Sự trỗi dậy của các ngân hàng “đen” tại Mỹ
Các định chế cho vay phi NH (còn gọi là NH đen-shadow banks) đã vượt qua các NH Mỹ để chiếm một thị phần kỷ lục trong thị trường cho vay thế chấp. Điều này xuất hiện sau khi các quy định về rủi ro bị thắt chặt và hàng tỷ USD tiền phạt đã buộc các NH chính thống phải rút lui khỏi thị trường trị giá 9,8 nghìn tỷ USD tại Mỹ.
- 02-10-2014Ngân hàng trong bóng tối có lợi hay có hại?
- 27-09-2014Mờ mịt như ngân hàng trong bóng tối
- 26-09-2014Ngân hàng trong bóng tối: Lớn lên nhờ khủng hoảng
Theo một nghiên cứu tại trường kinh tế Kennedy thuộc Đại học Harvard, việc các định chế phi ngân hàng dần chiếm lĩnh thị trường là kết quả của việc các NH lớn như Wells Fargo, Bank of America và JPMorgan đang dần rút lui do họ buộc phải phản ứng lại với các yêu cầu ngày một khắt khe về tài sản và những hình phạt nặng nề được đặt ra sau khủng hoảng năm 2008.
Ngân hàng đen là các định chế thực hiện các nhiệm vụ tương tự NH, ví dụ cho vay, nhưng chỉ phải chịu sự giám sát nhẹ nhàng hơn do nguồn vốn của họ đến từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp thay vì đến từ tiền gửi dân cư được bảo lãnh bởi chính phủ. Tuy nhiên, cuộc xâm lấn của các NH này đã gây ra những mối lo ngại nhất định cho Washington.
Trong tháng 5, Fannie Mae và Freddie Mac, hai tổ chức chính phủ chuyên phụ trách bất động sản đã đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các NH đen trong cho vay thế chấp.
Theo Marshall Lux, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của trường Kennedy, việc trỗi dậy của các NH đen là một trong những hậu quả không lường trước được sau 5 năm áp dụng các chính sách giám sát nghiêm ngặt đối với các tổ chức tín dụng được đặt ra bởi Đạo Luật Dodd-Frank.
Ông cho rằng mặc dù sự cạnh tranh trên thị trường có thể coi là tương đối lành mạnh, tuy nhiên nó lại cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về việc giảm chuẩn cho vay. Điều này làm tăng rủi ro đối với FHA cũng như Fannie Mae và Freddie Mac, những tổ chức bảo lãnh cho các NH đối với các khoản vay thế chấp.
Trái phiếu gắn với các khoản vay dưới chuẩn (thường là các khoản vay của khách hàng có điểm tín dụng dưới 660 tính theo thang điểm phổ thông FICO) là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề năm 2008. Trong quý 4 năm ngoái, điểm tín dụng trung bình của khách hàng vay phi NH là 667, so với 682 của khách hàng vay NH.
Tuy nhiên, ông Bob Walters, Kinh tế trưởng tại Quicken cho rằng các định chế phi NH đang cho vay với rủi ro cao hơn so với NH là hoàn toàn sai lầm. Theo ông Bob Walters, các định chế phi NH đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong thị trường cho vay thế chấp nhà tại Mỹ.
Việc các NH Mỹ đang phải “nhặt từng xu lẻ trước máy ủi” (ám chỉ thị trường cho vay thế chấp mang lại lợi nhuận thấp nhưng lại có rủi ro pháp lý quá cao đối với các NH) khiến cho tính thanh khoản thị trường quá thấp, dẫn đến việc những hộ gia đình có thu nhập thấp, người thiểu số, người vay lần đầu bị loại trừ ra khỏi thị trường.
Việc thâm nhập thị trường của các NH đen cũng mang lại sự tích cực nhất định, ví dụ như việc áp dụng công nghệ mới trong quy trình nộp hồ sơ. Các nhà lập pháp cần phải cân nhắc thận trọng giữa những lợi ích này so với chi phí cũng như thiệt hại đối với xã hội của việc thắt chặt hoạt động các NH đen. Theo ông, nếu không có sự hiện diện của các NH này trong thị trường cho vay thế chấp, giấc mơ của rất nhiều người dân Mỹ về việc sở hữu nhà có thể đã không thành hiện thực.
Mới đây, Đảng Cộng hòa đã đưa ra một dự thảo luật mới, theo đó sẽ nới lỏng những gánh nặng luật pháp cho các NH trong các thị trường, bao gồm cả thị trường cho vay thế chấp. Thượng Nghị sĩ Richard Shelby, Chủ tịch hội đồng NH của Thượng viện Mỹ cũng cho rằng nước Mỹ cần một nỗ lực nghiêm túc, nhất quán trong việc tái cấu trúc hệ thống tài chính, đặc biệt là thị trường thế chấp.