MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng phương Tây lại yếu

11-08-2011 - 14:47 PM | Tài chính quốc tế

Thị trường liên ngân hàng căng thẳng, tiền chảy mạnh ra khỏi thị trường tiền tệ.

CEO Stephen Hester của UBS đang lợi dụng tình hình thị trường đi xuống để giở ra cái giọng “xét lại” đầy gian xảo. Trong cuộc phỏng vấn trên một đài phát thanh, ông ta cho rằng cũng giống như hai năm 2007 và 2008, vấn đề hiện nay không phải nằm ở các ngân hàng mà là ở sự mất cân đối kinh tế toàn cầu.

Nói thẳng, nói vậy thật là quỷ quyệt. Ngân hàng nay đang khốn quẫn vì liên hệ mật thiết với chính phủ. Còn ba năm trước họ ở tâm bão vì chính những quyết định sai lầm của mình.

Ở mỗi giai đoạn trong cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều năm này, tội lỗi lại khác nhau, nhưng các chỉ báo thì rất quen thuộc. Những lo ngại về khả năng thanh toán của các ngân hàng đang tăng lên, đặc biệt là khi các ngân hàng Châu Âu khó tiếp cận được với nguồn vốn ngắn hạn.

Các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ chênh lệch lợi suất Euribor-OIS, vì chỉ báo này thực tế giúp xác định các ngân hàng Châu Âu bất an đến đâu khi cho nhau vay. Và con số này đang tăng lên.

Lượng tiền mặt các ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu đem gửi tại NHTW Châu Âu (ECB) (đương nhiên, số tiền này không thể cho các ngân hàng khác vay) tuần này đã lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, theo số liệu của công ty nghiên cứu Lipper, các nhà đầu tư đã rút 66 tỷ đôla từ các quỹ trên thị trường tiền tệ trong tuần kết thúc vào ngày 03/08. Đây là số tiền rút ra lớn thứ hai từng được ghi lại.

Nhu cầu tiền mặt đã khiến ngân hàng Bank of New York Mellon bắt đầu tính phí đối với các tài khoản tiền gửi lớn. Điều này sẽ càng khiến tiền bị rút thêm ra khỏi hệ thống ngân hàng và đổ vào trái phiếu chính phủ ngắn hạn của Mỹ.

Tuy vậy, tin tốt đối với chính phủ Mỹ (khi chi phí đi vay giảm xuống) lại là tin xấu đối với các ngân hàng Châu Âu vốn đang khát đôla. Có tin cho rằng các quỹ trên thị trường tiền tệ đang gây sức ép để thu hẹp thời gian đáo hạn của các chứng khoán nợ.

Một CEO ngân hàng ở Châu Âu tuần này nói ông chưa bao giờ thấy thị trường ghét rủi ro đến thế.

Trước tình hình trên, ECB vừa mới thông báo rằng họ đang khởi động lại các khoản vay có giá trị không hạn chế với kỳ hạn 6 tháng cho các ngân hàng có nhu cầu (kỳ hạn hiện nay của các khoản vay này là 3 tháng).

Điều này khiến một số người từng hy vọng kỳ hạn sẽ được kéo dài lên 1 năm thất vọng, dù chưa đến nỗi bán phần hoảng loạn như những người từng muốn ECB phô diễn sức mạnh bằng cách mua lại trái phiếu Italy và Tây Ban Nha.

Thay vào đó, ECB mua vào trái phiếu Ireland và Bồ Đào Nha, những chứng khoán đã không còn xuất hiện trên thị trường.

ECB cũng tiết lộ thêm rằng không phải ai cũng đồng tình với quyết định đó. Có tin cho rằng hai người phản đối đều là người Đức: ông Jens Weidmann, Chủ tịch Bundesbank (người cũng có ghế trong hội đồng điều hành ECB) và Jurgen Stark, thành viên ban giám đốc ECB. Thực tế này khiến giới đầu tư rất quan ngại về khả năng phối hợp của Châu Âu khi can thiệp vào thị trường trong tương lai.

Hiện nay các ngân hàng thương mại không đáng chê trách như ba năm trước đây. Còn các ngân hàng trung ương thì lại khác!

Minh Tuấn

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên