Thế giới nếu: 100 ngày đầu tiên làm Tổng thống của Hillary Clinton
Bà Clinton đã thắng cử bằng cách nghiêng theo cánh hữu về mặt an ninh quốc gia và nghiêng theo cánh tả trong quan điểm điều hành kinh tế. Và dưới đây là những gì diễn ra trong 100 ngày đầu tiên bà làm Tổng thống.
- 06-08-2015Đại chiến USD vs Nhân dân tệ: "Đường xa mới biết ngựa hay"
- 16-04-2015"Hành trang" của Hillary Clinton khác gì so với 7 năm trước?
- 14-04-2015Chân dung Hillary Clinton - ứng viên tiềm năng nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng
THE WORLD IF (tạm dịch: Thế giới nếu…) là chùm bài viết của tạp chí The Economist về những kịch bản có thể xảy ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học công nghệ… sẽ ảnh hưởng đến thế giới. Các giả định được đưa ra dựa trên chính những diễn biến của thế giới ở thời điểm hiện tại.
Bài viết dưới đây vẽ ra viễn cảnh cựu Ngoại trưởng Mỹ trúng cử trong cuộc bầu cử năm 2016.
Nữ Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đắc cử bằng cách chấp nhận hai rủi ro lớn, lật ngược chiến dịch tranh cử dường như đã tuột khỏi tay bà. Một trong những “canh bạc” là phản ứng đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn từ Cuba và những bất ổn trên hòn đảo này. Còn lại, chiến dịch xoáy vào tầng lớp trung lưu – vốn hỗn loạn ngay từ đầu – đã sa vào vũng lầy và còn cản trở các chương trình đối nội khác.
100 ngày đầu tiên Hillary Clinton ngồi trên ghế Tổng thống, giới học giả ngay lập tức chú ý tới một sự thực khá mỉa mai. Một chính trị gia đã liên tục kêu gọi sự cẩn trọng giờ đây đang trải qua những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ bận rộn giải quyết những hậu quả xuất phát từ chính những điều bà đã làm trong chiến dịch tranh cử.
Vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vừa phải cố gắng mỉm cười trước những bài báo đưa tin chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton vừa phát biểu trước một cuộc họp riêng tư gồm toàn những ông chủ từ thung lũng Silicon rằng “tất cả những mớ rắc rối này đang khiến Hillary mất đi tuần trăng mật trong vai trò Tổng thống”.
Bà bắt đầu bữa ăn trưa tại Nhà Trắng với các nữ Thượng nghị sĩ bằng câu nói đùa: “Vị Tổng thống này đến đây để làm việc chứ không phải hưởng tuần trăng mật”. Tuy nhiên, ông Clinton đã đúng. Hầu hết các Tổng thống trước đây nhậm chức với tâm thế an nhàn chí ít là trong thời gian đầu. Còn bà Clinton đang “bội thực” trước các sự kiện.
Đầu tiên là Cuba, trung tâm của cuộc khủng hoảng đã phá hỏng chiến dịch tranh cử của Marco Rubio – đối thủ chính của bà Clinton ở đảng Cộng hòa. Nhiều tháng nay trên tivi đêm nào cũng có cảnh cảnh sát biển và tàu hải quân Mỹ vớt lên những mảng bè. Một khảo sát mới được Gallup thực hiện cho thấy 74% người Mỹ giờ đây ủng hộ chính sách ngừng tiếp nhận đơn xin tị nạn từ người Cuba của bà Clinton, ít nhất là trong khi vẫn có các cuộc đàm phán về việc tổ chức bầu cử ở hòn đảo này. Trong một cuộc tranh luận trực tiếp với ông Rubio, bà đã nói: “Có tới 11 triệu người dân Cuba, họ xứng đáng được hưởng cuộc sống thịnh vượng ở quê nhà chứ không phải những lời hứa sáo rỗng rằng tất cả sẽ được chuyển đến Mỹ”.
Với Thượng viện bị chia đôi giữa Cộng hòa và Dân chủ, và đảng Cộng hòa vẫn chiếm ưu thế ở Quốc hội, bà Clinton cần đến sự ủng hộ từ cả hai đảng để thông qua bất cứ dự luật nào. Trên thực tế đó là một phép màu.
Những người lạc quan cho rằng đảng Cộng hòa đơn giản là không thể thờ ơ trước sự thực là nước Mỹ ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, những người bi quan khẳng định mối quan hệ giữa bà Clinton với Quốc hội Mỹ đã xấu đi nhanh hơn dự báo, trong khi bà đã tranh cử với tư cách là một “gà nhà” của Washington.
Bà Clinton đã có được thành công trong vài tuần đầu tiên, trong đó nổi bật là việc Thượng viện dễ dàng thông qua bổ nhiệm Jason Furman làm Bộ trưởng Tài chính và Michèle Flournoy làm Bộ trưởng Quốc phòng. Một thành viên của đảng Cộng hòa cũng bất ngờ được đặt vào ghế Ngoại trưởng. Bà Clinton tiến cử thượng nghị sĩ Bob Corker của bang Tennessee, người từng làm Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện và nổi tiếng là một người suy nghĩ thấu đáo.
Lời cam kết về những chính sách dành cho những người có thu nhập trung bình không phát huy được nhiều hiệu quả. Bà Clinton đã hậu thuẫn chính sách nâng mức lương cơ bản áp dụng trên toàn liên bang lên 15 USD/giờ. Bà cũng kêu gọi cho phép các bà mẹ được hưởng 2 tháng lương sau khi sinh con hoặc nhận con nuôi. Trong số những người thuộc đảng Cộng hòa “kêu gào” rằng bà sẽ dẫn nước Mỹ rơi vào con đường vỡ nợ của châu Âu, rất ít các cử tri theo dõi sát sao các cam kết này.
Tuy nhiên, họ đã bắt đầu “soi” kỹ hơn. Walmart – công ty tư nhân tuyển dụng nhiều lao động nhất ở Mỹ - cho biết sẽ phải tự động hóa rất nhiều quầy thanh toán nếu như mức lương tối thiểu được nâng lên mức 15 USD, cao gấp rưỡi so với mức 10 USD mà hãng đang trả cho nhân viên có lương thấp nhất. Một báo cáo từ Văn phòng ngân sách quốc hội cảnh báo trong ngắn hạn tăng lương tối thiểu sẽ khiến khoảng 2 triệu việc làm mất đi. Nhà Trắng trích dẫn điểm sáng của báo cáo này là trong dài hạn lương tăng sẽ giúp tăng tiêu dùng. Tuy nhiên, rõ ràng báo cáo này sẽ là vũ khí để tấn công vào bà Clinton trên tivi.
Kế hoạch cho người mới sinh con cũng rơi vào trạng thái mơ hồ. Giải thích về nguồn gốc của cam kết này, một người từng cố vấn cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho rằng sẽ là “lẩm cẩm” khi Mỹ, không giống như các nước giàu có khác, không giành nhiều ưu đãi hơn cho bà bầu. “Thêm vào đó, khi ấy chúng tôi đang bất lợi trong cuộc tranh cử”. Có thể thấy sau khi cam kết này được đưa ra, tỷ lệ ủng hộ bà Clinton trong các cử tri là phụ nữ đã kết hôn tăng đột biến.
Các chương trình đối nội khác được bà Clinton triển khai rất thận trọng. Một trong những tham vọng là cải cách luật thuế với những nguồn thu mới sẽ được dùng cho giáo dục sớm. Bên cạnh đó là những cuộc thảo luận về một ngân hàng cơ sở hạ tầng tài trợ vốn cho cầu cống, đường sá và xe điện thông minh.
Trong thời đại nước Mỹ mắc kẹt trong quá nhiều vấn đề, bạn sẽ phải trả giá khi đưa ra những lời hứa hẹn quá chắc nịch trong chiến dịch tranh cử. 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Mỹ do đó mà không còn giống như ngày xưa.