MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thái Lan cấm thủ lĩnh phe đối lập rời đất nước

08-02-2014 - 11:50 AM | Tài chính quốc tế

Trạm kiểm soát xuất nhập cảnh trên toàn quốc đã được chỉ đạo ngăn chặn các thành viên cốt lõi của PDRC rời khỏi đất nước.

Ông Tarit Pengdith, Cục trưởng Cục Điều tra đặc biệt (DSI) kiêm thư ký của Trung tâm duy trì hòa bình và trật tự (CMPO) Thái Lan ngày 7-2 cho biết các thủ lĩnh thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân (PDRC) không được phép rời nước này. Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra khẳng định nông dân sẽ được thanh toán tiền nợ.

“Trạm kiểm soát xuất nhập cảnh trên toàn quốc đã được chỉ đạo ngăn chặn các thành viên cốt lõi của PDRC rời khỏi đất nước. Những người tạm thời cấm ra nước ngoài gồm 19 cá nhân bị Toà án hình sự phát lệnh bắt giữ và 39 nghi can khác” - ông Tarit Pengdith nói với giới truyền thông.

Nếu một trong những cá nhân trên xuất hiện tại trạm kiểm soát xuất nhập cảnh, cán bộ tại đây sẽ bắt giữ và thông báo cho CMPO ngay.

Tòa án hình sự ngày 5-2 đã phát lệnh bắt giữ 19 lãnh đạo biểu tình chống chính phủ thuộc PDRC gồm: Suthep Thaugsuban, Sathit Wongnongtoey, Chumpol Julasai, Putthipong Punnakant, Issara Somchai, Withaya Kaewparadai, Thaworn Senneam, Nathapol Teepsuwan, Akanat Promphan, Anchalee Paireerak, Nitithorn Lamlua, Uthai Yodmanee, Samdin Lertbut, Gen Preecha Iamsuphan, Ratchayut Sirayothinpakdi, Kittichai Saisa-ard, Samran Rodphet, Sonthiyan Chuenruthainaitham và Pansuwan Na Kaew. Cũng theo CMPO, số người tham gia các trang web biểu tình chống chính phủ đang giảm dần.

Ngày 7-2, Ủy ban Bầu cử (EC) của Thái Lan đã quyết định tổ chức đợt bỏ phiếu mới tại 7 tỉnh gồm Rayong, Yala, Narathiwat, Pattani, Satun, Phetchaburi và Prachuap. Đây là các địa điểm bỏ phiếu bị người biểu tình bao vây hôm 2-2. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể để tiến hành đợt bỏ phiếu mới này hiện vẫn chưa được công bố. Cũng trong ngày, nhiều nông dân đã dồn về Bangkok để dòi chính phủ thanh toán các khoản nợ cho họ theo chương trình trợ giá gạo. Họ mang cả máy kéo, máy gặt và xe tải để biểu tình, đòi nợ.

Trước tình hình trên, bà Yingluck Shinawatra đã lên tiếng khẳng định nông dân sẽ được trả nợ theo đúng những gì đã cam kết trong chương trình trợ giá gạo. Chính phủ không làm ngơ trước hoàn cảnh người trồng lúa khó nhọc lại không nhận được tiền nhưng việc chậm trễ là vì phải đối mặt với những hạn chế pháp lý của một chính phủ lâm thời chưa toàn quyền. Chính phủ Thái Lan đang nợ nông dân khoảng 130 tỉ bạt theo chương trình trợ giá gạo. Nhưng điều khó khăn nhất là chính phủ tạm quyền không có đủ quyền lực để tự quyết các vấn đề tài chính để giải ngân.

Bà Yingluck đã yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan đến thương mại và tài chính tìm cách giảm bớt khó khăn cho nông dân. Đồng thời, bà thừa nhận vấn đề chậm chi trả tiền cho nông dân là do khủng hoảng chính trị, ảnh hưởng thủ tục giải quyết khiến toàn bộ hoạt động chi trả bị đình trệ. Thủ tướng tạm quyền Thái Lan nói rõ việc chi trả tiền cho nông dân là trách nhiệm của chính phủ và họ chắc chắn sẽ nhận được tiền.

Theo M.Khuê

huongnt

Người lao động

Trở lên trên