MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương vụ IPO lịch sử có thể giúp Nhật Bản hồi sinh

22-09-2015 - 14:33 PM | Tài chính quốc tế

Tập đoàn Japan Post thông báo sẽ chính thức tiến hành IPO để thu về 11 tỷ USD vào tháng 11 tới. Đây là vụ IPO lớn nhất trong gần 3 thập kỷ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn phát đi tín hiệu rằng kinh tế Nhật Bản đang hồi phục trở lại. Và thông điệp này của ông đã được tiếp lực vào hôm 10/9 vừa qua, sau khi tập đoàn Japan Post thông báo sẽ chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 11 tới đây.

Đây là vụ IPO lớn nhất của Nhật Bản trong gần 3 thập kỷ qua, với mục tiêu huy động được 11 tỷ USD. Trong đó sẽ có 3 vụ IPO đồng thời của công ty mẹ cùng 2 công ty con là công ty bảo hiểm Japan Post Insurance và ngân hàng Japan Post Bank. Vụ IPO này không chỉ báo hiệu về sự thay đổi đang diễn ra trong nền kinh tế Nhật Bản mà còn giúp thúc đẩy quá trình thay đổi.

Từ thời cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, Nhật Bản đã đặt mục tiêu về vụ IPO này nhưng liên tục bị trì hoãn. Ông Koizumi khi đó đã nhận thấy cỗ máy cồng kềnh chính là nhược điểm của Japan Post. Đây là tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, bao trùm nhiều ngành từ viễn thông, bưu chính tới ngân hàng và bảo hiểm với hơn 400.000 nhân viên. Có thể ví von đây chính là một con heo được vỗ béo bởi tiền tiết kiệm của người dân Nhật Bản và bị các chính trị gia thoái hoá dùng làm nguồn tài trợ cho các “dự án mà họ ưu ái”. Nhiều dự án trong số này không hiệu quả, góp phần làm gia tăng đáng kể gánh nặng nợ công của Nhật Bản.

Tuy nhiên kế hoạch đã bị trì hoãn từ 2010 tới nay. Năm nay đã là 2015 và mặc dù có những chuyển biến nhất định trong nền kinh tế Nhật Bản, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Paul Krugman, vốn là một trong những người đầu tiên cổ vũ chính sách Abenomics của thủ tướng Shinzo Abe, gần đây đã phải nói rằng ông thực sự rất lo lắng về khả năng Tokyo có thể thoát khỏi giảm phát thành công.

Dẫu vậy, Krugman vẫn hy vọng rằng vụ IPO của Japan Post sẽ có thể khuyến khích các hộ gia đình bỏ tiền tiết kiệm ra để đầu từ nhiều hơn. Quan trọng hơn, điều này có thể làm sôi động lĩnh vực ngân hàng đang trì trệ của nước này. Dòng vốn sẽ chảy nhanh hơn, hoạt động nhiều hơn và các ngân hàng cũng sẽ mở rộng cho vay khi hoạt động kinh tế có khởi sắc.

Nhật Bản là một trong số những nước phát triển có số lượng ngân hàng nhiều nhất thế giới, với hơn 100 ngân hàng (84 ngân hàng trong số này niêm yết cổ phiếu trên TTCK) phục vụ 126 triệu người Nhật Bản. Do chính sách lãi suất gần 0% của NHTW Nhật Bản, tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng đang thu hẹp nhanh hơn cả mức thu hẹp của dân số Nhật.

Giải pháp để thúc đẩy hoạt động nền kinh tế đó là củng cố lại chính các ngân hàng này. Làm cho họ trở nên mạnh hơn, lớn hơn và có khả năng sinh lợi nhiều hơn sẽ làm tăng khả năng chấp nhận rủi ro của họ và môi trường kinh tế tại Nhật Bản và qua đó khuyến khích hoạt động cho vay. Các nhà điều tiết đã sử dụng một chiến thuật tương tự với 3 siêu ngân hàng của Nhật Bản là (Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui Banking và Trust&Custody Services Bank.

Sau khi niêm yết lên sàn chứng khoán, chính phủ Nhật – Bộ tài chính sẽ vẫn sở hữu gần 90% của Japan Post Bank (đang quản lý một danh mục tài sản trị giá 1,7 nghìn tỷ USD). Dù nhà nước vẫn sở hữu lượng cổ phần đáng kể nhưng sau IPO, Japan Post Bank sẽ là một thể chế hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Họ sẽ phải bắt đầu tập trung nhiều hơn vào hoạt động cho vay thay vì đơn giản là nhận các khoản gửi tiết kiệm và trả lãi suất. Điều đó sẽ làm tăng sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt giữa các ngân hàng trong nước với nhau, và do đó hoạt động kinh doanh có thể được kích thích. Dưới áp lực cạnh tranh các ngân hàng sẽ không còn lựa chọn nào khác đó là mở rộng tìm kiếm khách hàng.

Lợi nhuận của các ngân hàng Nhật giảm mạnh hơn kể từ khi NHTW Nhật Bản tung ra gói kích thích nới lỏng định lượng vào năm 2013. Lãi suất xuống thấp khiến lợi nhuận từ hoạt động cho vay càng giảm mạnh và các ngân hàng càng ngại cho vay hơn. Giờ đây Japan Post Bank được tư nhân hóa sẽ khiến mức độ cạnh tranh tăng đột ngột và Nhật Bản đang kỳ vọng sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền cho toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Có những dấu hiệu cho thấy các ngân hàng của Nhật Bản đang hồi phục trở lại. Khoảng thời gian khi Tokyo bắt đầu thực hiện tư nhân hóa Japan Post Bank, chính phủ Nhật đã bơm khoảng 100 tỷ USD vào trong các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn và giúp các tổ chức này xử lý nợ xấu. Đến nay, ngân hàng cuối cùng nhận cứu trợ là Resona Bank đã hoàn trả lại đầy đủ khoản nợ 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên “tư duy giảm phát” vẫn đang là một lực cản lớn đối với hoạt động cho vay.

Mục tiêu mà Japan Post hướng tới khi tư nhân hóa cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Câu hỏi là làm sao để đối phó, giải quyết, xử lý an toàn các khoản bảo lãnh tiền gửi tại Japan Post Bank khi mà chính phủ không còn bảo trợ cho ngân hàng này nữa. Sau tư nhân hóa, họ sẽ tiếp xúc với sự cạnh tranh mạnh hơn, trực tiếp hơn từ các ngân hàng trong nước. Nếu Japan Post thành công, khả năng hồi phục của kinh tế Nhật Bản sẽ tăng theo cấp số nhân.

Tuấn Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên