MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sinh viên Campuchia đổ xô đi học tiếng Trung

14-08-2012 - 07:31 AM | Tài chính quốc tế

Sự gia tăng quyền lực kinh tế của Bắc Kinh tại Campuchia đang khiến người dân nước này tìm đến các lớp học tiếng Trung với hy vọng có thể dễ dàng tìm được công việc.

Cơ hội việc làm tốt hơn

Không giống như hầu hết các quốc gia khác tại khu vực, các sinh viên Campuchia tại trung tâm ngoại ngữ này không thích học tiếng Anh, mà tìm đến các lớp tiếng Trung.

"Trước đây, mọi người chủ yếu đăng ký các lớp học tiếng Anh buổi tối. Nhưng thời thế đã thay đổi và giờ tiếng Trung lên ngôi” - anh Gua Fa - giáo viên kiêm quản lý trung tâm dạy tiếng Trung Ming Fa - cho biết.

Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia, điều đang gây quan ngại cho sự đoàn kết của 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Trong số 3 quốc gia nghèo nhất của ASEAN gồm cả Lào và Myanmar, Campuchia dường như chịu ảnh hưởng lớn nhất từ Trung Quốc. 

Hiện có 40.000 người Campuchia đang theo học các lớp tiếng Trung (theo Hiệp hội Khmer Trung Quốc), trong lúc xu hướng của ASEAN là muốn quảng bá tiếng Anh rộng rãi hơn tại khu vực trước thời hạn thành lập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015 để thu hút nhà đầu tư đến với thị trường trị giá 2.000 tỉ USD với 10 nước thành viên và 600 triệu dân.

Các dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư Trung Quốc tại Campuchia đã đạt 1,9 tỉ USD, cao hơn gấp đôi tổng đầu tư từ các quốc gia ASEAN và cao gấp 10 lần so với Mỹ vào nước này.

Không những thế, số lượng du khách Trung Quốc đến Campuchia cũng tăng mạnh lên 151.887 người trong nửa đầu năm 2012, cao hơn 33% so với cùng kỳ năm 2011. Ngành du lịch Campuchia kỳ vọng sẽ đón đến 1 triệu khách Trung Quốc mỗi năm vào năm 2020.

Ngành kinh doanh nông nghiệp Campuchia bị các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh, trong lúc 70% trong số 330 các nhà máy may mặc – nguồn thu ngoại tệ và giải quyết việc làm lớn nhất của Campuchia – có chủ là người Trung Quốc.

Lo ngại phụ thuộc quá lớn

Dù các khoản vay nợ và những dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang mang lại lợi ích cho khu vực, làn sóng chỉ trích đối với nó cũng đang tăng lên - ông Bonnie Glaser - chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington - nhận định.

"Có nhiều ý kiến lo ngại về sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, cũng như về tính dễ tổn thương trước sức ép kinh tế từ cường quốc này” - ông nhận định.

Mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Campuchia đã giúp Bắc Kinh nắm "một phiếu phủ quyết từ bên ngoài” đối với các quyết định của ASEAN, vốn yêu cầu sự đồng thuận với tất cả các nước thành viên. 

Điều này đã được thể hiện tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh hồi tháng 7, khi nó kết thúc mà không thể có thông cáo chung. Đối với Bắc Kinh, đây là cách "xé lẻ” để duy trì chiến lược của nước này tại biển Đông, nơi Trung Quốc muốn đàm phán song phương với các đối thủ yếu hơn nhiều.

"Nếu không đoàn kết và hợp nhất, chúng ta có thể trở thành nạn nhân của các quyền lực bên ngoài” - Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan bày tỏ trên tờ Jakarta Post.

"Chúng ta cần phát triển tầm nhìn ASEAN trên mọi vấn đề. Chúng ta không nên bị chia tách bởi các quyền lợi cá nhân riêng rẽ” - ông nói thêm.

Theo A.P
Lao Động

huongnt

Trở lên trên