MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao kinh tế Nhật "thất thế"?

27-08-2010 - 16:41 PM | Tài chính quốc tế

Trở ngại lớn nhất với nước Nhật là chính bản thân họ khi mà ngay cả thanh niên cũng không muốn mạo hiểm và chỉ thích an nhàn.

5 năm trước kinh tế Trung Quốc mới bằng một nửa Nhật Bản. Số liệu theo quý công bố tuần trước cho thấy Trung Quốc đã vượt đối thủ truyền kiếp. Trước đây họ đã làm được điều này nhưng chỉ trong quý trước Giáng sinh khi GDP luôn cao nhờ mùa vụ.

Vì dân số Trung Quốc đông gấp 10 lần Nhật Bản nên dường như thời khắc này rồi thế nào cũng tới. Nhưng nhanh đến vậy thì thật bất ngờ.

Với Nhật Bản, mới hai thập kỷ trước đây họ còn mơ tới vị trí số một, thật buồn khi nay họ lại trượt xuống thứ ba. Dù vậy mọi chuyện có thể còn tiếp tục xấu đi.

Nhiều đặc điểm của chủ nghĩa tư bản Nhật góp phần gây ra tình trạng khó khăn hiện nay vẫn còn tồn tại, nếu may mắn, nước này cũng chỉ tăng trưởng được 1%/năm.

Mặc dù nhiều cải cách mạnh mẽ đã được thực thi trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, minh bạch tài chính và dỡ bỏ luật lệ nhưng vẫn chưa đủ. Trừ khi có những thay đổi sâu sắc, Nhật Bản sẽ phải chịu thập kỷ mất mát thứ ba.

Đương nhiên Nhật Bản có thể kiêu hãnh vì một số công ty sáng tạo nhất thế giới. Các nhà sản xuất ô tô như Toyota, các công ty điện tử như Toshiba vẫn riêng một góc trời.

Năm 2008, các công ty Nhật nắm giữ hơn 70% thị phần ở 30 ngành có doanh số hàng năm trên 1 nghìn tỷ đôla, từ máy ảnh kỹ thuật số tới thiết bị điều hướng ô tô. Dù một thiết bị điện tử mang nhãn hiệu gì thì nó cũng toàn linh kiện Nhật bên trong.

Dù vậy thành công của những doanh nghiệp tốt nhất lại che đậy các khiếm khuyết còn lớn hơn. Giáo sư kinh doanh Yoko Ishikura từ ĐH Hitotsubashi tin rằng các ông chủ Nhật đang quá tự mãn.

“Họ vừa lo ngại phải đối diện với sự thật rằng quyền lực đang tuột khỏi tay,” bà nói, “vừa muốn bám lấy mô hình già nua quen thuộc.” Dù vậy vấn đề cốt lõi là Nhật Bản phân bổ nguồn lực sai lầm, cả về nhân lực lẫn tài chính.

Nhật Bản từ lâu đã giữ chi phí vốn vay thấp để kích thích đầu tư và giúp đỡ những doanh nghiệp tụt hậu.

Kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu, các cơ quan nhà nước như Tập đoàn Mạng lưới sáng tạo Nhật Bản và Tập đoàn sáng kiến thay đổi doanh nghiệp đã được trao 25 tỷ đôla để phục hồi các công ty gặp khó khăn.

Một trong những việc làm đầu tiên của Tập đoàn sáng kiến thay đổi doanh nghiệp là hỗ trợ cho một nhà mạng không dây đang chết dần vì bám lấy công nghệ lạc hậu.

Hóa vàng cho người chết

Nước Nhật gần như đảm bảo rằng vốn mới sẽ đến được với các công ty đang tụt hậu.

Vì các doanh nghiệp gặp khó khăn hiếm khi phá sản nên không có doanh nghiệp mới thành lập. Tỷ lệ phá sản ở Nhật chỉ bằng một nửa ở Mỹ còn tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới cao nhất chỉ bằng 1/3.

Rất hiếm doanh nhân Nhật dám đầu tư mạo hiểm. Phân phối tín dụng ở Nhật không kích thích được tinh thần cạnh tranh. Thay vào đó, nó chỉ nuôi dưỡng những xác chết biết đi.

Nhật Bản cũng đã mất đi sở trường tận dụng tối đa vốn nhân lực. Dân Nhật siêu đẳng về ngôn ngữ và số học, nhưng chắc chắn đặc điểm văn hóa đang kéo lùi giới doanh nhân.

Kính trọng người lớn tuổi khiến việc thăng tiến chỉ dành cho người đứng tuổi chứ không phải người có khả năng nhất.

Các giám đốc trẻ có ý tưởng tốt cố nín nhịn không lên tiếng. Vị Chủ tịch HĐQT về hưu được giữ lại làm cố vấn khiến vị Chủ tịch mới khó sửa chữa được những sai lầm của người tiền nhiệm.

Một ủy viên ban quản trị đang lên tại một công ty tài chính lớn nói ông được thượng cấp khuyên muốn lên tiếp thì phải biết giữ kín quan điểm của mình.

Người làm công ăn lương Nhật một thời từng được coi là các samurai hiện đại ngày nay được gọi là soshoku-danshi(những kẻ hiền lành, nhu nhược chẳng có tham vọng).

Kể từ năm 2003, tỷ lệ thanh niên gia nhập thị trường lao động muốn tự thành lập công ty ở Nhật đã giảm một nửa xuống 14%, trong khi những người tìm kiếm công việc cả đời gần như tăng gấp đôi lên 57%.

Giới chủ phàn nàn rằng thanh niên nay ngại nắm các vị trí giám sát; thậm chí một quan chức Bộ ngoại giao còn tiết lộ các nhà ngoại giao Nhật nay muốn ở nhà hơn.

Thanh niên nay rõ ràng “toàn cầu hóa” còn kém cả lớp người lớn tuổi.

Kể từ năm 2000, số lượng sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ học tại Mỹ đã tăng gấp đôi trong khi số lượng sinh viên Nhật giảm 1/3, chỉ còn chiếm một phần nhỏ trong tổng số sinh viên các nước Châu Á.

Bất chấp những năm học tiếng Anh bắt buộc ở trường cấp hai, Nhật nằm trong số những nước phát triển có điểm kiểm tra tiếng Anh thấp nhất.

Đó sẽ không phải chuyện gì lớn nếu nền kinh tế Nhật không dựa vào xuất khẩu và được nuôi sống bằng quan hệ với các nước khác.

Một nửa nhân tài của quốc gia đang bị lãng phí. Chỉ 8% số quản lý là nữ, so với 40% ở Mỹ và 20% ở Trung Quốc. Ở Kuwait còn có nhiều phụ nữ trong HĐQT doanh nghiệp hơn ở Tokyo.

Phụ nữ chỉ được trả 60-70% so với nam đồng nghiệp.

Một lãnh đạo tại một trong các conglemerate lớn nhất của Nhật nói 70% số đơn xin việc đạt yêu cầu là của phụ nữ nhưng chưa đến 10% được tuyển vì công việc có thể đòi hỏi phải đến thăm nhà máy hay hầm mỏ, những nơi không mấy hợp với phụ nữ.

Nhà sản xuất bia Kirin muốn tăng gấp đôi số quản lý nữ trước năm 2015 từ con số chỉ 6% hiện nay.

Để tái khởi động nền kinh tế, Nhật Bản lại quay về với bài chính sách phát triển ngành xưa cũ.

Hồi tháng 6 Bộ Thương mại đưa ra một “chiến lược tăng trưởng” chung chung trong đó đề cập tới một số ngành giàu tiềm năng sẽ được chính phủ hỗ trợ từ xây dựng tới du lịch chữa bệnh.

Đề án này yêu cầu tới hàng trăm cải cách lớn nhỏ. Nhưng cơ quan chịu trách nhiệm chính với đề án lại được phân công việc khác vào tháng 7 nên chẳng biết đến khi nào nó mới được thực thi.

Một lần nữa, lề thói cũ lại thủ tiêu cái mới. Richard Katz, biên tập viên tờ Oriental Economist, tin rằng nước Nhật gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề của mình vì chúng đều có liên quan đến nhau.

“Khó sửa được cái gì mà không đụng chạm đến nhiều cái khác,” ông nói.

Các hãng tin địa phương phần nào lờ đi việc Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ ba.

Những người bi quan lo ngại dù với dân số nhỏ hơn nhiều nhưng Hàn Quốc cũng có thể vượt Nhật. Liệu nước Nhật có muốn chiến đấu để giữ lại vị trí thứ ba hiện nay chừng nào còn có thể?

Những người ủng hộ cho rằng nước Nhật dường như luôn luống cuống nhưng rồi hành động cực kỳ nhanh chóng khi phải đối mặt với khủng hoảng.

Hồi đầu thế kỷ 19, họ đã làm được như thế khi hiện đại hóa đất nước để tránh bị thực dân đô hộ. Còn sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong suốt 40 năm.

Nhưng những bí quyết để giúp họ trở thành cường quốc kinh tế của thế kỷ 20 như tín dụng lỏng lẻo, công ty lớn, học như vẹt, quyền quản lý nằm trong tay giới quan liêu và việc làm ổn định cho lao động chính trong gia đình đều không còn hợp với thế kỷ 21.

Ngày nay, thách thức lớn nhất của nước Nhật là chính bản thân mình. Nếu không cải tổ mạnh mẽ, họ sẽ nhanh chóng rơi xuống thứ 4, thứ 5 và còn sâu hơn nữa.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên