MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Thái Lan công bố chính sách của chính phủ mới

23-08-2011 - 21:02 PM | Tài chính quốc tế

Chính phủ mới của Thái Lan có kế hoạch sửa đổi điều 291 của Hiến pháp năm 2007. Đảng Dân chủ Thái đã kịch liệt phản đối.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trong sáng ngày hôm nay đã công bố tuyên bố về chính sách chính phủ mới trước nghị viện Thái Lan.

Bà cho biết chính phủ mới dẫn đầu bởi đảng Pheu Thai sẽ thực hiện chính sách bao gồm 8 điểm quan trọng như sau:

1) Đưa ra một số chính sách khẩn cấp trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ

2) Bảo đảm an ninh quốc gia

3) Chính sách kinh tế

4) Giải quyết vấn đề xã hội và chất lượng cuộc sống

5) Đưa ra chính sách về tài nguyên thiên nhiên và môi trường

6) Công bố chính sách về khoa học, công nghệ, nghiên cứu và hoạt động đổi mới

7) Chính sách đối ngoại và kinh tế quốc tế

8) Chính sách quản trị tốt

Đáp lại bà Yingluck, lãnh đạo Đảng Dân chủ Thái Lan, ông Abhisit Vejjajiva phát biểu rằng việc sửa đổi hiến pháp không phải vấn đề cấp bách mà chính phủ mới cần phải gấp rút thực hiện.

Cựu Thủ tướng này cũng khẳng định nhóm người không ủng hộ thay đổi hiến pháp sẵn sàng biểu tình trên đường phố nếu mục tiêu sửa đối hiến pháp được tiếp tục thực hiện.

Ông cảnh báo nó có thể dẫn đến tình trạng chia rẽ trong xã hội cũng như xung đột chính trị, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia.

Chính phủ mới của Thái Lan có kế hoạch sửa đổi điều 291 của Hiến pháp năm 2007 để dọn đường cho việc thành lập hội đồng phác thảo hiến pháp (CDA) bao gồm 99 thành viên. Trong nhóm này 77 thành viên sẽ do bầu cử từ 77 tỉnh, ngoài ra 22 thành viên khác đến từ một số lĩnh vực khác được chọn lựa.

CDA sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả nếu sau này đảng Pheu Thai không còn cầm quyền. Hiến pháp được phác thảo, sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý.

Đảng Pheu Thai khẳng định sẽ nhờ cựu Thủ tướng Abihisit tư vấn tuy nhiên ông này đã bác bỏ bởi cho rằng nó muốn đưa ra lệnh ân xá cho ông Thaksin. Đại diện đảng PheuThai lập tức trả lời rằng chẳng có hiến pháp nào có thể sửa để giành quyền ân xá cho bất kỳ ai.

Theo VnExpress, chính phủ của bà Yingluck bác bỏ thông tin cho rằng họ yêu cầu có thị thực nhập cảnh Nhật đặc biệt cho ông Thaksin, nhưng Tokyo cho hay, Bangkok đã yêu cầu Nhật Bản áp dụng ngoại lệ và cho phép cựu thủ tướng được nhập cảnh. Theo luật pháp Nhật, những người bị truy tố tội phạm không được cấp visa.

"Đến Nhật Bản là quyền của tôi. Em gái tôi không liên can gì", Thaksin cho biết và nói thêm rằng chính phủ Thái không thể buộc chính phủ Nhật cấp visa.

Ông Thaksin làm thủ tướng Thái từ 2001 đến 2006 và được lòng đa số dân chúng, đặc biệt là những người ở nông thôn và người nghèo. Tuy nhiên, trong con mắt của tầng lớp tinh hoa ở Bangkok và những người bảo hoàng, Thaksin là một mối nguy đối với chế độ quân chủ. Hai phe ủng hộ và phản đối Thaksin đã tạo nên sự chia rẽ sâu sắc trong lòng đất nước Thái Lan, mà biểu hiện của sự chia rẽ này có thể được nhìn thấy rõ trong những làn sóng biểu tình khổng lồ giữa các nhóm áo đỏ, áo vàng trong nhiều năm qua.


Đình Hảo

ngocdiep

BangkokPost,Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên