MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới mất bao nhiêu tiền vì tắc đường?

05-11-2014 - 19:12 PM | Tài chính quốc tế

Năm 2013, tắc đường khiến 4 nước Anh, Pháp, Đức và Mỹ thiệt hại tổng cộng 200 tỷ USD (tương đương 0,8% GDP).

Hiếm có điều gì kết nối nền văn hóa của các quốc gia tốt hơn tâm lý chán chường khi bị kẹt cứng trong hàng dài xe cộ không thể nhúc nhích vì tắc đường. Từ London tới Los Angeles, từ Berlin tới Bangalore, tức giận là tâm trạng chung của các tài xế khi gặp cảnh tắc đường. Có nhiều lý do dẫn tới tắc đường và đều là những điều dễ hiểu: tai nạn, cơ sở hạ tầng yếu kém, mật độ xe cộ quá cao trong giờ cao điểm… Tuy nhiên, có một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp: thời gian chờ đợi khi tắc đường tiêu tốn bao nhiêu tiền?

Trung tâm nghiên cứu kinh tế London và công ty dữ liệu giao thông INRIX đã tính toán ảnh hưởng của nạn kẹt xe đối với các nền kinh tế Anh, Pháp, Đức và Mỹ. Để tính ra con số cuối cùng, họ đo lường ba chi phí: tắc đường ảnh hưởng như thế nào đến năng suất của lực lượng lao động, chi phí đi lại tăng lên ảnh hưởng như thế nào đến giá cả hàng hóa và  những đám khói mà các phương tiện tạo ra khi di chuyển chậm chạp khiến chi phí đi lại tăng lên bao nhiêu. 

Năm 2013, tắc đường khiến 4 nước nói trên thiệt hại tổng cộng 200 tỷ USD (tương đương 0,8% GDP). Vì tốc độ xây dựng đường sá không thể bắt kịp tốc độ gia tăng của số xe hơi trên đường phố, con số này được dự báo sẽ tăng lên gần mốc 300 tỷ USD vào năm 2030. 2/3 trong số này là kết quả của việc lãng phí năng lượng và thời gian. Phần còn lại là phần chi phí sản xuất bị đội lên. 

Tuy nhiên, những con số này thay đổi theo từng nước. Ở Mỹ, trung bình chi phí tắc đường đối với một hộ gia đình có sở hữu xe hơi là 1.700 USD/năm, trong khi con số ở Pháp là 2.500 USD. Tuy nhiên giao thông ở Los Angeles tệ đến nỗi mỗi công dân ở đây mất tới 6.000 USD/năm vì tắc đường. 

Thêm vào đó, con số nói trên còn chưa tính đến cái giá phải trả cho lượng khí thải carbon dioxide mà các phương tiện thải ra. Tổng cộng, các phương tiện đã thải ra hơn 15.000 kilo tấn khí CO₂ không cần thiết trong năm 2013, tức là thế giới đã tốn kém thêm 350 triệu USD. Riêng ở Los Angeles con số đã là 50 triệu USD.

Không dễ gì để các nước có thể giải quyết vấn nạn tắc đường. Theo Dominic Jordan, chuyên gia đến từ INRIX, xây dựng nhiều con đường hơn và mở rộng hệ thống đường sá sẵn có có thể mang lại tác dụng ngược là làm gia tăng số lượng ô tô trên đường phố. Trên thực tế, đầu tư, tăng trưởng của thị trường việc làm và tăng trưởng GDP đều khiến số lượng xe cộ tăng lên và kéo theo đó là nhiều chi phí. Khi người dân cảm thấy giàu có hơn, họ sẽ mua nhiều xe hơi hơn và sử dụng nhiều xăng dầu hơn. 

Các hệ thống đường sá thông minh và xe chạy bằng điện hay năng lượng mặt trời có thể giúp cải thiện tình hình. Tuy nhiên, cho đến khi những công cụ này đủ thông minh để biến tắc đường thành hiện tượng chỉ có trong lịch sử, các tài xế vẫn phải chịu cảnh tắc đường và các chi phí vẫn tiếp tục tăng lên. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên