Thêm nhiều ngân hàng Thụy Sỹ sẽ bị Bộ Tư pháp Mỹ “sờ gáy”
Trong thời gian gần đây nhà chức trách Mỹ đã tiến hành điều tra nhiều ngân hàng nước ngoài bị cáo buộc nhận tiền gửi mà không khai báo của các công dân Mỹ, qua đó giúp những người này trốn thuế.
- 31-03-2015Ngân hàng Thụy Sĩ bị phạt nặng vì giúp khách hàng trốn thuế
- 26-03-2015[Ảnh] Góc bí mật của ngân hàng Thụy Sĩ
- 10-03-2015Lịch sử bộ luật bí mật của ngân hàng Thụy Sĩ
Thêm nhiều ngân hàng Thụy Sỹ dự kiến sẽ phải dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) “trong tương lai gần” để không phải ra hầu tòa vì những cáo buộc liên quan đến hành vi giúp công dân Mỹ mở tài khoản ở nước ngoài nhằm trốn thuế.
Quan chức cấp cao chuyên trách các vấn đề tài chính quốc tế của Thụy Sỹ, ông Jacques de Watteville cho biết Bộ tư pháp Mỹ đã giải quyết một số vụ gần đây và sẽ có thêm nhiều vụ liên quan được xử lý trong tương lai không xa.
Trong thời gian gần đây nhà chức trách Mỹ đã tiến hành điều tra nhiều ngân hàng nước ngoài bị cáo buộc nhận tiền gửi mà không khai báo của các công dân Mỹ, qua đó giúp những người này trốn thuế.
Tuần trước, Finter Bank Zurich AG đã chấp thuận nộp phạt 5,4 triệu USD trong một thỏa thuận tương tự với DoJ, và là ngân hàng tư nhân thứ ba của Thụy Sỹ đã phải dàn xếp các cáo buộc theo kiểu này trong năm nay .
Theo một chương trình tự nguyện được Bộ Tư pháp Mỹ ban bố trong năm 2013, cơ quan này cho phép các ngân hàng Thụy Sỹ tránh bị truy tố trước tòa bằng việc tiết lộ thông tin các hoạt động của các công dân Mỹ chuyển tiền và tài sản ra nước ngoài để trốn thuế.
Ông De Watteville nói rằng Thụy Sỹ ủng hộ phương thức mà các nhà chức trách Mỹ giải quyết nhằm khép lại các vụ việc trên. Tuy nhiên, còn một số ngân hàng khác, ví dụ như Julius Baer, bị điều tra chính thức về hình sự và không được tham gia chương trình dàn xếp theo hình thức tự nguyện này.
Đại sứ Mỹ tại Thụy Sĩ Suzan LeVine cho biết những cuộc điều tra này có thể kéo dài sang tận năm 2016.
Trog khi đó, Liên minh châu Âu và Thụy Sỹ vừa ký kết một thỏa ước quan trọng nhằm chấm dứt tình trạng bí mật ngân hàng đối với các cư dân EU và ngăn chặn việc che giấu các nguồn thu nhập không minh bạch tại các ngân hàng Thụy Sỹ.
Thỏa ước trên là một "đòn đánh" khác nhằm vào các đối tượng trốn thuế và được coi là một bước tiến mới hướng tới sự minh bạch trong hệ thống thuế quan tại châu Âu, trong bối cảnh EU đang tăng cường các biện pháp nhằm chống nạn trốn thuế, vốn gây thiệt hại cho mỗi quốc gia châu Âu hàng tỷ USD mỗi năm.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề thuế Pierre Moscovici cùng Jacques de Watteville, quan chức phụ trách các vấn đề về tài chính quốc tế của Thụy Sỹ, và Bộ trưởng Tài chính Latvia Janis Reirs, nước đang giữ chức Chủ tịch EU, đã đại diện ký kết thỏa ước trên, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018.
Điều này không những sẽ giúp nâng cao khả năng phát hiện và xử lý các đối tượng trốn thuế, mà còn ngăn chặn các khoản thu nhập "ngầm" cũng như các tài sản "đen" của họ ở nước ngoài.
Theo thỏa thuận vừa được ký kết, EU và Thụy Sỹ sẽ tự động trao đổi thông tin về các tài khoản ngân hàng bao gồm tên chủ tài khoản, địa chỉ, mã số thuế, số căn cước, ngày tháng năm sinh và số dư trong tài khoản./.