MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế hệ nhà đầu tư mất mát của nước Mỹ

06-09-2010 - 11:19 AM | Tài chính quốc tế

Khi cảm thấy trò chơi kiếm tiền đã ngày một khó khăn, mất niềm tin về khả năng bảo vệ nhà đầu tư của các nhà điều tiết, nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ chọn cách rời thị trường.

Phố Wall vẫn giao dịch bình thường. Thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường vẫn mở cửa giao dịch, và đến 6h chiều hàng ngày mọi người vẫn biết cuối cùng thị trường tăng hay giảm điểm.

Thế nhưng, ngày một nhiều nhà đầu tư không chơi trò chơi trên thị trường chứng khoán với sự tự tin từng có bởi trò chơi kiếm tiền đã ngày một khó khăn và đương đầu với nhiều biến động hơn từ thời khủng hoảng tài chính. Nhà đầu tư nhỏ lẻ mua ít cổ phiếu hơn. Họ hạn chế mua mới cổ phiếu và giảm lượng cổ phiếu nắm giữ. Thay vào đó, họ chuyển tiền sang các loại tài sản an toàn hơn như tiền mặt hay trái phiếu.

Ông Axel Merk, chủ tịch kiêm trưởng bộ phận đầu tư tại Merk Mutual Funds, nhận xét: “Nhà đầu tư đang đình công”.

Nhà đầu tư Stacy Harris 58 tuổi đến từ Nashville cũng không đứng ngoài xu thế trên. Dù bà không bán đi toàn bộ cổ phiếu nhưng tiền mặt đã chiếm tới 42% danh mục đầu tư, cao gấp đôi con số 21% dành cho cổ phiếu.

Chủ bút của ấn phẩm nhạc Music Row Report nổi tiếng của nước Mỹ này nói: “Tôi đang ôm lượng tiền mặt lớn. Cho đến khi mọi chuyện tốt hơn, tôi sẽ không rót thêm tiền vào thị trường chứng khoán.”

Nhà đầu tư một thời tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán Bill Woodward nay cũng đã thay đổi thái độ. Cách đây 1 thập kỷ, ông thường tìm hiểu khắp nơi để nắm được thông tin về các cổ phiếu “nóng”. Hiện nay danh mục đầu tư của ông chỉ còn vài cổ phiếu của công ty dầu mỏ, bất động sản và cổ phiếu penny.

Ông không quan tâm nhiều đến gần 5 nghìn cổ phiếu khác đang giao dịch trên các sàn tại Mỹ. Chuyên gia tư vấn việc làm 60 tuổi tâm sự: “Tôi không muốn trở lại thị trường.” Ông không tin vào các nhà điều tiết thị trường và ông tin họ không bảo vệ tốt những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Cần thận trọng

Sau thời kỳ thị trường tăng điểm ấn tượng, bữa tiệc cocktail một thời tập trung xung quanh cổ phiếu nóng giúp người ta có thể làm giàu nhanh chóng đã chấm dứt, nhà đầu tư chuyển sang tâm lý hạn chế rủi ro, tìm đến nơi tốt nhất để bảo toàn tiền và đẩy mạnh mua trái phiếu chứ không phải nhóm cổ phiếu nóng.

Những ngày Dow Jones tăng nóng tới hơn 200 điểm lại bị bù lại bởi tháng như tháng 8/2010 khi Dow Jones giảm sâu nhất trong 9 năm.

Tâm lý rút tiền khỏi thị trường bởi lo ngại về khả năng giảm điểm liên tục là lựa chọn của nhà đầu tư từ đầu năm 2009.

Số liệu gần đây cho thấy nhà đầu tư cá nhân đang rời thị trường Mỹ. Không điều gì có thể diễn tả được sự kém nhiệt tình của nhà đầu tư với cổ phiếu hơn là dòng tiền khỏi các quỹ tương hỗ. Từ đầu năm 2008, các quỹ tương hỗ trên thị trường chứng khoán đã liên tục đương đầu với vấn đề lượng tiền bị rút ra mạnh, tổng số đã lên tới 245 tỷ USD.

Theo quỹ tương hỗ Investment Company Institute, trong khi đó, tiền vào các quỹ trái phiếu lên tới 616 tỷ USD.

Tâm lý chán nản với thị trường chứng khoán cũng sẽ rõ ràng trong báo cáo 2010 Scottrade American Investor Study chuẩn bị được công bố. Dù 73% số người được hỏi tin thị trường chứng khoán sẽ có thể mang lại lợi nhuận trong dài hạn, 65% nhà đầu tư cho biết họ rất hoặc phần nào lo lắng về tình hình tài chính hiện tại. Họ lo lắng nhiều nhất về kinh tế Mỹ.

Cứ 3 nhà đầu tư có 1 người cho biết họ đang giảm đầu tư hay đầu tư hạn chế hơn vào cổ phiếu.

Thời kỳ không tốt cho thị trường chứng khoán

Thật khó để đổ lỗi cho nhà đầu tư cá nhân về việc họ hoài nghi về thị trường chứng khoán Mỹ. Họ đã trải qua không chỉ 1 mà là 2 lần thị trường chứng khoán đi xuống tồi tệ nhất trong lịch sử.

Bong bóng dot com vỡ vào năm 2000 ảnh hưởng toàn diện đến thị trường chứng khoán. Từ mức đỉnh cao đến cuối năm 2002 khi thị trường chấm dứt giai đoạn giảm điểm, chỉ số S&P 500 hạ 49,1%.

Sau đó, đến thời kỳ năm 2007 đến 2009, bong bóng trên thị trường chứng khoán, bất động sản và nhiều loại tài sản khác hình thành bởi tín dụng lỏng lẻo

Từ ngày 09/10/2007, 5,6 nghìn tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

3 lý do khiến nhà đầu tư Mỹ bất ngờ trở nên ngại rủi ro:

Nhà đầu tư cố gắng đánh giá về ảnh hưởng của cơn chấn động kinh tế vừa qua và chưa chắc chắn về tương lai kinh tế của chính họ. Gần 15 triệu người thất nghiệp và giá tài sản lớn nhất của họ - căn nhà giảm từng ngày.

Nhà đầu tư cảm thấy trò chơi đầu tư chỉ dành cho nhà đầu tư tổ chức và tổ chức quản lý tiền tệ. Họ còn tin rằng sân chơi hiện không bình đẳng, sự bất bình dâng cao.

Hậu quả của thời kỳ Baby Boomers (khoảng thời gian bùng nổ về số lượng trẻ em được sinh ra), yếu tố nhân khẩu cản trở thị trường chứng khoán Mỹ.

Không có gì đảm bảo thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tăng điểm mạnh sau thời kỳ thị trường giảm điểm sâu.

Chủ tịch kiêm trưởng bộ phận đầu tư tại Merk Mutual Funds chỉ ra chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật, sau khi lên mức đỉnh cao 38.915,87 điểm vào ngày 29/12/1989 và sau đó bong bóng vỡ.

Hơn 20 năm sau, chỉ số Nikkei hiện ở mức khoảng 9.000 điểm, thấp hơn tới gần 77% so với mức kỷ lục.

Điều gì sẽ kéo nhà đầu tư trở lại thị trường?

Bất chấp tất cả những yếu tố u ám, không phải ai trên phố Wall cũng tin nhà đầu tư đang rời thị trường chứng khoán trong nhiều năm hay thập kỷ.

Ông Jim Paulsen, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Wells Capital Management, cho rằng cứ sau mỗi thời kỳ thị trường giảm điểm sâu, nhà đầu tư thường nói họ sẽ không mua cổ phiếu.

Tuy nhiên nếu 3 yếu tố sau cải thiện, mọi chuyện sẽ khác:

Việc làm: Khi có việc làm, niềm tin người tiêu dùng và nhà đầu tư sẽ cải thiện. Giá cổ phiếu có thể tăng.

Giai đoạn thị trường tăng điểm: Tâm lý thị trường sẽ khác nếu thị trường tăng điểm và người ta kháo nhau về việc đã kiếm được tiền từ thị trường như thế nào.

Sự minh bạch về chính sách: Mọi câu hỏi hiện đang tập trung vào chính sách từ chính phủ, từ thuế cho đến điều tiết ngành tài chính.

Ngọc Diệp

Theo USA Today


ngocdiep

Trở lên trên