nhất mà đỉnh điểm là năm 1923. Kể từ đó và sau này NHTW Đức được trao quyền lực điều hành chính sách tiền tệ độc lập với chính phủ. Cơ quan này độc lập với mọi áp lực chính trị chỉ để bảo vệ một mục tiêu đó là chống lại lạm phát một cách kịch liệt. Đó là một trong những lý do chính tại sao Đức luôn phản đối bơm tiền để giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu mà thay vào đó chọn cách thắt lưng buộc bụng.
Tuy nhiên, dù các chính phủ lựa chọn không làm như vậy, rất có thể họ vẫn sẽ phải làm. Nếu khủng hoảng xảy ra người ta sẽ phải tính tới một biện pháp mà có thể gây nguy hại về mặt chính trị. Biện pháp này có nhiều tên gọi khác nhau như Cứu trợ trực tiếp (Helicopter Money), Tài trợ tiền tệ công khai (OMF) hoặc như Jeremy Corbyn định nghĩa “Nới lỏng định lượng cho mọi người” chứ không phải cho các ngân hàng.
Rải tiền từ trực thăng
Helicopter money là thuật ngữ được nêu ra bởi nhà kinh tế Milton Friedman, chỉ việc NHTW bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế bằng cách gửi các séc với mệnh giá nhất định tới người tiêu dùng với một hạn thời gian nhất định để người tiêu dùng phải tiêu hết số tiền này thay vì giữ tiết kiệm (tất nhiên chính phủ cần có nhiều biện pháp khác để đảm số tiền này được sử dụng vào mục đích chi tiêu nhu cầu). Số tiền này có thể được trả lại thông qua tiền thuế.
Mục đích của biện pháp này là: trực tiếp tăng cung tiền, tăng lạm phát và tăng tổng cầu của nền kinh tế. Biện pháp này có 2 điểm khác lớn nhất so với “nới lỏng định lượng – Quantitavtive Easing” đó là:
- Tthứ nhất Helicopter Money bơm tiền trực tiếp tới người tiêu dùng (gia đình, đôi khi thậm chí các công ty nhỏ), trong khi QE bơm tiền thông qua các ngân hàng, và các ngân hàng này thường có xu hướng ít cho vay ra mà giữ lại khoản tiền này vì nhiều yếu tố.
- Thứ hai, tiền từ QE sẽ được NHTW thu hồi lại thông qua các ngân hàng bằng việc bán lại trái phiếu đã mua trước đó cho các ngân hàng. Còn tiền từ Helicopter Money sẽ khó thu hồi lại trực tiếp mà có thể thông qua việc tăng mức thuế trong tương lai đối với người tiêu dùng.
Các NHTW có thể luôn lặp lại việc bơm thêm nhu cầu vào nền kinh tế bằng cách tạo sức mua trực tiếp – “bơm tiền trực tiếp tới người tiêu dùng” thông qua Helicopter Money. Hay như Friedman ví von điều này là ném tiền cứu trợ khỏi trực thăng. Biện pháp này tương đương với việc chính phủ cắt giảm thuế hoặc thực hiện đầu tư dự án công bằng nguồn vốn đi vay từ trái phiếu chính phủ để kích thích hoạt động kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc NHTW điều khiển mọi thứ trong nền kinh tế từ các nguồn lực kinh tế cho tới chính sách tiền tệ.
Nhưng liệu biện pháp này có tạo ra được lạm phát như mong đợi trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nguy cơ giảm phát như hiện nay? Chắc chắn là có khả năng, vì khi càng có nhiều người lo lắng rằng chính sách này sẽ tạo lạm phát cao hơn, thì càng có nhiều người nghiêng về hướng chi tiêu hơn là tiết kiệm trước khi mọi thử trở nên đắt đỏ, và do đó chính sách này sẽ càng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc chống lại các loại kích thích tài khóa – tiền tệ như này đang diễn ra ở khắp nơi. Mỹ, Nhật và châu Âu đều đã triển khai QE, nhưng các chương trình này không phạm vào các “nguyên tắc thiêng liêng về sự độc lập của NHTW”.
Tại Eurozone, nguyên tắc đó được ghi thành luật. Còn tại Mỹ, đó là một sự ngầm hiểu. Helicopter Money sẽ đối mặt với rất nhiều rào cản nếu có một cuộc khủng hoảng khác xảy ra. Chương trình này sẽ hòa tan các rào cản mang tính biểu tượng giữa nhiệm vụ của NHTW với Bộ tài chính. Ở các nước hiện nay, Bộ Tài chính quản lý chính sách tài khóa (gồm chi tiêu chính phủ, thuế, lương…) trong khi NHTW quản lý chính sách tiền tệ (lãi suất, lạm phát, tỷ giá…). Do đó Helicopter Money có thể tạo ra xung đột chính sách giữa NHTW và Bộ tài chính, ảnh hưởng đến sự độc lập của các NHTW.
Chắc chắn có rất nhiều điều để nói về sự độc lập của NHTW. Trong những thời điểm bình thường, việc bảo vệ chính sách tiền tệ khỏi những mục đích từ các chính trị gia - những người có khuynh hướng đánh mất cơ hội với lạm phát, là điều cần thiết phải làm.
Mặc dù ngay bây giờ, khi các nền kinh tế, đặc biệt là Mỹ đang có chuyển biến tích cực thì mối quan ngại đó về sự độc lập của NHTW có vẻ là một sự lo xa. Tuy nhiên những bất ổn gần đây đến từ những nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc lại có thể trở thành mối đe dọa khác tới nền kinh tế toàn cầu mà gồm cả Mỹ thì những triển vọng về lạm phát – phục hồi kinh tế vẫn cần đặt một dấu hỏi lớn. Và cho tới khi những vấn đề kinh tế - lạm phát mục tiêu được giải quyết triệt để thì Helicopter Money vẫn sẽ là một biện pháp dự trù.