MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Soi” cách thức hoạt động của cỗ máy IMF

17-08-2014 - 14:01 PM | Tài chính quốc tế

Cuốn sách mới được xuất bản của tác giả Liaquat Ahamed đem đến cho người đọc những góc nhìn cận cảnh thú vị về hoạt động của IMF.

Cách đây một vài năm, Liaquat Ahamed - tác giả từng là một nhà quản lý quỹ hoạt động ở Washington – bay tới Tokyo để tham dự cuộc họp thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Đó là thời kỳ tồi tệ của kinh tế thế giới: eurozone đang bên bờ khủng hoảng và có rất nhiều đồn đoán về những điều mà IMF nên (hoặc không nên) làm.

Tuy nhiên, không giống như 12.000 đại biểu khác vốn là những người đã quá quen với các cuộc họp kiểu như vậy, Ahamed không tới đây để vận động cho các chính sách, tìm kiếm các hợp đồng kinh doanh hay đưa tin. Thay vào đó, ông đã có vài ngày quan sát hoạt động của IMF với tư cách giống như “một nhà dân tộc học” thâm nhập vào “một bộ lạc xa lạ” hay “một nhà thực vật học đi vào trong rừng sâu”.

Sau đó, ông tới Mozambique và Ireland để quan sát kỹ hơn cách làm việc của IMF. Mục đích của ông không phải là đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức này mà chỉ đơn giản là quan sát cách các nhân viên IMF tương tác với nhau và với lãnh đạo địa phương.

Những điều Ahamed quan sát được đã được ông kể lại trong cuốn sách “Money and Tough Love: On Tour with the IMF” (tạm dịch: Cuộc hành trình với IMF – Tiền bạc và “thương cho roi cho vọt).

Ngày nay, toàn cầu hóa mang đến cho người ta nhiều cảm xúc hơn bao giờ hết. Giống như nhà kinh tế học Ian Goldin đã nói trong cuốn “Hiệu ứng cánh bướm” (The Butterfly Defect), làn sóng toàn cầu hóa vốn đã quét qua hành tinh của chúng ta trong suốt 2 thập kỷ qua giờ đây đang mang lại những cơ hội chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng mang đến những rủi ro mới đe dọa thế giới.

Khủng hoảng tài chính – thứ mà IMF được tạo ra để đương đầu với – là rủi ro mà ông đã nhắc tới.

Tuy nhiên, trong khi câu hỏi về cách thức lãnh đạo mang tính toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng, điều gây ấn tượng mạnh hơn là có quá ít những nghiên cứu thực tế mang tính chất dân tộc học được thực hiện bên trong các định chế toàn cầu.

Khi khủng hoảng tài chính nổ ra, đã có nhiều cuốn sách viết về những điều xảy ra tại các ngân hàng trước và sau cơn hỗn loạn. Cũng có nhiều bài viết về những gì xảy ra bên trong các Bộ Tài chính, NHTW và các cơ quan quản lý về pháp luật.

Tuy nhiên, gần như không có bài viết hay cuốn sách nào nói về những gì xảy ra khi các Thống đốc NHTW tụ họp tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế ở Basel, IMF hay World Bank.

Điều này cũng không có gì khó hiểu. Các định chế như IMF thường không cho phép người ngoài tiếp xúc quá gần với các hoạt động của họ. Có lẽ Ahamed chỉ được cho phép thực hiện nghiên cứu này bởi một nguyên nhân: cuốn sách mới nhất của ông là “Những ông trùm tài chính” (Lords of Finance) có nhiều ý nghĩa trong hoàn cảnh lúc đó. Và, Ahamed cũng chỉ được phép tiếp cận với “vòng ngoài” của cỗ máy IMF.

Dẫu vậy, những gì ông mang đến cho người đọc là hết sức thú vị bởi Ahamed đã vén màn bí mật những chi tiết tưởng như không có liên quan đến IMF. Đó là những chi tiết về cấu trúc và nhịp điệu của cuộc sống bên trong IMF, về vô số những biểu tượng văn hóa tinh tế được sử dụng để đưa ra tín hiệu về thứ bậc hay quyền lực bên trong IMF – những điều mà bản thân các chuyên gia kinh tế của IMF không bao giờ nhắc tới.

Ví dụ, Ahamed miêu tả về những quy tắc ăn mặc tại các cuộc họp của IMF. Nam giới sẽ mặc đồng phục vest đen và cà vạt, ngoại trừ những người đến từ hai nhóm: người Iran sẽ cài khuy ở cổ áo nhưng không đeo cà vạt, trong khi các nhà quản lý quỹ mặc các bộ vest trẻ trung hơn và cũng không đeo cà vạt.

Ahamed cũng cố gắng giải thích cách mà các ý tưởng về chính sách nổi lên và thống lĩnh cuộc tranh luận. Ví dụ, trong cuộc họp ở Tokyo là lý do tại sao chính sách thắt lưng buộc bụng lại trở thành chủ đề chủ đạo. 

Cuốn sách của Ahamed đã nêu ra một vấn đề hoàn toàn mới: mặc dù dường như các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế luôn quan niệm rằng lãnh đạo thế giới và công việc chỉ liên quan đến các ý tưởng hay các mô hình định lượng, rõ ràng công việc này cũng bắt nguồn từ những ngôn ngữ và văn hóa phức tạp mà những người ngoài cuộc khó có thể hiểu được.

Theo Vũ Anh

huongnt

Infonet

Trở lên trên