MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới sẽ khô kiệt vì nắng nóng

01-06-2015 - 10:09 AM | Tài chính quốc tế

Đợt nắng nóng kinh hoàng đã giết chết hơn 2.200 người ở Ấn Độ. Các chuyên gia lo ngại “lò lửa” này mới chỉ là sự khởi đầu tại châu Á nói riêng và thế giới nói chung.

Hầu hết nạn nhân ở Ấn Độ đều là công nhân xây dựng, người vô gia cư và người già. Đây là số người chết do nắng nóng cao thứ hai trong lịch sử Ấn Độ và thứ năm trong các thảm họa nắng nóng toàn cầu. Với thảm họa này, nắng nóng trở thành “sát thủ” đáng sợ thứ hai ở Ấn Độ chỉ sau lũ lụt.

Hiện tại, nhiệt độ ở nhiều tỉnh thành Ấn Độ vẫn tiếp tục xấp xỉ 47°C. Rất nhiều con đường ở Ấn Độ đã chảy nhựa đen kịt vì trời nắng như đổ lửa. Các bệnh viện rơi vào khủng hoảng trầm trọng do phải tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân.

Cơ quan Khí tượng Ấn Độ dự báo tình trạng nắng nóng sẽ còn kéo dài thêm ít nhất một hoặc hai ngày tới.

Sẽ còn nóng hơn

Ngày 18-5, tạp chí Nature Climate Change (Anh) công bố nghiên cứu cảnh báo các đợt nắng nóng gay gắt sẽ xuất hiện với tần suất cao gấp nhiều lần hiện nay do nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng cao.

Tổ chức Hòa bình xanh cho biết số đợt nắng nóng hiện cao gấp năm so với trước vì biến đổi khí hậu. Và ước tính 80% đợt nắng nóng xuất phát trực tiếp từ biến đổi khí hậu.

Tổ chức Hòa bình xanh cảnh báo nắng nóng sẽ tăng gấp 12 lần trong hai thập kỷ tới nếu không có các biện pháp can thiệp.

Không chỉ tại Ấn Độ, trong vài năm qua các đợt nắng nóng tăng mạnh lên mức kỷ lục ở Úc, Argentina, Brazil, Đông Âu... trong năm 2014.

Mùa hè 2013, nhiệt độ ở Alaska (Mỹ) và Siberia (Nga) tăng cao bất thường. Năm 2010, một đợt nóng kinh hoàng tại Nga khiến thị trường lúa mì toàn cầu chao đảo.

Giữa tháng 5, nhà chức trách Mỹ cảnh báo có 90% khả năng nắng nóng dữ dội hoành hành tại Bắc bán cầu trong mùa hè năm nay.

Các nước Trung Quốc và Brazil cũng ra cảnh báo về nguy cơ khô hạn. “Nắng nóng sẽ giết người nhiều hơn bất kỳ hiện tượng thời tiết cực đoan nào và cường độ nắng nóng sẽ tăng mạnh trong thế kỷ này” - nghiên cứu đăng trên Nature Climate Change cảnh báo.

Tuần trước, Trung tâm Khoa học và môi trường Ấn Độ (CSE) nhận định đợt nắng nóng khủng khiếp tại quốc gia này là tín hiệu của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Những tín hiệu này sẽ tiếp diễn. Chuyên gia CSE Arjuna Srinidhi cho biết tình trạng đô thị hóa vô tội vạ và thiếu cây xanh khiến các đợt nắng nóng trở nên nguy hiểm và chết chóc hơn.

Các nhà khoa học cho biết 35°C là ngưỡng “tới hạn” đối với người uống nước đầy đủ, ở trong bóng mát và không phải làm việc. Nhưng theo thống kê, hơn một nửa dân số thế giới phải làm việc ngoài trời. Và vào những ngày nhiệt độ tăng lên 40°C hoặc hơn, họ sẽ trở thành những nạn nhân đầu tiên.

Tác động nghiêm trọng

Trước Ấn Độ, Philippines cũng trải qua những ngày đổ lửa trong tháng 5 khi nhiệt độ nhiều vùng lên hơn 40°C, có nơi 42°C. Ít nhất hai người đã thiệt mạng.

Các chuyên gia khí tượng Philippines cho biết mùa nắng nóng sẽ kéo dài thêm một vài tháng, nhưng cũng có khả năng diễn ra tới tận cuối năm.

Tại thủ đô Manila, nhiều người dân trốn nóng trong các trung tâm mua sắm có máy điều hòa. Thậm chí tài xế taxi không dám ra đường vào giữa trưa vì sợ máy điều hòa trên xe quá tải.

Các chuyên gia cảnh báo một hậu quả nghiêm trọng khác của nắng nóng là nạn đói. Theo nghiên cứu đăng trên Nature Climate Change, năng suất lao động toàn cầu giảm còn 90% trong những tháng nắng nóng của năm.

Đến năm 2200, năng suất lao động có thể giảm chỉ còn 40% vì cái nóng. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ là Ấn Độ, miền bắc Úc và đông nam nước Mỹ.

Những nước không có khả năng thích ứng sẽ bị tác động nặng nề nhất. “Khi biến đổi khí hậu bắt đầu hoành hành và những cơn nóng ập đến, những người nghèo sẽ dễ bị tổn thương. Nếu mùa màng thất bát, họ không tìm được việc làm khác, không có tiền mua lương thực và bị đói” - chuyên gia khí hậu Mark Maslin thuộc ĐH London (Anh) cho biết.

Tuần trước, công nhân xây dựng ở thành phố Gurgaon (Ấn Độ) buộc phải làm việc dưới cái nắng 43°C vì mức lương chỉ 3,2 USD/ngày. Và đây là thách thức lớn đối với các chính phủ.

“Dân số tăng và nhiệt độ cũng tăng. Khi lượng lương thực giảm sút, thảm họa sẽ xảy ra” - ông Maslin cảnh báo. Chuyên gia Matthew thuộc Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu Purdue (Mỹ) khẳng định các giải pháp tạm thời sẽ không chống được cái nóng. Lối thoát duy nhất là chống biến đổi khí hậu, giảm nhiệt độ Trái đất.

Theo Trần Phương

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên